Hà Nội

GS Trần Văn Thuấn: Hợp tác y tế với các nước tiên tiến mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư

GS.TS Trần Văn Thuấn

GS.TS Trần Văn Thuấn

Thứ trưởng Bộ Y tế

23-10-2018 06:57 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho rằng, sự hợp tác giữa Bệnh viện K với các cơ sở y tế từ các nước tiên tiến của Châu Âu sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh và cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có chuyến thăm châu Âu và cùng tháp tùng Thủ tướng trong chuyến đi còn có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tham gia đoàn công tác còn có các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan của Việt Nam. Đây là cơ hội để các bệnh viện Việt Nam mở rộng hợp tác, tăng cường giao lưu với các cơ sở y tế của các nước châu Âu.

Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống vừa có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K về chuyến công tác đặc biệt này.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương

Phóng viên: Thưa GS, được biết ông vừa trở về từ chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Y tế trong chuyến thăm  và làm việc tại Châu Âu. Đây là một trong những khu vực có nhiều thành tựu và đi đầu trong việc áp dụng  khoa học công nghệ vào chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Xin ông có thể chia sẻ về những hợp tác trong chuyên ngành ung thư ?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế trong thời gian tới Bệnh viện K sẽ cùng các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các Bộ, Ban, ngành liên quan xây dựng đề án chuyên sâu về ung bướu với nguồn ngân sách từ ODA của Áo và các nguồn vốn hợp pháp khác để trang bị các thiết bị hiện đại nhất cho nghiên cứu, chẩn đoán và  điều trị ung thư tại cơ sở Quán Sứ, Tam Hiệp, song song với nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ để xây mới, sửa chữa lớn cơ sở hạ tầng tại 2 cơ sở này. Theo chủ trương của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Y tế mục tiêu của việc phát triển cơ sở Quán Sứ nói riêng và các cơ sở của Bệnh viện K nói chung cần đạt tới trình độ chuyên sâu về phòng chống ung thư ngang tầm các nước phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, qua thăm và làm việc với tập đoàn IBA có trụ sở tại Bruxelles - Vương quốc Bỉ của Giám đốc Bệnh viện K cho thấy đây là cơ sở hàng đầu của thế giới về chế tạo máy xạ trị proton- máy xạ trị hiện đại chưa có ở các nước Asean, cho phép nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và hạn chế tối đa ảnh hưởng phụ do xạ trị. Đây là thiết bị xạ trị đặc biệt hiệu quả trong ung thư nhi khoa. Qua đó Bệnh viện K đã đề xuất và được Thủ tướng, Bộ trưởng đồng ý chủ trương cho phép Bệnh viện kết hợp với SCIC và các đơn vị liên quan xây dựng dự án để chuyển giao công nghệ xạ trị này cho Bệnh viện K. Điều chắc chắn là khi dự án được hoàn thiện sẽ nâng chất lượng  phòng chống ung thư tại Việt Nam lên một tầm cao mới.

GS Trần Văn Thuấn trong chuyến tháp tùng Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế thăm CH Áo.

Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị ung thư mới mà thế giới đang nghiên cứu, thử nghiệm cho nhiều kết quả khả quan. Trong chuyến công tác của mình, ông có thể chia sẻ về những nghiên cứu khoa học, cập nhật những tiến bộ mới nhất trong điều trị  ung thư  mà  thế giới đang tiến hành không?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Mặc dù có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư tuy nhiên cho đến nay có thể khẳng định kết quả điều trị phụ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh sớm hay muộn, bệnh được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản và hiệu quả điều trị càng cao. Ngược lại khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn thì việc điều trị phải kết hợp nhiều phương pháp, thời gian kéo dài, tốn kém và hiệu quả điều trị không cao như mong muốn. Hiện các nhà khoa học đang đi sâu vào nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh ung thư ở người ở mức độ phân tử để cố gắng can thiệp ở giai đoạn chưa hình thành bệnh ung thư. Bên cạnh đó các biện pháp hiện đại trong sàng lọc phát hiện ung thư sớm đang được vận dụng như: xác định bộ gen, đặc biệt là các bộ gen liên quan đến ung thư có tính chất gia đình, chụp nhũ ảnh kết hợp với sinh thiết định vị ba chiều bằng kim dây, chụp cộng hưởng từ, PET CT, PAP cải tiến….Một loạt các thuốc mới đang được nghiên cứu ứng dụng như liệu pháp miễn dịch, kháng thể đơn dòng, kháng sinh mạch…Với phẫu thuật, cùng với tạo hình, tái tạo các cơ quan, bộ phận được lấy bỏ rộng thì ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn trong : mổ nội soi, robot cho phép đi sâu vào các vùng (vùng sâu, vùng xa…) để đảm bảo lấy hết được các tổ chức ung thư đồng thời giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng đến các mô lành xung quanh cùng với thời gian hồi phục sau mổ nhanh. Đối với xạ trị việc ứng dụng xạ trị gia tốc đã được nâng lên một tầm cao mới nhờ những ứng dụng công nghệ như: xạ trị điều biến liều, xạ trị dưới sự hướng dẫn của hình ảnh …Bên cạnh đó việc áp dụng xạ trị bằng Proton ngày càng rộng rãi hơn và đặc biệt ở một số trường hợp khó, bước đầu các nhà khoa học đã ứng dụng thành công xạ trị bằng hạt ion nặng. Việc nghiên cứu ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư đã góp phần quan trọng trong việc từng bước nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư.

Phóng viên: Kế hoạch gần nhất mà BV K sẽ thực hiện trong hợp tác y tế với các Bv, Trung tâm ở châu Âu là gì, xin ông có thể chia sẻ thông tin không?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Sau chuyến thăm và làm việc rất thành công của Thủ tướng và Bộ trưởng BộY tế tại Áo, Bỉ, EU, Đan Mạch,  ngay trong tháng 11/2018, Bệnh viện K sẽ tiếp đón 3 đoàn quốc tế lớn đến từ Châu Âu là Viện Curie – Pháp, Viện Ung thư Châu Âu tại Milan - Ý và Viện Y học dự phòng Quốc tế có trụ sở tại Lion- Pháp để ký kết hợp tác với các cơ sở này về nghiên cứu khoa học, đào tạo, chuyển giao các công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị ung thư và ngay vào đầu năm 2019 sẽ chuyển giao kỹ thuật mổ robot cho các kíp phẫu thuật ở Bệnh viện K, tiếp nhận các bác sĩ của Bệnh viện sang học tập và làm việc tại Viện Curie, Viện Avicenne cũng như cử các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm sang làm việc kết hợp với chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện K và một số bệnh viện vệ tinh. Một số dự án nghiên cứu lớn đang được xây dựng, đặc biệt là nghiên cứu dịch tễ, nguyên nhân và dự phòng ung thư không riêng cho Việt Nam mà cho khu vực Đông Dương, các nghiên cứu lâm sàng về thuốc mới, xạ trị hiện đại, phẫu thuật tiên tiến cũng sẽ được nghiên cứu ứng dụng.

Phóng viên: Những hợp tác này sẽ đem lại những lợi ích gì cho người bệnh đặc biệt là những bệnh nhân ung thư?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Chúng tôi chắc rằng từ sự hợp tác đến từ các nước tiên tiến của Châu Âu sẽ mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh và cộng đồng. Cùng với sự hợp tác này chúng tôi hy vọng cơ chế, nguyên nhân của bệnh ung thư sẽ được làm rõ hơn, bản đồ về dịch tễ học ung thư sẽ được hình thành không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn cho các nước Đông Dương. Các biện pháp tiên tiến trong sàng lọc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư được ứng dụng sẽ từng bước nâng cao hiệu quả phòng chống, giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư, bên cạnh đó trình độ cán bộ y tế đươc đào tạo, nâng cao sẽ từng bước hội nhập với khu vực và thế giới trong chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.


Hải Yến
Ý kiến của bạn