Hà Nội

GS. Đỗ Đức Vân, một người thầy của bác sĩ ngoại khoa

17-11-2016 18:46 | Xã hội
google news

SKĐS - Khóa học 1954-1960, Đại học Y Hà Nội mà GS. Đỗ Đức Vân theo học được xem là một thế hệ vàng.

Khi nói về ngành ngoại khoa Việt Nam hẳn ai cũng nhớ tới một tên tuổi lớn là GS. Tôn Thất Tùng. Và hiển nhiên trong sự nghiệp trồng người lẫy lừng của vị giáo sư này có không ít học trò thành đạt, có thể theo gương nối chí người thầy. Trong lớp học trò đó, kể riêng chuyên ngành tiêu hóa gan mật có GS. Nguyễn Văn Vân, GS. Nguyễn Đình Hối, GS. Đỗ Kim Sơn… và một tên tuổi xứng đáng mỗi khi nhắc tới đều khiến các thế hệ bác sĩ ngoại khoa - ngoại tiêu hóa, các nghiên cứu sinh của Bệnh viện Việt Đức, Đại học Y Hà Nội kính trọng là GS.TS. NGND Đỗ Đức Vân.

GS Đỗ Đức Vân sinh năm 1932, tại Lý Nhân, Hà Nam. Tuy chưa có lần thăm làng quê nơi sinh người thầy của mình, nhưng qua sách báo thì từ lâu những lớp học trò chúng tôi đã biết Lý Nhân - Hà Nam là chiếc nôi của nghề đúc đồng, đã khai mở ra nền văn minh tối cổ rực rỡ mang tên gọi Nền văn minh Đông Sơn, chế tác ra những chiếc trống đồng Đông Sơn - Ngọc Lũ. Lẽ thường vùng đất địa linh, có tầng sâu văn hóa văn minh thường sinh ra những con người tài hoa, nổi tiếng.

Hội đồng chấm luận án tiến sĩ và GS. Đỗ Đức Vân chúc mừng tân tiến sĩ.

Hội đồng chấm luận án tiến sĩ và GS. Đỗ Đức Vân chúc mừng tân tiến sĩ.

Khóa học 1954-1960, Đại học Y Hà Nội mà GS. Đỗ Đức Vân theo học được xem là một thế hệ vàng. Giờ đây nhìn lại với các tên tuổi, như GS.TS. Đặng Hanh Đệ - Người đặt nền móng cho phẫu thuật tim mạch Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Đình Hối, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh; GS.TS. Đặng Đức Trạch đầu ngành y học dự phòng Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Khánh Trạch, Chủ nhiệm Bộ môn Nội khoa Đại học Y Hà Nội; GS.TS. Trần Ngọc Ân, nguyên Giám đốc Bệnh viện E; GS.TSKH. Anh hùng Lao động Lê Đăng Hà, nguyên Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới; GS.TS. Đào Ngọc Phong... Hồi nhớ, nhìn lên là vậy, để nhìn xuống những lớp sinh viên y khoa đã được các giáo sư truyền dạy sau này, với tên tuổi các thầy như: Hà Văn Quyết, Phạm Đức Huấn, Trịnh Hồng Sơn, Trần Bình Giang, Đỗ Văn Tráng, Đỗ Trọng Quyết, Phạm Trường Duyệt... các vị GS, TS, BS lớp thế hệ này nay cũng đã trưởng thành và đang giữ các trọng trách ở Trường đại học Y Dược, các bệnh viện lớn của TW và địa phương, thêm hiểu câu nói “Thầy ra thầy - Trò ra trò” mà người đời xưa nay thường hay nhắc đến.

Tôi là một học trò được theo học thầy khi đã 50 tuổi. Làm BSCKII, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y Dược Thái Bình cả chục năm sau tôi mới làm nghiên cứu sinh. Sự chậm trễ này là một câu chuyện riêng của gia đình. Có câu, học là một con đường không bao giờ muộn. Quả vậy, 4 năm được học tập trực tiếp dưới sự chỉ bảo của các GS đầu ngành đã cho tôi hiểu thêm được nhiều giá trị trong cuộc sống, không chỉ về chuyên ngành y. Do là nghiên cứu sinh lớn tuổi mà tôi có phần được vợ chồng thầy ưu ái hơn chăng. Những hôm nghe thầy giảng dạy và mải tra cứu tài liệu tại thư phòng gia đình thầy ở 155 Triệu Việt Vương, có buổi trễ giờ tôi được thầy cô cho ở lại ăn cơm cùng. Căn nhà nho nhỏ này được biết gia đình thầy ở đã hơn 30 năm, tới nay gần như chưa hề sửa sang thay đổi gì. Chiếc ban công trên tầng hai có mấy chậu hoa dân dã đã gắn bó với cái tật nghiền thuốc lá của tôi, giờ đây, sau nhiều năm xa khiến tôi hay nhớ nhung. Một nỗi nhớ đằm đặm, dìu dịu, nhất là khi gặp ca bệnh khó, nhớ thầy, lòng lại hiện về trong tôi hình ảnh ban công đó.

