Gót chân Asin của các vi khuẩn kháng thuốc

06-08-2014 11:55 | Thông tin dược học
google news

Vi khuẩn kháng thuốc nhất là loại siêu kháng rất hung hãn nhưng chúng cũng có những điểm yếu để chế ngự.

Kháng sinh nào sau một thời gian đưa vào điều trị cũng bị vi khuẩn kháng. Có những vi khuẩn kháng lại cả methicilin như staphylococcus aureus (MRSA) hay staphylococcus epidermidis ( MRSE). Vancomycin được đánh giá là có thể chống lại các vi khuẩn đa kháng. Tuy nhiên, lúc đầu các vi khuẩn Gram ( ) rất nhạy cảm với vancomycin nhưng sau đó một số chúng đã biến đối “đích tác dụng” tại màng tế bào để các glucopeptid của kháng sinh này không gắn kêt với “đích tác dụng” đó nữa và theo đó mà kháng lại cả kháng sinh này. Trước hiểm họa phát triển nhanh chóng của các loại vi khuẩn siêu kháng thuốc, nhiều người đã bi quan cho rằng rồi đây, không lâu nữa con người sẽ không còn kháng sinh để dùng và rơi vào thảm họa do các bệnh nhiễm (!)

 

Giáo sư Gautam Dantas
Giáo sư Gautam Dantas

 

Vấn đề nằm ở… “Bức tường bảo vệ”

Giáo sư Trường Giang Đông và cộng sự trường Đại học Norwwichch UEA đã quan sát trên nhiều loại vi khuẩn từng gây ra các bệnh nhiễm có qui mô lớn, từng kháng với nhiều thuốc như Escherichia Colli, các Salmonella sp, Pseudomonas aeruginosa, Neisseria gonorhoeae, … dưới mức độ nguyên tử, bằng ánh sáng cường độ cao được sản xuất bởi Diamond Light Source thuộc cơ sở khoa học Synchotron (Vương quốc Anh). Qua quan sát, các nhà khoa học nhận thấy: Tất cả các vi khuẩn đều có “bức tường bảo vệ”, được ví như một “chiếc áo ngụy trang” giúp cho chúng khỏi bị hệ miễn dịch của cơ thể nhận diện, tiêu diệt, đồng thời, bức tường bảo vệ này cũng có chức năng như một “rào cản” ngăn không cho các chất độc hại kể cả kháng sinh xâm nhập vào chúng. Nhờ đó mà chúng sống được và tiếp tục gây bệnh cho người. Đi sâu vào nghiên cứu hơn, các nhà khoa học còn xác định được cấu trúc các protein tạo nên “bức tường bảo vệ” trên, và từ đó họ cho rằng chỉ cần nghiên cứu một thế hệ kháng sinh mới có thể phá vỡ được “bức tường bảo vệ” thì vi khuẩn sẽ mất khả năng kháng thuốc và dễ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại hiện nay là các nhà khoa học chưa biết bằng cách nào vi khuẩn đã vận chuyển một khối lượng lớn các lipopolysachrid để xây dựng nên “bức tường bảo vệ”. Và trong tương lai không xa khi điều này được giải mã các nhà khoa học có thể tạo ra một thế hệ kháng sinh mới ngăn cản quá trình vi khuẩn xây dựng “bức tường bảo vệ” và con người sẽ chủ động hơn trong việc chống lại sự kháng thuốc của vi khuẩn.

Vi khuẩn kháng thuốc còn điểm yếu nào không?

Hiện nay Giáo sư Gautam Dantas và cộng sự trường Đại học Y khoa Washington ở St Louis đang tập trung vào việc nghiên cứu vấn đề gen kháng thuốc của các vi khuẩn, theo đó họ đã phân tích 18 mẫu đất từ các trang trại trên đồng cỏ ở các bang Minnesota và Michigan; Sau khi đã sàng lọc ra khoảng 3000 gen kháng thuốc và xác định phần mã di truyền của các gen này, họ đưa ra kết luận: Các vi khuẩn từ đất có rất nhiều gen kháng thuốc nhưng lại rất khó trao đổi (chia sẻ) với các vi khuẩn ở người. Muốn trao đổi (chia sẻ) gen kháng thuốc này với các vi khuẩn ở người chúng cần phải có “các yếu tố động”- các yếu tố có khả năng hoạt hóa để tham gia vào các phản ứng di truyền gen. Gen kháng thuốc của các vi khuẩn từ đất lại hiếm có “các yếu tố động” vì vậy, cho đến nay các nhà khoa học mới tìm thấy có 7 gen kháng thuốc của vi khuẩn của đất trao đổi ( chia sẻ) với vi khuẩn ở người. Nếu hiểu được tại sao sự di truyền gen kháng thuốc của vi khuẩn từ đất lại diễn ra rất chậm, và làm sao hiểu được cơ chế của sự làm chậm này thì con người sẽ có cách tác động làm cho sự di truyền gen kháng thuốc của các vi khuẩn ở người cũng diễn ra chậm hơn, từ đó sẽ làm chậm lại sự lây lan nhanh chóng các vi khuẩn kháng thuốc. Nói một cách khác thì qua việc tìm hiểu sự di truyền gen kháng thuốc của vi khuẩn từ đất sẽ tìm ra manh mối kìm chế sự kháng thuốc của các vi khuẩn ở người.

Dù các vi khuẩn kháng thuốc nhất là các vi khuẩn siêu kháng được mệnh danh là “hung hãn” nhưng tự thân chúng vẫn có các điểm yếu. Như đã trình bày ở trên, điểm yếu thứ nhất là vi khuẩn nào cũng có “bức tường bảo vệ” mới sống được nên việc tìm ra chất phá vỡ được bức tường bảo vệ đó thì khả năng kháng thuốc sẽ không còn. Điểm yếu thứ hai là bản thân các gen di truyền kháng thuốc của vi khuẩn từ đất có các mã rất khó trao đổi, nếu làm cho vi khuẩn ở người mang các mã này thì tốc độ lan truyền của vi khuẩn kháng thuốc cũng bị chậm lại. Điều này có nghĩa là vi khuẩn kháng thuốc vẫn có “gót chân Asin”; con người có thể đột phá vào các điểm yếu này để tìm các kháng sinh chống lại chúng. Do vậy, không nên bi quan cho rằng trong tương lai con người sẽ rơi vào thảm họa các bệnh nhiễm vì thiếu kháng sinh.

Theo science News 18/6 và 21/5/2014

 

 


Ý kiến của bạn