Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Việt Nam đứng trước các nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có vấn đề cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của nhân dân. Trong bối cảnh đó, năm 1980 Viện Dinh dưỡng Quốc gia được thành lập. Viện ra đời vào lúc đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ ban đầu rất thiếu thốn, tuy vậy viện phải nhanh chóng vươn lên, tự khẳng định mình bằng các đóng góp thiết thực với đất nước. Trong quá trình đó, viện đã nhận được nhiều sự giúp đỡ quý giá từ các bạn bè và đồng nghiệp quốc tế, trong đó có các nhà khoa học dinh dưỡng Nhật Bản. GS. Nguyễn Văn Chuyển, nhà tri thức Việt kiều yêu nước, người bạn quý của ngành dinh dưỡng Việt Nam đã là cầu nối giữa các nhà khoa học dinh dưỡng Việt Nam và Nhật Bản trong một thời gian dài.
GS.TS. Nguyễn Văn Chuyển và học trò Việt Nam, Nhật Bản tại Labo Dinh dưỡng và Thực phẩm - Trường đại học Phụ nữ Nhật Bản, năm 2006.
Trước khi đến với chúng tôi, ông đã nhiều lần về nước và tham gia nhiều hoạt động trong tổ chức Việt kiều. Cuối thập kỷ 1980, đầu thập kỷ 1990, ông đã tiếp xúc với GS. Từ Giấy, Viện trưởng sáng lập của viện và chúng tôi để bày tỏ mối quan tâm đến các vấn đề dinh dưỡng của đất nước và mong muốn cộng tác và giúp đỡ Viện Dinh dưỡng. Từ bấy đến nay, suốt 20 năm liên tục, ông rất năng nổ, nhiệt tình góp phần xây dựng ngành dinh dưỡng Việt Nam. Ông đã có mối quan hệ thân thiết với Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh, tập hợp được nhiều chuyên gia giỏi của Nhật Bản cộng tác với Việt Nam. Là một giáo sư đại học, với mối quan hệ rộng rãi của mình ở Nhật Bản, ông đã bền bỉ, cố gắng tìm các nguồn lực cần thiết cho các hoạt động đó. Nhiều chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam khảo sát, thuyết trình, tiến hành các nghiên cứu khoa học và trở thành những người bạn quý của chúng tôi, những người thầy của các nghiên cứu sinh Việt Nam như các giáo sư: Manosobu Kawakami, Shigeru Yamamoto, Mieko Oshima, Kazuo Kondo... Chúng tôi thấy mỗi lần về nước, ông thường tranh thủ mọi thời gian và cơ hội để báo cáo thuyết trình, tổ chức các dịp gặp gỡ, trao đổi ý tưởng với nhiều người, cả trong và ngoài ngành y tế. Năng nổ, làm việc quên mình là thói quen của ông.
Tôi đã đến Nhật Bản thăm Trường đại học Nihon Joshi - nơi ông là Giáo sư Trưởng khoa và thăm gia đình ông. Ngôi nhà nhỏ xinh xắn của ông bà ở cách nơi làm việc hơn một giờ tàu điện ngầm. Buổi chiều về muộn, buổi sáng đến sớm nhưng ông luôn giữ được tác phong chuẩn mực và nề nếp của mình.
Tôi nhớ những kỷ niệm cùng ông và nhiều chuyên gia dinh dưỡng, nội khoa, tim mạch, thần kinh Nhật Bản tham gia nghiên cứu bệnh “tê tê say say” ở miền núi Hòa Bình. Các đồng nghiệp Nhật Bản đã cùng chúng tôi tổ chức khám bệnh, điều tra khẩu phần, lấy máu xét nghiệm và thực hiện một số can thiệp thử nghiệm ở cộng đồng. Các nghiên cứu đó đã góp phần quan trọng để tìm hiểu một vấn đề sức khỏe thời sự liên quan đến dinh dưỡng thời bấy giờ.
GS.TS. Nguyễn Văn Chuyển trong Hội thảo khoa học tại Viện Dinh dưỡng năm 2005.
Tháng 9/1997, một hội thảo khoa học Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Các vấn đề dinh dưỡng thời sự của Việt Nam và Nhật Bản” đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia giỏi của hai nước về dinh dưỡng, tim mạch, nội tiết, nội khoa... Nhiều báo cáo khoa học đã được trình bày và cuốn kỷ yếu công trình của hội nghị này đã được xuất bản. Cùng với GS. Chuyển, nhiều chuyên gia Nhật Bản đã có mặt như GS. Sushei Kobayashi, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Nhật Bản lúc đó, các GS. Manosobu Kawakami, Shigeru Yamamoto, Kazuo Kondo, Mieko Oshima, Nobuo Yoshike... đã tham dự và đọc báo cáo.
Đào tạo cán bộ trẻ là lĩnh vực được GS. Chuyển rất quan tâm. Ông đã tìm các cơ hội để đưa các thực tập sinh và nghiên cứu sinh sang học tập tại Nhật Bản. Một số đồng nghiệp trẻ từ Trung tâm Dinh dưỡng TP. Hồ Chí Minh và Viện Dinh dưỡng Quốc gia sau thời gian tu nghiệp tại Nhật Bản đã trở về nước và đang phát huy tác dụng. Ông đã chú ý lựa chọn các đề tài thời sự với tình hình đất nước như các thành phần chống ôxy hóa có vai trò phòng bệnh trong các thức ăn thường gặp ở Việt Nam, các vấn đề dinh dưỡng trong thời kỳ chuyển tiếp.
Đã gần 20 năm nay, ông là người bạn, người cộng tác gần gũi của các thế hệ làm dinh dưỡng ở Việt Nam. Hàng năm, ông đều sắp xếp về công tác ở Việt Nam với các ý tưởng mới, các dự định mới và cả những người bạn mới là các nhà khoa học Nhật Bản có cảm tình với Việt Nam. Ông có được sự thông cảm san sẻ công việc gia đình của người vợ mà ông yêu quý, bà Ryuko Yamaguchi, sự giúp đỡ của nhiều bạn bè Việt Nam và Nhật Bản của ông. Chúng tôi cảm động và trân trọng đánh giá cao những tình cảm đó.
Năm 2008, ông cùng các GS: M.Kawakami, H.Buijo, S.Yamamoto, Kajio, Watanabe...đã có lịch hoạt động phong phú ở Việt Nam mà trọng tâm là Hội thảo khoa học Việt - Nhật - Mỹ vào cuối tháng 10/2008 về một chủ đề dinh dưỡng thời sự “Béo phì và hội chứng chuyển hóa”. Thật không ngờ, ngày 12/6 ông lâm bệnh nặng và sau đó mấy ngày, ngày 16/6/2008 ông đã ra đi mãi mãi!
GS. Nguyễn Văn Chuyển là người bạn lớn của ngành dinh dưỡng Việt Nam. Ông đã được Bộ Y tế tặng Huy chương “Vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân” và là một trí thức Việt kiều được nhà nước vinh danh. GS. Nguyễn Văn Chuyển mất đi nhưng hình ảnh của ông, vị giáo sư có tâm, có tài với tác phong điềm đạm, tinh thần làm việc say sưa và tấm lòng mặn nồng với quê hương đất nước vẫn sống mãi trong lòng đồng nghiệp, học trò và bè bạn.