Hà Nội

GS.TS Nguyễn Gia Bình: Lọc máu hiện đại tạo ra cuộc cách mạng trong hồi sức

01-09-2016 15:27 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Hiện đã có khoảng 9.000 bệnh nhân được ứng dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại trong điều trị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng…, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh, BN không phải ra nước ngoài điều trị.

Công trình y học Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu BN nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm do GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cùng các cộng sự thực hiện, là công trình duy nhất trong lĩnh vực y, dược vừa đạt Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016.

Trao đổi với PV, GS Bình cho biết: Hiện nay, các bác sĩ đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật lọc máu hiện đại trên thế giới. Kết quả của nghiên cứu này đã mở ra một cuộc cách mạng trong hồi sức. Đã có khoảng 9.000 BN được ứng dụng kỹ thuật lọc máu hiện đại trong điều trị suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, viêm tụy cấp nặng… thông qua các biện pháp lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, lọc và tách huyết tương, gan nhân tạo…

“Các biện pháp lọc máu hiện đại không dừng lại ở hiệu quả điều trị thay thế thận đơn thuần mà có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan thận và cơ thể khó có thể thải trừ như các chất độc, các phức hợp kháng nguyên - kháng thể, các chất trung gian của đáp ứng viêm hệ thống đó là các cytokine”- GS. Bình cho biết.

GS.TS Nguyễn Gia Bình.

Sáng tạo trong điều kiện Việt Nam

Xuất phát từ thực tế điều trị và với mong muốn làm sao để cứu sống được nhiều BN nặng “thập tử nhất sinh”, GS Bình cùng các đồng nghiệp vừa điều trị, vừa học hỏi, tiếp cận những kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đồng thời sáng tạo để ứng dụng điều trị trong điều kiện Việt Nam. Từ đó đã có những cải tiến kỹ thuật, công nghệ quan trọng mang lại hiệu quả cao, hạ thấp tỷ lệ tử vong, giảm các thuốc dùng phối hợp, giảm thời gian thở máy, giảm ngày nằm viện, nâng cao chất lượng sống một cách có ý nghĩa so với trước đây chưa áp dụng lọc máu hiện đại.

Một trong những cải tiến quan trọng là việc áp dụng đơn lẻ hoặc phối hợp nhiều kỹ thuật lọc máu hiện đại phù hợp trên cơ sở khoa học cho từng loại BN hồi sức như: lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ qua cột than hoạt qua màng chuyên biệt, lọc phân tử tái tuần hoàn, lọc và thẩm tách máu, .... Thay đổi cách dùng thuốc chống đông tránh tăng nguy cơ rối loạn đông máu của BN mà vẫn đảm bảo không đông tắc màng lọc. Xác định mốc thời gian phù hợp để bắt đầu lọc máu (nếu quá sớm thì không cần thiết nhưng quá muộn sẽ không kết quả và đều gây lãng phí). Đưa ra cách chọn và phối hợp các loại lọc máu và các màng lọc chuyên biệt trong điều trị viêm phổi nặng do cúm A tại Việt Nam…

Kỹ thuật lọc máu liên tục.

Kỹ thuật cao ứng dụng ngay tại y tế địa phương

Theo GS. Bình, kỹ thuật lọc máu hiện đại giúp cứu sống thêm 20-50% số BN nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại (tùy loại bệnh hồi sức) mà đa số là tuổi lao động và trí thức, có người là cán bộ cao cấp và đây là sản phẩm vô giá. Giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp và không nhìn thấy được nhờ rút ngắn thời gian thở máy, thời gian nằm viện, hạn chế biến chứng do thở máy và nằm lâu. Thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn 1/4 đến 1/2 và thời gian nằm viện còn 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên chi phí cho thở máy và cho nằm viện cũng giảm tương ứng…

Chỉ riêng chi phí kháng sinh điều trị viêm phổi mắc phải tại BV cũng khoảng 2 triệu VND/ngày/bệnh nhân. Trong công trình này, nhờ lọc máu mà nhóm BN nhược cơ nặng và Guillain Barre có tỷ lệ viêm phổi chỉ bằng 1/4 - 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên cũng tiết kiệm được 1 triệu - 1,5 triệu VNĐ/bệnh nhân.

Kỹ thuật gan nhân tạo.

Cũng theo GS. Bình, ứng dụng thành công các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại và phát triển ứng dụng vào cấp cứu điều trị cho nhiều loại bệnh nặng khác nhau, quan trọng hơn là được tiến hành kịp thời, được áp dụng ngay tại địa phương giúp cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị. Từ đó, giảm chi phí cho chăm sóc y tế, giúp người bệnh trở lại cộng đồng lao động và học tập cống hiến cho gia đình và cộng đồng.

Không những thế, kết quả của đề tài nghiên cứu này còn là cơ sở khoa học mở rộng ứng dụng cho các bệnh lý nặng  tiếp theo trong cấp cứu điều trị nhiều bệnh dịch nguy hiểm (như: Trong điều trị sốt xuất huyết nặng có biến chứng suy đa tạng. BN sởi có biến chứng suy hô hấp nặng. Dịch chân tay miệng, và sẵn sàng đối phó với  BN dịch Ebola…

Trong điều trị cấp cứu và đã cứu sống nhiều sản phụ mắc bệnh lí sản khoa nặng nề như: hội chứng HELLP, suy gan cấp ở phụ nữ có thai, Viêm tụy cấp nặng do tăng Triglyceride… Đồng thời, mở ra triển vọng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển lĩnh vực ghép tạng trong nước: Kỹ thuật gan nhân tạo giúp BN suy gan nặng sống trong khi chờ ghép gan và chờ gan hoạt động sau ghép, lọc máu liên tục hỗ trợ trong ghép thận, ghép tim, ghép phổi… Ứng dụng tốt các kỹ thuật lọc máu hiện đại đã giúp hỗ trợ hồi sức tốt cho phát triển các kỹ thuật phẫu thuật lớn thành công như phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật gan mật…

Kỹ thuật thay huyết tương.

Cụm công trình bao gồm 5 nhóm công trình nghiên cứu ứng dụng cụ thể về các biện pháp lọc máu hiện đại được nghiên cứu ứng dụng, triển khai tiến hành tại 7 BV lớn trong cả nước (BV Bạch Mai, BV T.Ư Quân đội 108, BV Quân y 103, BV Việt Tiệp Hải Phòng, BV Đà Nẵng, BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân 115).

5 nhóm công trình gồm: 1. Nghiên cứu hiệu quả của lọc máu liên tục trong điều trị suy đa tạng; sốc nhiễm khuẩn và viêm tụy cấp nặng. 2. Nghiên cứu hiệu quả của quy trình thay huyết tương trong bệnh Guillain- Barre và nhược cơ nặng. 3. Nghiên cứu hiệu quả quy trình gan nhân tạo trong điều trị suy gan. 4. Nghiên cứu hiệu quả của quy trình lọc máu hấp phụ trong điều trị ngộ độc cấp. 5. Bước đầu đánh giá hiệu quả của lọc máu hấp phụ trực tiếp với màng lọc Polymyxin B (PMX-DHP) và phương thức lọc máu thẩm tách siêu lọc liên tục với sử dụng màng lọc Polymethylmethacrylate Acrylonitrile- Sodium Methallyl Sulfonate ở BN viêm phổi do cúm A (H5N1, H1N1).




Dương Hải
Ý kiến của bạn