Hà Nội

GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên: Một sự nghiệp nghiên cứu chế tạo vắc-xin

26-02-2021 16:44 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 13/11/2020 ở tuổi 80, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 2009 - 2019, đã làm nên những kỳ tích cho y học nước nhà.

Sản xuất vắc -xin tại  Chiến trường Khu V chống Mỹ

Từ năm thứ 3, sinh viên y khoa Đại học Y Hà Nội Huỳnh Thị Phương Liên, theo gương cha và các anh ruột, đã có đơn tình nguyện đi công tác tại chiến trường B. Tốt nghiệp cuối năm 1965, BS. Huỳnh Thị  Phương Liên và nhiều bạn cùng khóa hăng hái lên đường đi chiến trường vào một ngày tháng 4/1966. Sau  hai tháng rưỡi hành quân vượt Trường Sơn, BS. Liên được phân công phụ trách công tác vệ sinh phòng dịch tại mật danh K15, thuộc Ban Dân y Khu V đóng tại  Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cơ quan làm việc là ngôi nhà lá tạm bợ nơi rừng sâu, tại nơi đóng quân mới sau khi cơ quan cũ đã bị máy bay Mỹ ném bom phá sạch, rải chất độc hóa học làm hỏng hết hoa màu, cả cơ quan nhiễm độc dioxin từ đó. Trải qua những tháng ngày vừa làm chuyên môn vừa lao động chân tay: vào rừng chặt tre nứa tự làm lán trại, hàng tháng phải đi gùi gạo từ xa, hàng ngày phải kiếm củi, mót rau rừng, trồng sắn khoai để tự túc bổ sung lương thực cứu đói. Dù khó khăn nhưng một phòng thí nghiệm giữa rừng cũng được dựng lên. Dưới mái nhà tranh chị em đã căng một chiếc dù trắng, xung quanh che kín bằng nilon. Với các dụng cụ như kính hiển vi, lò sấy hấp khử khuẩn đun bằng bếp Hoàng Cầm, tủ ấm chạy bằng đèn dầu hỏa tự tạo từ gỗ để nuôi cấy vi khuẩn...

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bằng Anh hùng Lao động cho GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên. Ảnh: T.  Minh

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bằng Anh hùng Lao động cho GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên. Ảnh: T.  Minh 

Cuộc sống còn những cơn sốt rét ác tính trong rừng sâu, cùng cái thiếu đói thường xuyên, triền miên ngày qua ngày. Vượt lên tất cả, người bác sĩ trẻ vẫn chỉ bảo, hướng dẫn, đào tạo cho các thanh niên thoát ly từ vùng địch, trình độ văn hóa chỉ lớp 2 đến lớp 4 phụ việc tại phòng thí nghiệm trong các công đoạn sản xuất. Các vắc-xin tả, thương hàn, đậu mùa được đóng vào ống tiêm có dán nhãn, đủ cung cấp cho đồng bào vùng ven Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Trong gian khổ và khó khăn, Huỳnh Thị Phương Liên không lúc nào dao động kể cả những lúc sống trong cảnh nghiệt ngã nhất ở chiến trường, bác sĩ luôn sống tích cực và gương mẫu, được đồng nghiệp và đồng chí tín nhiệm. Bà được kết nạp Đảng, được bầu vào chi ủy rồi đảng ủy, bí thư đoàn của Ban Dân y Khu V.

Sau 6 năm làm việc nơi chiến trường, BS. Liên cân nặng còn 31kg, người gầy da bọc xương. Đầu năm 1972, bà được Khu ủy Khu V cho ra Bắc chữa bệnh.

Sau khi chữa bệnh, sức khỏe hồi phục dần. Huỳnh Thị Phương Liên được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cử đi học chuyên môn ở CH Dân chủ Đức.

