GS.Trần Văn Khê - cây đại thụ trong giới nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam đã thôi hưởng “dạ lý hương” nơi trần thế ở tuổi 94. Ông đã hòa vào đất mẹ, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng những hậu bối và những người trân quý vốn văn hóa dân tộc.

GS. Trần Văn Khê trong vòng tay các em nhỏ.
Con người văn hóa
Sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), GS. Trần Văn Khê vốn con nhà nòi bởi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về âm nhạc dân tộc. Vì thế ông đã sớm cảm thụ và kế thừa tinh thần, nuôi dưỡng ý nghĩ mai sau sẽ quảng bá âm nhạc dân tộc, văn hóa Việt Nam với thế giới. Ông nội của GS.Trần Văn Khê vốn giỏi chơi đàn kìm, đàn tranh và đàn tỳ bà. Cha thân sinh GS.Trần Văn Khê cũng là một người tinh tường, giỏi chơi nhạc cụ dân tộc nhưng nổi trội nhất là âm nhạc tài tử Nam bộ. Bên cạnh đó, cũng ít ai biết người cô ruột của GS.Trần Văn Khê là người sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban nổi tiếng ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho) một thời.
Trong buổi nói chuyện với tôi hôm nào, GS.Trần Văn Khê không ngần ngại cho biết ông là người đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nhạc học với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” tại một trường Đại học uy tín của Pháp năm 1958. Giọng đầm ấm đậm chất Nam Bộ, GS.Trần Văn Khê chia sẻ: “Về sau này, tôi tập trung chủ yếu vào việc sưu tầm, nghiên cứu và đúc kết; viết bài, sách, báo, giáo trình giảng dạy và giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam”. Có lẽ vì thế trong cuốn tự truyện, GS.Trần Văn Khê đã viết: “...Kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngừng nghỉ, có lúc này có lúc khác, Khê đều mỉm cười…”.
Ông còn cho biết thêm, năm 1972 ông cùng người bạn tri âm là nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thu âm đĩa nhạc tài tử Nam bộ cho hãng thu âm Ocora (Đài phát thanh Pháp) và đồng thời, được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) mời thu âm một đĩa nhạc với tên gọi “Nguồn gốc âm nhạc” - Musical sources. Và đây cũng là lý do để nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ở nước ta nhận định rằng GS.Trần Văn Khê cùng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là những người đầu tiên của Việt Nam quảng bá, giới thiệu âm nhạc tài tử đến với bạn bè thế giới từ nhiều chục năm trước.
Người Việt phải giữ bản sắc Việt
GS.Trần Văn Khê là thành viên của nhiều tổ chức âm nhạc quốc tế, tiêu biểu có: Hội đồng quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, Hội đồng quốc tế Nghiên cứu Âm nhạc, Hội Âm nhạc học, Hội Nhà văn (Pháp), Hội dân tộc âm nhạc học Mỹ, Hội Nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nhật Bản, Hội Nghiên cứu âm nhạc Ấn Độ…Trong vai trò là một nhà nghiên cứu văn hóa thuộc nhiều tổ chức nói trên, GS.Trần Văn Khê như một “đại sứ văn hóa”, đã đi và về qua hai thế kỷ vì âm nhạc truyền thống Việt Nam, đến gần 50 quốc gia, tham dự hơn 200 hội thảo âm nhạc học tại 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong những chuyến đi muôn phương ấy, ông đều quảng bá văn hóa Việt Nam, trong đó có nhạc tài tử Nam Bộ, Nhã nhạc cung đình Huế...
Có nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân tộc khẳng định rằng, GS.Trần Văn Khê là người đã có những đóng góp quan trọng trong việc đưa ca trù, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam bộ, Nhã nhạc cung đình Huế trở thành di sản phi vật thể của thế giới.
Nhưng việc lớn khiến ông luôn trăn trở đó là tìm ra những phương pháp để gìn giữ, bảo tồn và truyền bá văn hóa Việt ra với thế giới. “Tôi mong muốn là làm sao thay đổi tư duy để mọi người thấy rằng chúng ta là người Việt Nam, phải yêu thương và tôn trọng tiếng nói, điệu nhạc, câu hát Việt Nam. Chúng ta mở cửa hội nhập đón những luồng văn hóa mới để tăng sự đa dạng, phong phú nhưng chúng ta phải giữ được cái tinh hoa của mình”, ông nói.
Hôm nay, vị GS.TS âm nhạc học mang tên Trần Văn Khê đã được đất mẹ ôm vào lòng. Mong ông sẽ yên lòng nơi xa xôi và tin chắc rằng, những ấm nồng của ông sẽ mãi mãi còn đọng lại ở cuộc đời này, để là tấm gương sáng, là động lực cho thế hệ trẻ tiếp bước noi theo, tiếp tục là những Trần Văn Khê thế hệ mới luôn tận hiến cho văn hóa Việt Nam, vì âm nhạc truyền thống trong thời đại mới.
Tận tụy dành cả cuộc đời để hoạt động, nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân tộc, GS.Trần Văn Khê đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng quốc tế Âm nhạc (1981), Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Huy chương vì Văn hóa dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam (1998), Huân chương Lao động hạng Nhất (1999), Giải thưởng Ðào Tấn (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh (2011)…
Huy Ngọc