GS.TS. Nguyễn Gia Bình là Trưởng khoa Hồi sức tích cực (HSTC), BV Bạch Mai, đã cùng các cộng sự làm tốt chức năng của một khoa ở tuyến cao nhất khi điều trị tất cả các bệnh nhân nặng cần được cứu sống với các kỹ thuật tiên tiến của y học.
Báo Sức khỏe&Đời sống ngày 14/4/2014 đưa tin: Các bác sĩ Khoa HSTC và tập thể bác sĩ (BS) BV Bạch Mai đã cứu sống thành công thai phụ Bùi Thị Hương 31 tuổi, công nhân nhà máy xi măng Cẩm Phả mang thai ở tuần thứ 35, bị cúm A/H1N1 biến chứng nặng.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình.
Bệnh nhân (BN) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, viêm phổi nặng, xét nghiệm khí ôxy trong máu rất thấp, nguy cơ tử vong rất lớn. Sau một cuộc hội chẩn các BS liên khoa, các BS quyết định mổ bắt con để cứu đứa trẻ và giảm áp lực ôxy cho người mẹ. Cháu bé ra được các thầy thuốc của Khoa Nhi tiến hành đặt nội khí quản, cho thở máy, sau đó đưa trẻ về khoa cấp cứu sơ sinh. Còn các BS Khoa HSTC cứu người mẹ. Phổi của bệnh nhân đã bị tổn thương toàn bộ, không có khả năng trao đổi ôxy, phải thở bằng máy nhưng cũng không cải thiện. Giải pháp cuối cùng lúc này là sử dụng kỹ thuật trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO). Kỹ thuật này đã được thực hiện để hỗ trợ suy tim cấp tính, không còn khả năng bơm đủ máu đi nuôi cơ thể (kỹ thuật V-A ECMO). Nhưng kỹ thuật ECMO thực hiện hỗ trợ về phổi khác với tim và khó hơn. Giáo sư Trưởng khoa Nguyễn Gia Bình cùng các đồng nghiệp thực hiện điều trị cho BN Hương bằng cách: lấy máu ra qua đường tĩnh mạch lớn (4-5 lít/phút) được bơm qua hệ thống ly tâm (tim nhân tạo) rồi trộn ôxy và thải CO2 ở màng trao đổi (phổi nhân tạo), sau đó đưa dòng máu trở về tĩnh mạch chủ về tim phải, rồi được bơm vào hệ thống tuần hoàn nhờ tim. Việc này phải thực hiện liên tục 24/24 giờ theo các quy trình kỹ thuật chặt chẽ. Suốt 3 tuần lễ, các thầy thuốc đã tận tình theo dõi, chăm sóc, phát hiện và xử trí kịp thời những diễn biến xấu cho đến khi BN hồi phục. Thành công này tương tự như các kỷ lục của thế giới đã ghi nhận ở các nước tiên tiến.
Ngày 5/8/2016, Khoa HSTC đã cứu sống ông Tô Thanh H., 48 tuổi, do uống rượu bia nhiều nên bị bệnh gút nặng, gan bị nhiễm độc. Ông H. đã dùng thuốc dexamethasone để điều trị bệnh gút nhiều ngày dẫn đến cơ thể bị suy tuyến thượng thận, tiểu đường. Do tiếp xúc thường xuyên với người bệnh lao nên ông H. bị mắc thêm bệnh lao nặng. Vi khuẩn lao đã xâm nhập các phủ tạng, phổi, thận và thậm chí cả ở não. Ông được đưa vào Khoa HSTC ngày 26/6/2016 trong tình trạng sốt cao, hôn mê sâu, suy nhiều phủ tạng (phổi, tim, gan, thận...). Ông H. được cứu sống bằng kỹ thuật ECMO phối hợp cùng với việc dùng thuốc điều trị. Sau 40 ngày, ông đã hồi tỉnh, không phải thở máy nữa.
