Mới đây, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa có báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Ban thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu, bằng nhiều hình thức, có phân loại đối tượng, phát huy tối đa sức mạnh của từng đối tượng lấy ý kiến; bảo đảm tính chuyên sâu, hiệu quả và chất lượng.
Theo đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; theo thống kê, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1.300.758 lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc, góp ý vào hầu hết các ý kiến của toàn bộ dự thảo. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân.
Cơ quan này cho biết, nhân dân bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng vào chủ trương lấy ý kiến toàn dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được gửi tới Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng còn có ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần thêm thời gian, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tuy cần thiết nhưng còn gấp gáp, không tránh khỏi tình trạng hình thức còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị.
"Để Luật Đất đai (sửa đổi) thực sự chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết 18 thì đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét có nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có thể lùi thời hạn thông qua để có thời gian nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo", Báo cáo nêu rõ.
Qua nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến của nhân dân, Ban Thường trực nhận thấy hiện vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18. Thậm chí nhiều điều luật trong dự thảo không mang tính quy phạm mà diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết, chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của từng chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai.
Cụ thể như "Về việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị", "Việc bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", "Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số", "Về bảo vệ lợi ích người sử dụng đất" và "Về tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất và quy định đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất".
Trong đó, về tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất và quy định đánh thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất, cơ quan này cho biết, một trong những quan điểm chỉ đạo tạo mục 2.5 Nghị quyết 18-NQ/TW đó là: Quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang.
Ban Thường trực của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, so với Luật Đất đai năm 2013 thì Khoản 1 Điều 147 dự thảo quy định các khoản thu tài chính từ đất đai bổ sung thêm khoản thu mới là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích.
Đối chiếu những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 18-NQ/TW thì dự thảo vẫn chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề là thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không thể hiện điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở… Quan điểm này được đông đảo nhân dân quan tâm nhưng hiện nay vẫn chưa được cụ thể hóa bởi quy định pháp luật trong dự thảo Luật.
Do đó, cơ quan này đề nghị đưa vào dự thảo Luật các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng được áp thuế bình thường, các trường hợp miễn giảm, xây dựng một hệ thống để thông báo cho người dân biết số tiền thuế họ đóng vào được dùng vào những việc gì, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác giám sát việc sử dụng thuế của nhà nước. Cùng với đó là những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống Trà Nóng Hay Lạnh Tốt Cho Sức Khỏe Hơn? I SKĐS