GS. Hoàng Ðình Cầu - một lão thần trụ cột của ngành y học Việt Nam

30-03-2017 09:47 | Xã hội
google news

SKĐS - Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS. Hoàng Đình Cầu là một thầy thuốc uyên bác, một cán bộ lãnh đạo ngành y tế tài năng.

Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS. Hoàng Đình Cầu là một thầy thuốc uyên bác, một cán bộ lãnh đạo ngành y tế tài năng. Giáo sư có 55 tuổi Đảng, 19 năm là Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989), hơn 16 năm  là Chủ tịch Tổng hội Y Dược học (1985-2000), 5 năm là Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội (1985-1990) và nhiều chức vụ khác.

Năm 1997, nhân dịp mừng giáo sư thượng thọ tuổi 80, GS. Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế đã viết: “GS. Hoàng Đình Cầu là một lão thần trụ cột của ngành y học Việt Nam”.

GS. Hoàng Đình Cầu sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1937, ông theo học ngành y, tốt nghiệp bác sĩ năm 1944, là bác sĩ nội trú Bệnh viện Phủ Doãn.

GS. Hoàng Đình Cầu đã nói các nhà y học quốc tế năm 2005: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử mà tôi ngưỡng mộ nhất và có ảnh hưởng đến cuộc đời hoạt động của tôi. Trong 60 năm hành nghề y khoa, đối tượng mà tôi luôn phấn đấu để phục vụ là những người nghèo khổ, những trẻ em mồ côi, những nạn nhân chiến tranh”.

GS. Hoàng Đình Cầu.

GS. Hoàng Đình Cầu.

Người thầy thuốc tận tụy

Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 nước nhà độc lập, nhưng ngày 23/9/1945 giặc Pháp đã trở lại xâm lược Nam Bộ.  BS. Hoàng Đình Cầu được cử tham gia đoàn phẫu thuật Nam tiến đầu tiên, xây dựng bệnh viện ngoại khoa Phú Yên để cứu chữa cho bộ đội và nhân dân. Cuối năm 1946, bác sĩ phụ trách Trạm phẫu thuật tiền phương ở Hà Đông để cứu chữa thương binh từ mặt trận Hà Nội.

Năm 1947, mới 30 tuổi, BS. Hoàng Đình Cầu được bổ nhiệm là Giám đốc Sở Y tế Liên khu III, ông đã hoàn thành nhiệm vụ, được bầu  là Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Năm 1954, hòa bình lập lại, BS. Hoàng Đình Cầu tham gia đoàn tiếp quản các cơ sở y tế ở Hà Nội. Sau đó ông là Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (1954-1955) và được cử đi tu nghiệp ở Matxcơva (1955-1958). Về nước, ông xây dựng chuyên ngành Phẫu thuật phổi đầu tiên của miền Bắc, là người thực hiện đầu tiên việc áp dụng châm tê trong phẫu thuật, là người đề xuất phương pháp điều trị miễn dịch không đặc hiệu chữa ung thư phổi để kéo dài sự sống cho nhiều người bệnh. Những năm tháng làm công tác quản lý ngành, ông vẫn thường xuyên về bệnh viện mổ cho bệnh nhân không kể ngày đêm, nhiều lần ông còn hiến máu cứu người bệnh. Trong hơn 30 năm làm chuyên môn, bằng trí tuệ minh mẫn, với đôi bàn tay tài năng, GS. Hoàng Đình Cầu đã phẫu thuật thành công cho hơn 2.000 bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo về phổi.

Nhà giáo nhân dân mẫu mực

GS. Hoàng Đình Cầu có công lớn trong việc đào tạo cán bộ y tế.  Năm 1947, giáo sư là Hiệu trưởng Trường Y sĩ Việt Nam - trường Y sĩ đầu tiên của nuớc ta đóng tại Thanh Hóa.