Trên đây là hai trong số nhiều thành tích của Khoa HSTC, trong việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào việc chữa bệnh, mà hàng năm, có gần 1.500 BN được cứu chữa tại khoa. GS. Bình và các cộng sự trong khoa đã cứu sống được nhiều BN nặng cận kề cái chết: các bệnh suy hô hấp (ARDS, hen phế quản nguy kịch), nhiễm khuẩn nặng dẫn đến sốc, suy thận cấp, sốc tim, suy gan cấp, suy đa tạng; các bệnh cúm H5N1,... suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, rối loạn cầm máu nặng...
Hướng tới việc cứu BN bằng khoa học tiên tiến
GS.TS. Nguyễn Gia Bình luôn tìm cách tiếp cận, học hỏi các phương pháp chữa bệnh với các tiến bộ khoa học y học mới nhất trên thế giới. Ông đã có dịp được sang các nước Pháp, Mỹ và Nhật Bản để tu nghiệp và làm quen với phong cách làm việc hiện đại, với đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là cách làm việc chuyên nghiệp của các ê-kíp BS cùng điều dưỡng và quản lý theo hệ thống và khoa học. Ông lặng lẽ, kiên trì học tập, cùng làm tất cả các công việc của điều dưỡng, BS nội trú ở tất cả các BV tại nơi đến học.
Các thầy thuốc tiễn bệnh nhân Bùi Thị Hương ra viện.
BS. Bình nói: “Sau khi đi học về, tôi ao ước làm sao mình làm được như họ, chúng tôi đã phấn đấu không ngừng, mặc dù về điều kiện mình còn khó khăn hơn. Sau hơn 25 năm, trình độ giữa họ và chúng tôi đã thu hẹp về khoảng cách. Cái được nhất là người bệnh mình được hưởng lợi, rất nhiều người bệnh nguy kịch trước kia đều tử vong thì nay đã được cứu sống”.
BS. Bình say mê học hỏi để đưa các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến về áp dụng tại Việt Nam. Ông dành nhiều công sức nghiên cứu để triển khai kỹ thuật lọc máy liên tục, thay huyết tương, lọc máu hấp phụ, gan nhân tạo và tim phổi nhân tạo tại giường (hay còn gọi là ECMO)...
Học được rồi thì phải thực hành. Như kỹ thuật ECMO chẳng hạn, phải chờ nhân một chuyến đi hội thảo ngắn ngày ở Nhật Bản, BS. Bình xin phép ở lại ít ngày đến học thực tế trên máy và người bệnh tại một BV ở Tokyo, vừa xem thao tác xong thì xin được đứng bên máy phụ giúp và cùng làm với họ, rồi ghi chép, rồi chụp ảnh tất cả để cố ghi nhớ.
Về đến nước mình, BV chưa có chiếc máy ECMO trị giá hơn 2 tỷ đồng ấy. Trong một chương trình cộng tác với Nhật Bản nghiên cứu về cúm H5N1, ngoài việc được cấp nhiều phương tiện nghiên cứu khác, BS. Bình đề nghị cấp thêm máy ECMO. Phải chờ 2 năm sau, quỹ nghiên cứu mới đồng ý cấp cho máy. Sau này bằng quan hệ với các tổ chức y tế Mỹ và các nước khác khoa có thêm nhiều loại máy khác nữa phục vụ BN. Ngoài việc cung cấp máy, các tổ chức, các nhà khoa học quốc tế còn gửi cho tài liệu, sách vở, giúp đào tạo cho nhiều bác sĩ trẻ của khoa học tập.
