Góp thêm một tiếng tơ đồng

17-04-2016 11:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Tôi biết Hoàng Khoa tính đến nay đã tròn 20 năm. Với chúng tôi, để có thể gắn bó, đồng hành cùng nghệ thuật ca trù trong ngôi nhà chung...

Tôi biết Hoàng Khoa tính đến nay đã tròn 20 năm. Với chúng tôi, để có thể gắn bó, đồng hành cùng nghệ thuật ca trù trong ngôi nhà chung là Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng thì đó thực sự là một quãng thời gian dài với biết bao buồn vui của người nghệ sĩ.

Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Khoa chính tại gian nhà nhỏ nằm khuất sâu trong ngõ gần ngã tư Quán Bà Mau của nghệ nhân Trần Trọng Quế. Lúc đó tôi đang học lớp 12 trường THPT Thái Phiên, còn Hoàng Khoa đã là nhân viên trông xe của Trường đại học Hàng Hải. Tôi còn nhớ, nghệ nhân Trần Trọng Quế có nói với tôi rằng, cậu Khoa này cũng hoàn cảnh lắm, hết làm cắt tóc rồi xin đi bảo vệ, theo nghề này liệu cuộc sống rồi có được đủ đầy, sung túc?

Kép đàn Hoàng Khoa cùng đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ.

Vậy mà Hoàng Khoa - người trông xe xoàng xĩnh mà tôi đã gặp ngày ấy không những đã đeo đuổi theo nghề đằng đẵng 20 năm, góp công sức cùng các thành viên duy trì hoạt động của câu lạc bộ ca trù Hải Phòng mà còn tỏa sáng trong làng ca trù cả nước với ngón đàn điêu luyện, đầy nhạc cảm. Cây đàn đáy cần dài với 3 dây, 12 phím được chế tác thô sơ qua đôi tay của nghệ nhân Trần Trọng Quế đã giúp Hoàng Khoa tập những bản đàn đầu tiên. Dù chỉ là một hợp âm nhỏ nhưng cảm thấy đôi tai nghe chưa “vào”, còn chênh với phách hoặc còn thiếu chút gì đó không thể gọi thành lời thì chỉ còn cách miệt mài mà tập tiếp, tập khi nào ra được cái gọi là “Ba dây dẫn sóng trăm sông về nguồn” (thơ Hoài Phương) mới thôi. Từng bước, từ những bản đàn ngắn theo 5 khổ phách đến các bản dài cho các thể cách ca trù như Bắc phản, Hát nói, Thổng, 36 giọng, Thét nhạc, Hát giai, Huê tình... Hoàng Khoa đã luyện thuần thục các ngón đàn cơ bản và có thể hợp luyện với ca nương mới cũng như đệm cho các nghệ nhân Nguyễn Thị Chín, Đào Thị Thẩm.

Gần chục năm làm đủ thứ nghề kiếm sống, Hoàng Khoa đã nuôi dưỡng tình yêu với cây đàn đáy của mình một cách bền bỉ và nhiều nỗ lực. Nghệ nhân Nguyễn Hãn lúc còn sống khi nghe đàn từng nhận xét: “Tiếng đàn của Khoa đã vượt thoát khỏi những khuôn khổ mà các thầy dạy để đạt tới trình độ cao hơn, tiếng đàn tinh tế hơn và “màu” hơn. Tâm tư của người đàn rất quan trọng, dù chiếc đàn có tinh xảo, cầu kỳ bao nhiêu nhưng không có người biết gảy, biết nhấn nhá chạy ngón và hơn hết là đặt cảm xạ của mình vào cây đàn thì nó chỉ là những mảnh gỗ tầm thường được ghép lại vụng về, vô dụng mà thôi”.