Giáo sư là Vụ trưởng Vụ Huấn luyện (1959-1970), là Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989). Ông đã xây dựng được hệ thống nhiều trường cao đẳng, trường trung học y tế ở các địa phương với các chương trình huấn luyện, đào tạo thích hợp để trong một thời gian ngắn nước ta có một đội ngũ đông đảo cán bộ y tế ở bậc đại học, trung học và sơ cấp có khả năng chuyên môn cũng như y đức phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng đất nước.

Giáo sư còn là Trưởng Bộ môn Phẫu thuật thực hành trong nhiều năm và là Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội (1985-1990). Giáo sư đã tích cực tổ chức đội ngũ giảng viên, cải tiến chương trình, phương pháp dạy và học, tổ chức Nhà trường xứng danh là trường đại học trọng điểm của ngành y. Giáo sư là người có công lớn nhất trong việc tổ chức việc đào tạo sau đại học, mở ra con đường phấn đấu chuyên môn cho các thầy thuốc trong ngành.

Với tri thức uyên bác, ngoài việc đã viết sách giáo khoa, sách tham khảo cho ngành y, giáo sư là chủ biên Từ điển Y học Pháp - Việt, Từ điển Y học Nga - Việt; Trưởng ban Y trong Hội đồng biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam, tham gia hội đồng biên tập Từ điển Bách khoa Bệnh học.

Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5.

Tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 5.

Các Anh hùng lao động: Từ trái: GS. Nguyễn Trọng Nhân, GS. Hoàng Đình Cầu,

GS. Nguyễn Thiện Thành, GS. Lương y Nguyễn Sĩ Lâm.

Từ phải:  BS. Nguyễn Văn Hưởng, Y sĩ Trần Chử, GS. Nguyễn Văn Đàn.

Các cán bộ lãnh đạo: Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

TS. Đặng Hồi Xuân - Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Hoàng Đài - Phó ban Khoa giáo TW.

Người thầy của Y xã hội học Việt Nam

Năm 1978, GS. Hoàng Đình Cầu là Trưởng đoàn Y tế Việt Nam tham dự Đại hội đồng Y tế thế giới về Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Alma-Ata. Giáo sư đã lĩnh hội và trực tiếp đôn đốc thực hiện ở Việt Nam Tuyên ngôn của Hội nghị: “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không phải là một tình trạng không bệnh tật hay tàn tật”. Giáo sư là nhà y xã hội học đầu tiên với rất nhiều đóng góp đưa chăm sóc sức khỏe ban đầu vào vị trí hàng đầu của chiến lược bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và nhiều tâm huyết xây dựng các mạng lưới y tế tại các xã, phường, thôn, bản. Giáo sư đã để nhiều công sức xây dựng các bài giảng về lý thuyết và thực hành y xã hội học, một môn học rất mới ở nước ta. Giáo sư rất trân trọng và đề cao đạo đức trong y tế. Ông cho rằng: “Thực hành y khoa mà không có đạo đức thì không bằng thú y”. Giáo sư nhận định, kinh tế thị trường đã làm ảnh hưởng đạo đức trong y tế, nhưng: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, chuẩn mực của đạo đức không bao giờ thay đổi”.

Người ông của các làng Hòa bình Việt Nam

Là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - CHLB Đức, ông có quan hệ với ông Ronald Gegenfurtner và ông B. Pasmann - nguyên Giám đốc Làng Hòa bình Quốc tế CHLB Đức Oberhausen. Các bạn Đức đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng Làng Hòa bình Từ Dũ I đầu tiên năm 1988 và 10 Làng Hòa bình các năm tiếp theo, thành hệ thống Làng Hòa bình chính quy, hiện đại, khang trang ở 8 địa phương. Các làng Hòa bình được cấp xe ôtô và nhiều thiết bị y tế để hoạt động từ thiện, đảm nhận chức năng khám chữa bệnh, chăm sóc và cố gắng phục hồi chức năng cho trẻ em tàn tật, chủ yếu là do hậu quả của chất độc da cam.

GS. Hoàng Đình Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á khóa XI đọc lời khai mạc Hội nghị Yangon-Myamar kỳ họp năm 2000.

GS. Hoàng Đình Cầu, Chủ tịch Hiệp hội Y học các nước Đông Nam Á khóa XI đọc lời khai mạc Hội nghị Yangon-Myamar kỳ họp năm 2000.

Các bạn Đức còn giúp đỡ xây dựng 96 trạm y tế xã và tổ chức tiếp nhận 129 trẻ em tàn tật do ảnh hưởng của chất độc hóa học sang CHLB Đức và một số nước châu Âu điều trị và phẫu thuật chỉnh hình.

GS. Hoàng Đình Cầu là Giám đốc Trung tâm Hợp tác y tế môi trường Việt Nhật, có nhiệm vụ vận động và giao lưu hợp tác y tế với các tổ chức phi Chính phủ và các nhà y học Nhật Bản (MECJV). Tổ chức MECJV đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều trạm y tế xã, một Trung tâm phân tích Hóa môi trường, nhiều trang thiết bị y tế và hóa chất. Nhiều cán bộ khoa học Việt Nam được đào tạo tại Nhật Bản. Đến năm 2006 đã có 124 trạm y tế nằm ở hầu hết các tỉnh thành được nhận viện trợ của Làng Hòa bình Đức và Tổ chức MECJV đã đầu tư cho xây dựng nhà, mua sắm trang thiết bị.

Năm 1985, khi đã 68 tuổi, GS. Hoàng Đình Cầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban Quốc gia nghiên cứu về chất độc da cam (gọi tắt Ủy ban 10-80). Ông đã chủ trì, tổ chức các nhà khoa học Việt Nam, hoàn thành vào năm 1999, công trình “Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1962 đến 1971”. Tập bản đồ và Tập kỷ yếu công trình “Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” do giáo sư cho xuất bản năm 2000  là một minh chứng khoa học, là bằng chứng tố cáo tội ác trong chiến tranh, làm thức tỉnh lương tri và lòng nhân đạo của nhân loại yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, ủng hộ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Trong những năm tháng cuối cùng của đời mình, giáo sư đã đóng góp những ý kiến quý báu trong công trình nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học Việt Nam và Canada về dự án “Phát hiện một số điểm nóng mới, ô nhiễm chất da cam/dioxin ở Nam Việt Nam” để có cơ sở khoa học cho việc xây dựng chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học.

GS. Hoàng Đình Cầu, người thầy thuốc, thầy giáo Trí, Tài, Đức vẹn toàn  từ trần ngày 18/7/2005, thọ 88 tuổi. Giáo sư đã được Nhà  nước  tặng thưởng Huân chương Độc lập  hạng Nhì, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Năm 2005, theo danh sách hàng trăm bác sĩ được Hội Y học các nước đề cử, Hội đồng xét chọn của Hội Y học thế giới (World  Medical Association) đã chọn những người tiêu biểu, trong số đó có GS. Hoàng Đình Cầu - thầy thuốc Việt Nam, để xuất bản sách “CARING PHYSICIANS OF THE WORLD”  viết về cuộc đời và sự nghiệp của 65 thầy thuốc trên thế giới. Tên tuổi của GS. Hoàng Đình Cầu còn được Trung tâm Tiểu sử quốc tế Cambridge (Vương quốc Anh) ghi vào Từ điển Tiểu sử quốc tế và Hội đồng Xuất bản tiểu sử danh nhân Marquis (Hoa Kỳ) ghi vào sách tiểu sử danh nhân thế giới.

GS. Hoàng Đình Cầu là tấm gương của một cuộc sống khỏe với sự giản dị và thanh bạch, sống hữu ích vì mọi người, làm nhiều việc với hiệu quả lớn và chất lượng cao.  Nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò luôn tưởng nhớ và tri ân người thầy đáng kính mà trong lòng mọi người còn lưu giữ mãi “sự dạy bảo, tính thiện cảm, sự thân thiện và sự lạc quan”.


TRẦN GIỮU
Ý kiến của bạn