Có máy rồi, BS. Bình cùng các cộng sự tiến hành dùng máy để cứu những người bệnh nặng. Từ các ca bệnh thành công và cả với ca bệnh không thành công, ông và tập thể rút ra các kinh nghiệm, các bài học để viết thành các quy trình kỹ thuật. Không thể áp dụng tất cả các quy trình của nước ngoài, vì người ta làm rất chi tiết, bài bản, có hệ thống với các xét nghiệm đánh giá từng giờ, hoặc các chỉ số theo dõi bằng các máy tự động liên tục. Làm đúng như vậy thì rất tốn kém, nên GS. Bình chỉ chọn lựa các công đoạn tối cần thiết để giảm bớt gánh nặng chi phí cho BN hay bảo hiểm y tế. Phải lấy sự tận tụy về sức người của bác sĩ, của điều dưỡng làm thay cho máy móc. Có được trang thiết bị đã khó nhưng sử dụng đúng và hiệu quả mới là điều quan trọng. Từ đó đề ra các quy trình chuyên môn kỹ thuật, cũng như quy trình quản lý, thường xuyên được bổ sung, cập nhật. Sau đó khoa báo cáo quy trình kỹ thuật trước Hội đồng khoa học BV Bạch Mai. BV rất ủng hộ, thông qua và làm các thủ tục trình lãnh đạo Bộ. Sau khi Bộ Y tế chấp nhận cho phép được thực hiện trong cả nước. Cho đến nay rất nhiều quy trình kỹ thuật tiên tiến được thực hiện ở Việt Nam với giá thành chỉ bằng 1/5 - 1/10 so với nước ngoài.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình thăm khám bệnh nhân làm ERMO tại Phòng cách ly
Những năm tháng rèn luyện và trưởng thành
BS. Nguyễn Gia Bình sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức ở Hà Nội. Thuở nhỏ anh mong ước được học ngành y để chữa bệnh cứu người. Năm 1980 anh tốt nghiệp bác sĩ y khoa.
Năm đó, chấp hành lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, anh đã hăng hái lên đường nhập ngũ và được điều động làm nhiệm vụ người thầy thuốc quân y tại Đội điều trị 36, đóng quân ở biên giới Cao Bằng. Những năm tháng ở quân ngũ đã tôi luyện cho BS. Bình tinh thần làm việc cần cù, chịu đựng gian khổ, biết vượt mọi khó khăn để vươn lên.
Ra quân, BS. Bình xin được làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu A9 BV Bạch Mai, một chuyên ngành đầy thử thách nhưng vinh quang. Khoa A9 là nơi làm việc vất vả, căng thẳng nhất của BV, đòi hỏi các bác sĩ giỏi, có sức khỏe tốt và đức tính hy sinh. Những năm tháng khởi nghiệp đó, BS. Bình rất may mắn được học hỏi các vị giáo sư đầu ngành như cố GS. Đặng Văn Chung, cố GS. Đỗ Đình Địch, GS. Vũ Văn Đính, GS. Nguyễn Thị Dụ... Các vị là những người thầy mẫu mực, tận tụy và làm việc hết lòng vì BN. BS. Bình cần mẫn làm việc và rất tích cực học hỏi từ các đồng nghiệp và học thêm ngoại ngữ để có thể đọc và hiểu được sách báo nước ngoài.
Quen dần với công việc tại khoa, năm 1987, BS. Bình được GS. Vũ Văn Đính chọn cho đi cùng sang giảng dạy tại Trường ĐH Y Phnompenh - Campuchia để giúp bạn. Trong một trường hợp cần cứu BN bị sốt rét ác tính có biến chứng suy thận, GS. Đính đã giao cho BS. Bình thực hiện lọc màng bụng bằng dụng cụ thô sơ và làm dịch lọc bằng tự pha chế. BN đã được cứu sống sau một tuần lễ. Trở về nước, hai thầy trò cùng các BS trong khoa tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và đưa ra phương pháp lọc màng bụng bằng dung dịch tiêm truyền thông thường, cứu sống nhiều BN sốt rét nặng có biến chứng suy thận cấp ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nước ta.
Năm 1998, BS. Bình được tín nhiệm đảm nhận Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu A9. Tháng 2/2002, ông được giao giữ cương vị Trưởng khoa HSTC. Năm 2004, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Cũng từ đó đến nay, ông đã gắn bó đưa khoa phát triển lên một tầm cao mới.
Chăm sóc bệnh nhân sốc tim có biến chứng suy đa tạng bằng kỹ thuật ECMO ( máy ECMO ở bên phải) và kỹ thuật lọc máu liên tục ( máy màu xanh ở bên trái ) tại khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch mai.
