Phát biểu tại buổi làm việc về cho ý kiến bước đầu về tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH và những ý kiến nổi lên trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 9/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và trình Quốc hội thảo luận lần 2 về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) Lê Minh Ngân cho biết, qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
Các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; chế độ, quản lý sử dụng các loại đất; đất công ích, đất có công trình ngầm và quyền sử dụng khoảng không gian trên mặt đất…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sau thời hạn ngày 15/3 là ngày cuối cùng thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng hợp các ý kiến và gửi rất nhiều báo cáo về Bộ TNMT.
Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý dữ liệu nội dung từ việc lấy ý kiến nhân dân là rất lớn. Do đó nếu không có cách làm khoa học sẽ khó có thể tổng hợp, tiếp thu hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý và đề nghị các cơ quan cần có sự phân định các nhóm vấn đề để có phương án tiếp thu, giải trình.
Thảo luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, kết thúc đợt lấy ý kiến toàn dân này không có nghĩa là không lấy ý kiến góp ý về dự án Luật nữa mà vẫn tiếp tục có kênh để tiếp thu rộng rãi ý kiến nhân dân cả trong và ngoài nước, tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu giải trình các nội dung góp ý xây dựng Luật đến tận khi Quốc hội xem xét thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị có thêm đánh giá chung về kết quả tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm tổng hợp đầy đủ, kịp thời tiếp thu, giải trình của các cơ quan hữu quan.
Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, các nội dung được Chủ tịch Quốc hội đề cập là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, trong đó có những vấn đề khó thể chế, hoặc khó khả thi, hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục thảo luận, làm rõ; nhấn mạnh rằng đây là sản phẩm chung không phân biệt cơ quan Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, điều quan trọng là định hướng cách xử lý, các cơ quan cần đưa ra những góp ý cụ thể, cùng nhau trao đổi, phản biện để đưa ra được phương án tối ưu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định việc lấy ý kiến nhân dân cần được tiếp tục cho đến tận khi Quốc hội thông qua luật; việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất.
Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ nay đến khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân và các cơ quan hoàn thiện báo cáo tổng hợp là không còn nhiều, đòi hỏi phải nỗ lực khẩn trương hơn nữa với tinh thần tiến hành như một chiến dịch không kể ngày đêm; đồng thời lưu ý tiến độ quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiến hành tổng hợp đến đâu nghiên cứu có phương án tiếp thu, giải trình đến đó; cùng nhau bàn cách làm, tổng hợp ý kiến với tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, khách quan, vô tư, tôn trọng mọi ý kiến, gạn đục khơi trong, không để một ý kiến nào không được tổng hợp, không có ý kiến nào không được giải trình.