GS. Đặng Văn Ngữ. |
GS. Đặng Văn Ngữ kể:
"... Lên đến Việt Bắc, sau bữa cơm trưa hôm đó, tôi lại được gặp riêng Bác Hồ, Bác bảo:
- Bộ đội ta cần rất nhiều thuốc để chữa vết thương, chú phải cố gắng giải quyết vấn đề thuốc. Nghe nói chú biết làm penicilline. Chú có kế hoạch gì không?
- Dạ có. Tôi rút trong túi ra một bản kế hoạch đã chuẩn bị sẵn (với sự tham gia ý kiến của BS. Tùng và BS. Di).
Bác chăm chú nghe tôi trình bày, nghe xong, Bác chỉ tay vào đoạn cuối cùng (phần huấn luyện cán bộ) của bản kế hoạch và bảo:
- Chú nên chú trọng về phần này, phần này phải làm trước. Chú phải huấn luyện cho nhiều y tá đi phục vụ ngay cho tiền tuyến. Các phòng thí nghiệm cũng cần thiết, nhưng chú sẽ có thì giờ làm sau, chú cần bao nhiêu thời gian để huấn luyện một y tá có thể làm được penicilline?
- Thưa Bác, chừng một tháng. Tôi trả lời.
- Thôi, cứ cho là 3 tháng, cho rộng rãi. Còn vật liệu, chú cần những gì?
- Thưa Bác, cần nhất là chai, lọ: nếu có chai bẹt thì tốt; nếu không tạm dùng chai tròn cũng được, nhưng phải có hàng nghìn chai mới sản xuất kịp.
Bác liền cho mời đồng chí Hoàng Quốc Việt (Chủ tịch Tổng Công đoàn), ông Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục), ông Vũ Văn Cẩn (Cục trưởng Cục Quân y) và ông Lê Văn Hiến (Bộ trưởng Bộ Tài chính) tới, Bác nhắc các vị ấy giúp đỡ tôi để công tác chung có hiệu quả...".
Tôi thấy rõ tôi mới ở ngoại quốc về mà được Bác giao cho nhiệm vụ như thế, thực tế hợp với khả năng của tôi và cũng là một vinh dự vô cùng to lớn.
Bắt tay vào việc mới thấy rằng không phải nghiên cứu gì cao xa, chỉ nghiên cứu làm được nước lọc penicilline với điều kiện kháng chiến cũng là một vấn đề rất khó khăn phức tạp.
Về đến nhà, mở gói nấm dùng để làm penicilline ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu nữa, những nấm khác ở ngoài đã lẫn lộn vào. Thật là một sự bất ngờ và rất đau đớn cho tôi.
Nhưng tôi đã hứa với Bác, đã có sự giúp đỡ của Chính phủ và tôi tin tưởng ở sự tận tâm góp sức của các anh em đang làm việc với tôi lúc ấy. Chính vì vậy, tôi đã quyết tâm loại cho kỳ được tạp nấm đã lẫn vào ống nấm penicilline.
Giọng giáo sư trầm hẳn xuống: "Ôn lại quãng đời của tôi, tôi chưa có khi nào lo lắng và chưa có khi nào tôi thấy một cách rõ rệt trách nhiệm của tôi đối với công tác nghiên cứu bằng lúc này. Hồ Chủ tịch và Chính phủ đang hàng ngày, hàng giờ mong đợi kết quả của tôi, hàng nghìn thương binh, bệnh binh đang chờ nước lọc penicilline”.
Giáo sư xót xa: "Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm; chứng tỏ rằng nấm không còn tác dụng chống vi trùng nữa. Ròng rã suốt 3 tuần lễ, tối nào trước khi đi ngủ cũng đầy hy vọng mong chóng sáng để đọc kết quả thử nấm. Nhưng đến sáng lấy nấm ở tủ ấm ra xem thì lại thất vọng.
Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được. Một hôm, tôi ngủ dậy vào lúc 3 giờ sáng, lấy nấm ra xem... Tôi mừng đến trào nước mắt khi thấy tất cả các con nấm đều có công hiệu, vi trùng không con nào mọc được gần nấm cả. Bấy giờ tôi mới hiểu ra lý do thất bại của mình. Vì tủ ấm của tôi chỉ là một thùng sắt có đốt ngọn đèn dầu nhiệt độ không đủ, nấm lại bị lẫn với tạp nấm khác nên chỉ tác dụng trên vi trùng trong một thời gian ngắn, đến sau vi trùng mọc mạnh dần thì nấm không còn chống lại được nữa. Như thế là nấm chưa hoàn toàn mất và lúc ấy tôi đã nắm được quy luật tác dụng của nấm trên vi trùng trong điều kiện tủ ấm của tôi. Nhất định thế nào cũng loại được tạp nấm ra, tôi theo dõi nấm mọc hàng giờ trong một đêm, một ngày. Sau một tuần lễ, tôi đã được nấm tốt trở lại, mạnh như cũ.
Xong giống nấm thì tôi nhận được 20 anh em y tá ở Cục Quân y gửi sang học làm nước lọc penicilline.
Sau khi tìm ra được một thứ nước nuôi nấm rất tốt và rất rẻ tiền là nước thân ngô, nguyên liệu dùng là thân ngô sau khi đã bẻ bắp và trảy hết lá, nguyên liệu ấy ở đâu cũng tìm thấy và hoàn toàn không mất tiền mua, những khó khăn về kỹ thuật đã giải quyết xong. Nhưng còn một vấn đề cần bàn, cần giải quyết nữa mới thực hiện được chương trình, đó là vấn đề chai, lọ. Theo chỉ thị của Bác, Tổng liên đoàn lao động tích cực giúp đỡ vấn đề này, các xưởng thủy tinh đều cố gắng thổi nhiều chai bẹt để sản xuất penicilline. Tôi đã gửi mẫu chai bẹt đi nhiều nơi. Các xưởng đã làm thử rất nhiều khuôn nhưng không có gang tốt nên chỉ thổi vài lần là khuôn lại vỡ.
Một ngày chậm là hàng trăm thương binh không có thuốc. Tôi họp anh em y tá lại và đưa vấn đề ra bàn.
Tôi cử một anh xuống xưởng thủy tinh của Cục quân y trực tiếp trình bày vấn đề cho anh em công nhân. Quả nhiên sau khi thảo luận sôi nổi, anh em công nhân xưởng thủy tinh đã có sáng kiến xếp gạch thành khuôn và thổi được chai.
Suốt 3 ngày Tết nguyên đán, anh em thổi chai không nghỉ và đến mùng 8 Tết, anh em thổi được 800 chai mới.
Nước lọc penicilline đã đem lại những kết quả rất tốt đẹp, giúp ta giải quyết khó khăn về khan hiếm thuốc, giúp cho công tác cứu chữa thương bệnh binh góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu trong lúc biên giới chưa mở rộng và trong lúc địch tăng cường bao vây ta, đặc biệt bao vây về phương diện thuốc men.
GS.BS. Đặng Văn Ngữ kể, BSCKI Nguyễn Tràng Phi ghi