Trưởng khoa phải lo nhiều việc
BV Bạch Mai được tiếp nhận viện trợ y tế không hoàn lại của Nhật Bản, trong đó có một tòa nhà 6 tầng: nhà P. Một nửa sàn tầng 4 là khu làm việc và các bệnh phòng của Khoa HSTC có trang thiết bị đầy đủ và hệ thống kỹ thuật cao có thể phục vụ cho 30 giường bệnh, nhưng thực tế hiện nay khoa phải thu dung tới 42 giường bệnh. Do đặc thù của công việc HSCC, ở đây không có BN nằm ghép.
Phòng làm việc của Trưởng khoa BS. Bình ở tầng 2, cách biệt với khu BN - theo thiết kế kiểu Nhật Bản và các nước tiên tiến. Theo phong cách làm việc ở các nước đó, bác sĩ trưởng khoa sau khi làm việc với đồng nghiệp và BN, sẽ trở về phòng riêng để có điều kiện suy nghĩ, tra cứu tài liệu, đọc sách. Người thầy thuốc làm việc trí tuệ, với trái tim, lòng nhiệt tình và sự hiểu biết. BS của ta phải làm việc nhiều hơn thế. Trưởng khoa phải lo đủ thứ, phải bận rộn với các công việc hành chính sự vụ.
Điều trị BN phải tính đến bảo hiểm, lo có vật tư, phương tiện và thuốc men, thậm chí cả bữa ăn. Nhiều BN bị rất nặng, chi phí rất cao, nhưng không có tiền đóng viện phí, một số người bệnh rất nghèo túng, khoa phải thường xuyên nhờ sự hỗ trợ của BV và từ Quỹ nhân ái của báo điện tử Dân trí, báo Vietnamnet và các nhà từ thiện, hảo tâm khác...
Cán bộ làm việc với cường độ rất cao, có sự phân công chặt chẽ và phải làm đúng quy trình. Các thầy thuốc luôn chịu nhiều áp lực: áp lực trước tính mạng BN đang ngàn cân treo trên sợi tóc, áp lực với người nhà BN trước những đòi hỏi của họ, áp lực với dư luận và báo chí nếu không may có sơ suất, áp lực về chi trả viện phí của BN...
Trong khoa, các BN đều ở tình trạng rất nặng, tính mạng của họ như người làm xiếc đi trên dây. Người làm xiếc chỉ lo đi thăng bằng trong mấy phút, còn ở đây là cả một thời gian dài, ít cũng vài ba tuần, có khi còn lâu hơn thế. Có BN không thể qua khỏi vì nhiều lý do. Trong kiểm thảo tử vong, BS. Bình cùng cộng sự đã họp bàn tìm các nguyên nhân, luôn tự hỏi xem cán bộ mình đã làm tốt nhất cho người bệnh chưa. Hình ảnh những BN không may mắn còn vương vấn trong tâm trí các thầy thuốc trong nhiều ngày. Liệu có cách gì khác để cứu chữa BN không? Mình cố gắng nhiều như thế, nhưng người nhà hoặc chính người bệnh không thấy hết. Nhiều lúc không vui, có trường hợp, BN được điều trị đang có chuyển biến tốt thì người nhà xăng xái đòi đưa BN về, họ tự thuê xe chở BN đi, không thanh toán các khoản viện phí.
Năm 2008, PGS.TS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa HSTC BV Bạch Mai đã được giao là Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh” với 4 đề tài nhánh và được triển khai ở 8 BV trong cả nước. Năm 2012, đề tài đã được Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Y tế nghiệm thu, đánh giá chất lượng tốt, thiết thực, hiệu quả. Các kỹ thuật được nghiên cứu trong đề tài này đã triển khai thành kỹ thuật thường quy ở nhiều BV trong cả nước, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều BN nặng ngay tại địa phương.
Cụm công trình nghiên cứu về các kỹ thuật lọc máu và nghiên cứu về cúm A/H5N1 của 28 tác giả, do GS. Bình đứng đầu đã được đề nghị Chủ tịch nước trao Giải thưởng về khoa học và công nghệ Nhà nước năm 2016.