Nghiên cứu sản xuất vắc-xin viêm não Nhật Bản bất hoạt - Vắc-xin thế hệ 1 thành công

Những năm 80 của thế kỷ trước, bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) xảy ra rất trầm trọng ở nước ta. Đó là bệnh nhiễm trùng cấp tính hệ thần kinh trung ương do virus gây ra và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Một số trẻ bị tai biến với di chứng bị liệt cứng, sống thực vật, tâm thần làm cho nhiều gia đình đau lòng và gánh nặng cho xã hội. Vì vậy cần có vắc-xin VNNB để tiêm phòng thường xuyên là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và hiệu quả nhất.

Một giáo sư người Nhật công tác tại nước ta đã sốt sắng đề nghị Chính phủ Nhật trợ cấp 2 suất học bổng để Việt Nam cử cán bộ sang Nhật nhận chuyển giao quy trình sản xuất vắc-xin viêm não. Năm 1988, 2 nghiên cứu viên đầu tiên của Viện được cử đi nhưng không may cả 2 bị tai nạn máy bay. Tháng 5/1989, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã cử TS. Liên - Trưởng khoa Virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và cử nhân sinh học Đoàn Thị Thủy sang Nhật Bản. 

Viện Biken thuộc Đại học Osaka yêu cầu các bác sĩ trẻ Việt Nam phải theo khóa học 12 tháng để tiếp nhận quy trình  gồm 28 công đoạn với kỹ thuật cao, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên 2 người  chỉ được cấp tiền theo học trong 1 tháng. Tiếng là 1 tháng nhưng nếu trừ ngày lễ, ngày nghỉ thì thực tế, TS. Liên chỉ còn đúng 21 ngày. Bằng sự cần cù và chăm chỉ, tích cực học hỏi và miệt mài ghi chép tất cả những lời được nghe, những điều được thấy vào các trang của cuốn tài liệu được cấp. Các bạn Nhật không thể tin được Việt Nam có thể tiếp thu được công nghệ với thời gian học ngắn ngủi như vậy...!

Trở về nước, TS. Liên tiến hành ngay việc thử nghiệm từng công đoạn của quy trình để chọn lọc phương án tối ưu, phù hợp và cho hiệu quả cao trong sản xuất ở Việt Nam. Những công việc trên phải mất nhiều thời gian và phải tiến hành trong điều kiện cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm nghiên cứu còn nghèo nàn trong những năm 1989-1990. TS. Liên và các đồng nghiệp không nản chí,  quyết tâm và say mê với công việc được giao và đã thành công. Sau 1 năm, thành quả của những nỗ lực tột bậc là 5 lô vắc-xin VNNB sản xuất đầu tiên đã hoàn thành các thử nghiệm quy chuẩn.

Năm 1991, GS. Suzuki người Nhật Bản là Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đề nghị  gửi lô vắc-xin thứ 4 và thứ 5 sang Nhật kiểm nghiệm. Sau 3 tháng,  các nhà khoa học Nhật gửi thư chúc mừng tới GS. Hoàng Thủy Nguyên, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: “Các vắc-xin viêm não của Việt Nam  sản  xuất đã  đạt 10 tiêu chuẩn của  Nhật Bản. Các đáp ứng kháng thể đạt 100%, có độ tinh khiết tối đa, an toàn và rất tốt so với vắc-xin Nhật Bản”. Các loạt sản xuất tiếp theo cũng đạt chất lượng như của Nhật Bản. 

Với thành công này, Việt Nam trở thành nước thứ 4 tại châu Á, cùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, sản xuất được vắc-xin VNNB bằng công nghệ bất hoạt từ não chuột - công nghệ duy nhất tại thời điểm đó, được WHO công nhận. Cho tới nay, vắc-xin VNNB đã được sản xuất ở quy mô công nghiệp với công suất 350.000 liều/loạt, đủ cung cấp cho cả nước và xuất khẩu.

Hiện giá thành vắc-xin VNNB dành cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam là gần 7.000 đồng cho 2 liều dùng cho trẻ em 1-5 tuổi và 10.000 đồng/liều cho người lớn, so với 71.325 đồng/liều do Nhật Bản sản xuất.