Học đi đôi với hành. Khỏi cần nói về việc thực hành, học cụ thể qua từng ca phẫu thuật mà chúng tôi được thầy “cầm tay chỉ việc”, đặc biệt khi thầy về Thái Bình chuyển giao phẫu thuật cắt dạ dày ung thư kết hợp với nạo vét hạch. Thầy là một GS, BS phẫu thuật giỏi của Bệnh viện Việt Đức, tận tâm tận sức với công việc chữa bệnh cứu người cũng như việc trồng người. Bao lớp học trò chúng tôi đã lớn lên dưới sự dạy bảo của thầy. Làm nghiên cứu sinh, chúng tôi đặc biệt được thầy truyền thụ cho kiến thức về phương pháp nghiên cứu. Thầy bảo: “Tôi thấm thía với điều này lắm. Trong một lần đi báo cáo về cắt gan khô ở nước ngoài, khi trở về GS. Tôn Thất Tùng có nói với các học trò là y học của chúng ta còn chưa thật chú trọng tới phương pháp nghiên cứu khoa học của y học lâm sàng...”. Thế rồi sau đó GS. Tùng đã giao cho hai học trò và cộng sự là thầy cùng thầy Nguyễn Đình Hối nghiên cứu sâu về vấn đề này. Thầy Đỗ Đức Vân luôn trăn trở về phương pháp nghiên cứu y học lâm sàng, thầy giảng về Phương pháp nghiên cứu Metas analyse phân tích gộp rất hay, rất sâu. Những bài giảng của thầy thật vô cùng hữu ích cho các học trò về sau, khi họ xa thầy tỏa đi các nơi làm công tác giảng dạy, nghiên cứu y học và chữa bệnh. Phương pháp đó đã được ươm gieo, nhân lên ở khắp nơi và đã thành một phương pháp có cơ sở lý luận.GS. Đỗ Đức Vân hướng dẫn cho hàng chục bác sĩ hoàn thành luật án tiến sĩ.

GS. Đỗ Đức Vân hướng dẫn cho hàng chục bác sĩ hoàn thành luật án tiến sĩ.

Cuộc đời GS.TS.NGND. Đỗ Đức Vân với biết bao thành tựu trong đào tạo, nghiên cứu và chữa bệnh, các công trình của thầy đã được viết thành sách, như: Bệnh học ngoại khoa tập I/II. Triệu chứng học ngoại khoa. Phẫu thuật cắt thần kinh X trong điều trị loét dạ dày tá tràng. Xử trí vết thương chiến tranh. Thủ thuật cơ bản. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện... Có cuốn thầy viết, có cuốn cùng viết với bạn đồng nghiệp chuyên ngành. Và thầy là GS chính, hướng dẫn cho hàng chục BS làm thành công luận án tiến sĩ, trong đó có những người về sau cũng đã tiếp bước thầy, trở thành những vị GS đầu ngành nổi tiếng. Dù sao, riêng với nghề y, người thầy thuốc giỏi, đầu ngành thì những thành tích như kể trên mới là một nửa thành quả. Phần nửa thành công đáng quý nhất, đáng để người đời tri ân lớn nhất, phải là thành công trên giường bệnh. Hàng ngàn sinh mệnh con người bệnh trọng đã được cứu sống từ tấm lòng, với đôi tay vàng của người GS, BS ngoại khoa tài giỏi Đỗ Đức Vân. Hơn ai hết, những người bệnh cùng học trò của thầy mới hiểu đúng, hiểu thấu được thành công về y học, cùng tấm lòng lương y mà thầy đã cống hiến cho ngành ngoại khoa Việt Nam, cho cuộc đời này.

Ghi chép lại dòng hồi ức này như một lời tri ân cao quý nhằm ngỏ gửi tới thầy Đỗ Đức Vân cũng như các thầy cô Đạo cao Đức trọng kính yêu khác mà tôi từng may mắn được theo học vào ngày kỷ niệm truyền thống của nhà giáo, 20/11, lòng tôi thật nhiều xúc động. Lại nhớ thầy tôi ưa sự yên tĩnh. Thầy như người làm vườn, trồng nên bao cây trái sum xuê xanh mát và khi mệt thì ngả mình trên nếp cỏ vườn mà nghỉ ngơi, thanh thỏa.

Một buổi chiều nhẹ nắng. Trên chiếc ban công của phòng làm việc riêng, cũng mấy chậu hoa dân dã ở bên và tôi lại nhớ về không gian nhà thầy tôi. Gian phòng khách bài trí đơn sơ, dường như mấy mươi năm qua vật dụng tiện nghi vẫn là những vật chứng thời gian chung thủy của gia đình thầy, với bạn bè cùng bao lớp học trò. Riêng thư phòng thì mỗi ngày mỗi thêm một điều mới, đó là những cuốn sách. Sách như người bạn đời thứ hai của thầy, bên cô, người vợ hiền, thủy chung sớm chiều chăm lo đời sống cho thầy cùng những đứa con, chăm lo từng trang viết nghiên cứu, giáo trình của thầy. Những hàng sách luôn được sắp ngay ngắn, sạch sẽ trên giá sách kia, hẳn có bàn tay với tấm lòng cô ở đó. Vợ chồng thầy có hai người con trai và thật vui, hai anh đều nối nghiệp nhà, một đã là PGS, TS, một TS, BS và cả hai đều theo chuyên ngành ngoại khoa.

Sẽ còn mãi trong ký ức tôi niềm bâng khuâng nhớ chiếc ban công, những chậu hoa dân dã, cái nắng dịu, làn khói lam cùng  bữa cơm chiều. Thầy nhủ tôi: “Đừng ăn cơm nhà hàng nhiều. Thời buổi này thực phẩm không được an toàn đâu Quyết ạ!”.


TS.BSCKII. ĐỖ TRỌNG QUYẾT
Ý kiến của bạn