Bệnh sởi đang quay trở lại và đáng lo ngại trong cộng đồng dân cư khi số bệnh nhi mắc bệnh này tăng cao, phần lớn do chưa được tiêm chủng vắc xin ngừa sởi.
GS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, vắc xin sởi rất an toàn và không gây nhiều tác dụng phụ. Việc tiêm đầy đủ 2 mũi ngừa sởi là biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh sởi cho trẻ nhỏ. Mũi thứ nhất khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi.
Theo GS Hiển, vắc xin sởi là vắc xin lâu đời, đã được sử dụng trên 50 năm trên thế giới, là một vắc xin đã được chứng minh là an toàn, hiệu qủa và rẻ tiền. Nhờ có vắc xin sởi, tỷ lệ tử vong do bệnh sởi ở trẻ em trên thế giới giảm 78% năm 2012 so với năm 2000.
Ảnh minh họa: internet.
Ở Việt Nam, nhờ đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt tỷ lệ cao trên 90%, và thực hiện nhiều chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi cho các đối tượng nguy cơ cao vào các năm 2002, 2003, 2007-2008 và 2010, tỷ lệ mắc sởi của Việt Nam liên tục giảm.
Từ năm 1984 đến nay, người mắc sởi giảm từ 150,5/100.000 dân xuống còn 0,65/100.000 năm 2012, có nghĩa là tỷ lệ mắc sởi giảm 231 lần so với năm 1984.
Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình dương đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ em nhằm đạt mục tiêu loại trừ sởi ở khu vức vào năm 2017 (nghĩa là giảm tỷ lệ mắc sởi xuống dưới 1/ triệu dân).
Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng đang sử dụng vắc xin sởi của Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế của Việt Nam sản xuất.
Đây là vắc xin sởi sống giảm độc lực, được sản xuất trên tế bào phôi gà tiên phát. Vắc xin chống chỉ định cho người có mẫn cảm với thành phần của vắc xin, phụ nữ có thai, người bị nhiễm trùng cấp tính, bệnh lao tiến triển, suy giảm miễn dịch.
Vắc xin là an toàn và hiệu qủa. Phản ứng phụ là đau, sưng đỏ tại chỗ tiêm, một số trẻ có thể có sốt, nổi ban, sổ mũi, và tự khỏi sau 1-2 ngày. Rất hiếm gặp co giật, viêm não, giảm tiểu cầu (tỷ lệ <1/ triệu).