Cuối năm 1997, ngành y tế Việt Nam đã đưa vắc-xin VNNB vào mục tiêu  tiêm chủng mở rộng cho trẻ em từ 1 - 5 tuổi trên toàn quốc. Đã có kết quả giảm tỷ lệ mắc, chết và di chứng thần kinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trên toàn quốc chưa có một trường hợp nào bị tai biến do sử dụng vắc-xin viêm não của Viện sản xuất. TS. Liên cũng đã hoàn thiện việc sản xuất các bộ sinh phẩm cho chẩn đoán bệnh VNNB ở nước ta.

Tính đến năm 2020, Việt Nam đã sản xuất được trên 80 triệu liều vắc-xin thế hệ 1. Vắc -xin VNNB là vắc-xin đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu cho Ấn Độ  5.430.000 liều (2001- 2007).

Nghiên cứu phát triển vắc-xin VNNB bất hoạt sản xuất trên tế bào vero (JECEVAX)

Cuối năm 2005, WHO khuyến cáo các nước cần chuyển sản xuất vắc-xin VNNB  từ não chuột sang vắc-xin VNNB  bất hoạt trên tế bào vero. Từ năm 2006, GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên đã bắt đầu nghiên cứu vắc-xin công nghệ mới VNNB thế hệ 2. Năm 2010, khi 70 tuổi  bà có quyết định nghỉ hưu nhưng vẫn đề nghị tiếp tục làm hợp đồng là chuyên gia nghiên cứu. Giáo sư và các cộng sự đã tự nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vắc-xin VNNB bất hoạt trên tế bào vero trong năm 6 năm (2006-2011), thực hiện lâm sàng trên người 6 năm (2013-2018), hoàn thành thử nghiệm trên người (1.140 đối tượng) đạt tính an toàn cao, dung nạp tốt trên người lớn và trẻ em 9-24 tháng tuổi. Công cuộc nghiên cứu thành công, đã hoàn thiện quy trình công nghệ, vắc-xin JECEVAX đạt chất lượng về tính an toàn, dung nạp tốt trên trẻ em và đáp ứng miễn dịch 99,6 - 100% không thua kém các vắc-xin cùng loại của các nhà sản xuất quốc tế như Intercell Áo, Nhật  Bản (Thời gian nghiên cứu cũng trên 10 năm). Công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu cấp Nhà nước tháng 1/2019. Việt Nam là nước thứ 4 có công nghệ vắc-xin VNNB bất hoạt sản xuất trên tế bào vero. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép của Cục Dược, Bộ Y tế và triển vọng vào năm 2021 sẽ được sản xuất mở rộng để có vắc-xin phòng bệnh cho nhân dân.

GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên là nhà khoa học tâm huyết và tài năng. Từ năm 1976-2018, Giáo sư là tác giả và đồng tác giả của 114 công trình khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học trong  nước và quốc tế.  Giáo sư đã chủ trì và tham gia 12 đề tài khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, đã hướng dẫn luận án tiến sĩ cho 10 nghiên cứu sinh, đã tích cực đào tạo các  cán bộ khoa học trẻ kế cận.

Giáo sư có cuộc sống gương mẫu, luôn sống hòa đồng và công bằng với bạn bè, đồng nghiệp. Đơn vị của bà là một tập thể đoàn kết, có ý chí và nghị lực vươn lên.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, TTND.GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng bà vẫn đều đặn đến phòng làm việc trên gác 2 khu nghiên cứu vắc-xin của Công ty Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế).         

Unti1tled
GS. Huỳnh Thị Phương Liên.
Anh hùng Lao động, TTTND, GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên

Sinh năm 1940

Quê: Hội An, Quảng Nam

Đảng viên 54 tuổi Đảng (1967).

Đã được Giải thưởng Nhà nước về  Khoa học công nghệ và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (2000) và  hạng Hai (2005). Được Nhà nước công nhận Chức danh Giáo sư (1996), Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân (2000).

TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn