Hà Nội

GS. Marescaux: “Tôn Ngộ Không” của y học hiện đại

01-02-2011 15:03 | Quốc tế
google news

Đó là chuyện ngày xưa, còn trong y học hiện đại, cũng có người trong tích tắc “úm ba la” biến bàn tay phẫu thuật... bay đi 7.500km để mổ cho bệnh nhân, đó là GS. Marescaux.

Mọi người - già, trẻ, lớn, bé, hầu như không ai là không biết đến Tôn Ngộ Không, nhân vật chính chọc trời khuấy nước trong bộ phim lừng danh xưa nay: Tây Du Ký. Một trong 72 phép thần thông của “con khỉ già” Tề Thiên là phép cân đẩu vân, trong tích tắc bay đi 10.800 dặm. Đó là chuyện ngày xưa, còn trong y học hiện đại, cũng có người trong tích tắc “úm ba la” biến bàn tay phẫu thuật... bay đi 7.500km để mổ cho bệnh nhân, đó là GS. Marescaux.

Vài nét về GS. Jacques Marescaux

GS. Jacques Marescaux sinh năm 1948 tại Clermont-Ferrand (Pháp). Ông từng là bác sĩ (BS) nội trú các bệnh viện (BV) và là viện sĩ của Pháp, Trưởng khoa Nội tiết và phẫu thuật tiêu hóa BV. Viện Đại học Strasbourg (Pháp). Ông đồng thời cũng là người sáng lập nên Viện nghiên cứu chống ung thư đường tiêu hóa (Institute de Recherche contre les Cancers de lAppareil Digestif (IRCAD), sau trở thành Viện Vi phẫu thuật không gian của Âu châu.

Ngày 7/9/2001, từ New York, ông đã thực hiện cuộc phẫu thuật đầu tiên trên thế giới mổ túi mật cho một nữ bệnh nhân (BN) tại Strasboug (Pháp) mệnh danh là “Phẫu thuật Lindberg”. Từ năm 2002, ông trở thành hội viên sáng lập hội phẫu thuật qua mạng (WebSurg) rồi sau đó là Viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật. Ngày 2/4/2007, ông cũng là người đầu tiên trên thế giới thực hiện ca phẫu thuật cắt bỏ túi mật cho một nữ BN 30 tuổi mà không để lại sẹo, không chọc thủng da và phẫu thuật thông qua một “lỗ” tự nhiên của con người, đó chính là phẫu thuật qua đường âm đạo.

Y học viễn thông (télé-médecine) là gì?

Cụm từ chữa bệnh từ xa không mới mẻ nhưng trước đó chỉ thực hiện được trong vòng vài trăm cây số do hạn chế của lĩnh vực truyền thông. Nếu việc truyền các dữ liệu không tương khớp sẽ làm cho hình ảnh truyền qua mạng viễn thông không đồng bộ và có thể làm mất sự cảm nhận của phẫu thuật viên. Y học viễn thông chính là ngành y học dựa vào các phát minh hiện đại trên lĩnh vực viễn thông để giảm đi khoảng cách tiếp cận giữa thầy thuốc và người bệnh. Công nghệ được sử dụng là công nghệ y học viễn thông đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối. Trong phẫu thuật, mọi người quen thấy BS phẫu thuật bước vào phòng mổ, BN đã được gây mê sẵn và ca mổ bắt đầu. Nhưng điều kỳ diệu giờ đây đã diễn ra trong lĩnh vực y học hiện đại: BS mổ cho BN ở cách xa một đại dương mênh mông. Sự thành công của ca mổ hoàn toàn tùy thuộc vào các đầu nối kết của hệ thống nối mạng viễn thông với đường truyền dẫn cao bằng mạng cáp quang được hỗ trợ bằng mạng vệ tinh viễn thông. Sau sự thành công của ca phẫu thuật xuyên Đại Tây Dương, vấn đề trị bệnh cách xa hàng ngàn cây số đã không còn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa.

Phẫu thuật trên bệnh án phim.

Ca mổ xuyên Đại Tây dương

Cuộc phẫu thuật mang tên “Opération Lindbergh” (để tưởng nhớ đến phi công Lindbergh, lúc 25 tuổi, là phi công của đội bay đưa thư của Mỹ, đã nổi tiếng toàn cầu nhờ chuyến bay lịch sử xuyên Đại Tây Dương sau khi thực hiện thành công chuyến bay không nghỉ từ New York (Mỹ) tới Bourget (Pháp) trên chiếc phi cơ một động cơ). Lần đầu tiên một cuộc can thiệp phẫu thuật đã được thực hiện xuyên Đại Tây Dương nối liền New York (Mỹ) với Strasbourg (Pháp) khoảng cách 7.500km nhờ các tiến bộ khoa học và tài năng của Viện Nghiên cứu chống ung thư đường tiêu hóa Pháp và France Télécom. Tác giả ca mổ, GS. Marescaux tuyên bố rằng đây là cuộc cách mạng phẫu thuật lần thứ ba trong vòng 10 năm.

Tại New York, GS. Marescaux chỉ huy robot phẫu thuật bằng mạng viễn thông được chia làm 2 phần, một tại Pháp và một tại Mỹ, sử dụng remote control để điều khiển robot lấy túi mật cho BN tại Pháp. Phần robot ơ  S t r a s - bourg có 3 tay được chỉ huy từ xa: hai tay trang bị các vật dụng để mổ, tay thứ ba trang bị camera ghi hình. Cả ba tay được đưa vào bụng BN thông qua một kênh dẫn truyền. Nhà phẫu thuật ngồi tại New York với hai cần điều khiển, mỗi cần ra lệnh cho một tay mổ xẻ tại… Strasbourg. Ông dùng lời nói để chỉ huy máy ghi hình (giống gọi điện thoại bằng lời nói thay vì bấm số). Và trên màn hình là hình ảnh rõ nét các cơ quan bên trong ổ bụng BN với không gian 3 chiều. Các robot sẽ tuân theo y lệnh mà làm việc. Những cánh tay máy đã đưa vào bụng BN một ống thăm dò nhỏ gọi là laparoscope có trang bị camera cáp quang, dao mổ và nhíp.

Cuộc phẫu thuật được thực hiện cách xa hàng ngàn cây số đã tạo nên một kỳ tích trong lịch sử y học, khoảng cách giữa thầy thuốc và BN không còn là vấn đề trở ngại. Sự ra đời của mạng cáp quang cao tốc giúp gia tăng tốc độ truyền dữ liệu, nhờ đó việc cắt bỏ túi mật đã thành công. Ê-kíp mổ cũng được huấn luyện để hành động thật nhanh nếu xảy ra tai biến do trục trặc đường truyền. Các dữ liệu truyền qua lại giữa người mổ và BN ở khoảng cách 15.000 cây số với thời gian trễ cho phép là 155 miligiây (tức 155 phần ngàn giây) giữa chuyển động của bàn tay phẫu thuật viên với tay robot. Thời gian trễ tối đa chấp nhận được là 330 miligiây). Ca phẫu thuật kéo dài 54 phút và đã thành công mỹ mãn: BN lành bệnh và xuất viện chỉ trong vòng 48 giờ.

GS. Marescaux cho biết, đây sẽ là nền tảng cho việc triển khai các ca phẫu thuật mang tính toàn cầu để từng bước cải thiện nền y học thế giới: xóa bỏ hàng rào về khoảng cách, giúp BS có thể mổ cho BN ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

DS. TRƯƠNG TẤT THỌ


Ý kiến của bạn