Nhân câu chuyện về vị thầy thuốc đầu ngành ở một bệnh viện trung ương từ chối mổ cho bệnh nhân khiến dư luận bàn cãi xôn xao, tôi bỗng nhớ lại câu chuyện đã xảy ra từ hơn 30 năm về trước, cũng là một trường hợp bác sĩ từ chối mổ.
Đó là khoảng thời gian đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ba tôi, khi đó ngoài 50 tuổi, bị suy thận nặng. Sau một thời gian dài điều trị tích cực ở Bệnh viện Trung ương Huế mà bệnh tình không thuyên giảm, các bác sĩ nơi đây quyết định chuyển ba tôi ra Bệnh viện Việt Đức để thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ một quả thận.
Ra đến Hà Nội, ba tôi được các giáo sư (GS), bác sĩ (BS) đầu ngành thuộc khoa Phẫu thuật tiết niệu khẩn trương thăm khám, hội chẩn và lên lịch mổ. Thông qua một người quen sống tại Hà Nội, cũng là đồng hương Huế, gia đình tôi đã bày tỏ nguyện vọng được GS. Nguyễn Bửu Triều - lúc bấy giờ là Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu của BV Việt Đức trực tiếp mổ cho ba tôi. Người quen đó báo lại GS Bửu Triều đồng ý mổ cho ba tôi. Dù rất lo lắng cho bệnh tình của ba nhưng gia đình tôi hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào tay nghề của GS. Bửu Triều.
Mọi chuyện đang diễn tiến theo chiều hướng thuận lợi thì ngay buổi chiều trước ngày ba tôi lên bàn mổ, mẹ tôi tình cờ phát hiện trên lịch mổ ghi tên người đứng mổ cho ba tôi là BS. Bách. Quá lo lắng, mẹ tôi đã nghĩ là chắc tỷ lệ thành công của ca mổ không cao nên GS từ chối; hay do trước khi mổ người nhà bệnh nhân không đến gặp gỡ thầy thuốc…
Nhưng rõ ràng là trước đó, qua nhiều dò hỏi, mọi người đều quả quyết rằng vị GS khả kính này chữa bệnh vô điều kiện, không bao giời đòi hỏi gì ở bệnh nhân và người nhà của họ. Lẽ nào…?
Trong cơn tuyệt vọng, mẹ tôi đã đánh liều gõ cửa, vào thẳng phòng làm việc của GS. Bửu Triều. Khi ông vừa ngẩng lên, chưa kịp hỏi câu nào, mẹ tôi đã quỳ sụp xuống, nước mắt ngắn dài, van xin GS cứu lấy ba tôi. GS đỡ mẹ tôi đứng dậy, mời bà ngồi và lấy cho bà cốc nước.
GS ân cần giải thích rằng, ông nay tuổi đã cao, đường dao e rằng không chính xác như trước nữa. BS. Bách tuy còn trẻ (năm ấy PGS. Tôn Thất Bách mới ngoài 30 và nếu tôi nhớ không nhầm thì ông chưa nhận một học hàm nào) nhưng là một bác sĩ phẫu thuật tài năng. GS Bửu Triều còn hứa với mẹ tôi là tuy không trực tiếp cầm dao nhưng ông sẽ có mặt trong suốt ca mổ để hỗ trợ BS. Bách khi cần thiết.
Trước sự giải thích cặn kẽ và thái độ chân tình của GS, mẹ tôi mới lấy lại bình tĩnh và yên tâm phần nào. Cũng cần nói thêm rằng, ở vào thời điểm đó, cắt thận là một cuộc đại phẫu. Hơn nữa, ba tôi lúc này sức khỏe đã suy yếu sau một thời gian dài đau yếu kèm thêm hội chứng cao huyết áp.
Ca mổ vào ngày hôm sau diễn ra khá căng thẳng. Nhưng may mắn thay, nhờ vào tài năng và sự nỗ lực tuyệt vời của ê kíp mổ, trong đó có cả bà Vi Thị Kim Hồ - phu nhân của Cố GS. Tôn Thất Tùng và là người phụ mổ cho BS. Bách hôm đó, ba tôi được cứu sống, dù trước khi mổ, tiên lượng rất xấu.
Hơn 30 năm đã trôi qua. PGS.Tôn Thất Bách và ba tôi đều đã thành người thiên cổ. Nhưng nhân câu chuyện về vị bác sĩ nọ từ chối mổ cho một người xưng là nhà báo, tôi muốn kể lại câu chuyện này, trước hết như một lời tri ân đến GS. Nguyễn Bửu Triều - người mà tôi chưa từng gặp mặt cho tới hôm nay. Bằng cách hành xử của mình, ông đã cho thấy một minh chứng về sự lựa chọn của người thầy thuốc luôn đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên hết. Đồng thời là sự khiêm nhường, biết lùi lại phía sau để lớp trẻ có cơ hội khẳng định mình - điều chỉ có ở những nhân cách lớn.
Qua câu chuyện của riêng mình, tôi cũng muốn nói rằng chúng ta hãy khoan phán xét một cách vội vã trước quyết định của những người thầy thuốc. Bởi phần lớn trong số họ - khi đã chọn nghề y đều có mục đích tối thượng là cứu người!