Nhà toán học Giáo sư Ngô Bảo Châu (nguồn ảnh: IPF). |
GS. Ngô Bảo Châu là diễn giả người Việt Nam duy nhất trong chuỗi sự kiện “Cầu nối- Đối thoại hướng đến văn hoá hoà bình” do Quỹ Hoà bình Quốc tế tổ chức. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, từ ngày 13-15/3, GS. Ngô Bảo Châu sẽ có bài giảng và giao lưu cùng các sinh viên tại ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM về chủ đề “Phương pháp học tập”. Tại buổi họp báo, GS đã chia sẻ với báo chí về sự nghiệp trồng người.
Xuất thân từ một dòng họ có tiếng về truyền thống học vấn cùng kinh nghiệm học tập ở các nước tiên tiến hàng đầu, theo ông, trong hai yếu tố gia đình và nhà trường, yếu tố nào ảnh hưởng tới phương pháp học tập cũng như giao tiếp ứng xử?
Tôi có thể tóm tắt suy nghĩ của mình như thế này, cuộc sống gia đình cũng như cách ứng xử của người thân xung quanh có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành hành vi của đứa trẻ sau này. Hành vi, cách xử sự xã hội, nhà trường chỉ có thể làm nên một phần nào đó, còn phần lớn là do bản thân mình.
Giáo sư Ngô Bảo Châu (bên phải) cùng ông Uwe Morawetz, Chủ tịch Quỹ Hoà bình Quốc tế tại buổi họp báo (ảnh: MC) |
Theo cuộc khảo sát trên mạng, khi hỏi ý kiến của các anh chị làm tiến sỹ ở nước ngoài, yếu tố nào quan trọng nhất trong công việc thì thu nhập không phải là yếu tố hàng đầu, mà bên cạnh đó còn là môi trường làm việc và khả năng thăng tiến. Tất nhiên không ai muốn sống quá nghèo khổ, nhưng cũng không cần phải giàu sang. Rất nhiều người tâm huyết thể hiện tâm tư làm một nhà khoa học chân chính, theo đúng nghĩa mới là điều họ muốn. Nếu mọi người tin, bạn bè đồng nghiệp của tôi đều có thể về Việt Nam làm việc nếu điều kiện cho phép. Rõ ràng thời gian tập trung cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học rất ít, thường là họ phải làm những công việc mà không đáng phải làm.
Giáo sư có thể cho biết các viện hàn lâm cần có giải pháp, phương hướng gì để phát triển đưa khoa học công nghệ sánh ngang như ở nước ngoài?
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Dù cho ở Mỹ, Pháp hay ở Đông Nam Á, ngành hàn lâm phải sát với thực tế, tiềm lực. Chúng ta không nên mơ mộng mà cần phải có sự trao đổi xuyên lục địa, đối chiếu với kinh nghiệm của các nước khác.
Niềm say mê với toán học của giáo sư bắt đầu như thế nào? Xin Giáo sư có thể cho biết ai, hay nhà khoa học hoặc toán học nào là người mà giáo sư ngưỡng mộ?
Thực ra toán học chưa phải là niềm đam mê của tôi khi còn nhỏ. Hồi cấp một, tôi vốn say mê với môn vẽ, và thích chơi rubic, chưa thật sự hứng thú lắm với toán học. Rồi sau đó, khi tôi vào học chuyên toán, được sự giúp đỡ của bạn bè thầy cô, khi mà cứ càng tiếp xúc với các phép toán khó lại càng muốn giải cho bằng được. Thế là niềm say mê với toán học cứ thế tự nhiên mà đến. Đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ. Đừng chọn cho mình con đường đi đơn giản dễ dàng, mà càng con đường khó thì bạn lại càng cảm thấy đam mê, giống như khi giải một bài toán khó sẽ khiến bạn càng đam mê nó. Làm thứ khó thì càng thử thách mình, khiến mình càng say mê hơn.
Người mà tôi ngưỡng mộ nhất đó chính là thầy giáo người Pháp của tôi, Giáo sư Gerald Laumon. Ông có thể nói là người thầy tuyệt vời nhất trên thế giới. Số học sinh của ông không nhiều lắm, chưa đến 10 người. Có một điều mà bản thân tôi cũng không hiểu nổi là ông sắp xếp thời gian của mình thế nào mà ông có thể dành nhiều thời gian cho chúng tôi đến vậy. Mỗi lần có chuyện gì, gọi điện, ông rất thích tán. Ông đối xử với học trò hết sức tình cảm. Ông thường xuyên gọi điện hỏi thăm, hỏi han xem có chuyện gì buồn không và sẵn sàng chia sẻ bất cứ lúc nào chúng tôi cần.
Bích Vân (thực hiện)