Ông đã được phong chức danh Giáo sư năm 2015 và được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2009), hạng Hai (2015) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. GS. Bình còn là Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam.
Người lãnh đạo khoa gương mẫu
Khoa HSTC, nơi được ví là đầu sóng ngọn gió của BV có hơn 70 cán bộ gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên được tổ chức thành 3 ca và 4 kíp, làm việc liên tục, ngày đêm miệt mài phục vụ. GS. Bình Trưởng khoa sống chan hòa, chân thành trong sinh hoạt, nhưng rất nghiêm khắc khi thực hành nhiệm vụ chuyên môn. Cả khoa là một tập thể đoàn kết, luôn tương trợ giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ, cùng góp sức làm tốt công việc, yên tâm công tác, yêu nghề và thương yêu BN.
Các thầy thuốc và nhân viên của khoa không có khái niệm nghỉ ngơi, tuy nhiên vẫn cố gắng tham gia các phong trào, hội thi văn hóa thể thao của BV nhằm cổ vũ phong trào. Các bác sĩ và điều dưỡng trong kíp trực của mình luôn lo lắng trách nhiệm và thường về chậm giờ. Làm việc nhiều như thế, mặc dù đã có quan tâm của BV, nhưng thu nhập của cán bộ khoa vào hàng thấp nhất. Công việc quá nhiều, luôn căng thẳng, vất vả, vì thế, Trưởng khoa luôn lo lắng chảy máu chất xám: các điều dưỡng y tá chỉ muốn xin đi, còn bác sĩ thì ít có ai xin về.
Hàng năm, BS. Bình cùng công đoàn khoa tổ chức những chuyến đi nghỉ dưỡng cho cán bộ nhân viên của mình. Những chuyến đi bổ ích, với chi phí thấp, anh chị em có tắm biển, có thăm các thắng cảnh và di tích lịch sử. Đó là 5 ngày xa Hà Nội, những ngày “không có chuông báo thức”, tạm quên các công việc tất tưởi hàng ngày, không phải nghe bất thường những cú điện thoại trong đêm.
Chuyến đi nghỉ năm 2012 là chuyến đi đáng nhớ, các cán bộ của khoa và những người thân đến thăm thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Đường 9, giao lưu, gặp gỡ các bà, các chị Đại đội nữ pháo binh anh hùng xã Ngư Thủy, Quảng Bình, mà năm 1968 chỉ trong khoảng một trăm ngày, với các cỗ pháo 85 ly, các chị đã bắn cháy 3 tàu chiến của Mỹ, góp công bảo vệ hàng trăm kilômét bờ biển không cho tàu chiến địch rình rập bắn phá. Các bà, các chị đều được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nay tuổi đã trên dưới 70 tuổi, họ đều nghèo, một số chị không lập gia đình và bệnh tật. Tại nơi đây, các cán bộ của khoa đã bày tỏ lòng tri ân tới các bà, các chị, cảm thương những người đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Khoa đã khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho các chị với tình cảm thân thương và cảm động. GS. Bình nhận xét: “Sau những chuyến đi như vậy, anh chị em đều thấy đáng nhớ và rất bổ ích”.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình đã sang tuổi 59 với 37 năm tuổi nghề. Giáo sư đã làm được rất nhiều việc, ông được cấp trên tín nhiệm, đồng nghiệp và học trò quý mến, tin cậy, được bệnh nhân kính trọng. Ông chia sẻ: “Đó là những việc hết sức bình thường hàng ngày của tôi và đồng nghiệp. Tôi chỉ mong muốn đem sức lực, kiến thức của mình để có thể cống hiến nhiều hơn vì sức khỏe người bệnh...”.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình đã để nhiều dấu ấn tốt đẹp trong ngành y nói chung, Khoa HSTC, BV Bạch Mai nói riêng. Ông phấn chấn và vui hẳn lên, khi nhớ đến những người được cứu sống, ra viện trở về với xã hội, với gia đình. Có nhiều người bệnh còn rất trẻ, sự sống có ý nghĩa biết chừng nào, đó là hạnh phúc của biết bao người thân trong gia đình họ.