Tiếp thu những tinh túy mà các thầy truyền dạy, anh đồng thời tìm đọc các cuốn sách có đề cập đến ca trù cổ và cây đàn đáy để tìm lối đi cho riêng mình. Đọc thì hiểu đấy, cảm được đấy..., nhưng làm thế nào để biến nó trở thành máu thịt của mình, để mười ngón tay mỗi lần chạm đến cây đàn lại có thể “gọi” ra những thanh âm tuyệt vời ấy đâu phải điều đơn giản. Tôi vẫn luôn lưu giữ trong lòng hình ảnh người bạn của tôi sau những sấp ngửa trong canh hát hầu tại các phủ điện, đền thờ nào đó lại vội vàng phóng xe máy gần trăm cây số về Tứ Kỳ, Hải Dương để được nghe, được học tiếng đàn của đệ nhất danh cầm Nguyễn Phú Đẹ. Hay có lúc anh lang thang cả tháng trời tại Hà Nội để gặp gỡ các nhà nghiên cứu, các kép đàn có tiếng để xin được thu âm, được nghe các bản đàn và nhìn cách chạy ngón, cách vẩy dây của họ để tự so sánh, rút kinh nghiệm cho mình. Khoa cũng là người chịu đầu tư để có được những cây đàn tốt, phù hợp với phong cách của anh cũng như giọng hát của các ca nương trong câu lạc bộ.

Từng cùng Khoa đến thăm nhà nghệ nhân đàn nguyệt Kim Sinh, tôi chứng kiến cảnh người nghệ nhân già trìu mến gọi Khoa là con rồi tận tình nắn gân đàn, chỉ bảo cách chạy ngón sao cho nhuyễn, nảy tiếng sao cho ngọt. Trên đường về, Khoa bảo, nghệ nhân Kim Sinh đã cho anh một bài học cuộc sống. Người nghệ sĩ mù tài hoa đã mang cây đàn nguyệt đến với thế giới và khiến cho âm nhạc ngũ cung Việt Nam tỏa sáng. Dù phải trải qua không ít đắng cay, cơ hàn để tính kế mưu sinh bằng nghề mà vẫn giữ được tay đàn không tòng theo lòng người có tiền, vẫn nhẩn nha, tùng tếnh đầy thi vị. Có lẽ lòng yêu nghề đã tạo nên sức mạnh giúp ông vật lộn với đời để tồn tại, nuôi lớn mười người con trưởng thành, truyền nghề cho biết bao thế hệ nghệ sĩ trẻ và hơn hết là để được công nhận là một bậc kỳ tài cổ nhạc nổi tiếng Bắc Kỳ trong hơn nửa thế kỷ qua.

Hiện nay, Hoàng Khoa cùng ca nương Thu Hằng tập trung nghiên cứu và luyện tập các bản ca trù cổ có nguy cơ mai một.

Hai mươi năm buồn vui cùng giọng đàn, tiếng phách là hai mươi năm sống có trước có sau với thầy, với bạn, là hai mươi năm gắn bó chân thành, tình nghĩa với anh chị em trong câu lạc bộ. Có đôi lúc một vài người chưa thật hiểu Hoàng Khoa. Trong con người ấy đồng thời tồn tại chất tài tử, đắm đuối với nghề của người nghệ sĩ, có sự thực tế, chân thành của một người đã trải qua những khó khăn của cuộc sống và cũng lắm lúc “đỏng đảnh” theo kiểu “con nhang đệ tử ăn lộc nơi Tứ phủ”. Nói một cách bóng bẩy hơn thì người cũng giống như đàn, nếu cây đàn đáy mang tính chất

khiêm tốn, nhũn nhặn của tiếng đàn trong khi đệm cho hát, có người đã ví đàn đáy như một “triết gia ẩn dật” thì cây đàn nguyệt lại có âm điệu rộn rã, lảnh lót, có lúc đáo để hờn dỗi và màu âm phong phú, nhấn nhá nhiều hơn. Với tôi, Hoàng Khoa chính là sự tổng hợp của hai cây đàn ấy. Và điều cốt lõi là cái bản thể nghệ sĩ trong anh luôn tràn đầy khiến người ta sẽ vì thế mà thể tất những điều chưa hoàn thiện ở anh.

Sở hữu 5 Huy chương Vàng tại các kỳ hội diễn ca trù toàn quốc cùng nhiều bằng khen, giấy khen cho những cống hiến của mình trong nghệ thuật ca trù, nhưng Hoàng Khoa vẫn cảm thấy những điều mình đang có chưa thật hay, chưa thật đầy đủ. Được sự ủng hộ của NSƯT Đỗ Quyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng, mấy năm qua anh và ca nương Thu Hằng tập trung nghiên cứu các bản đàn, bản phách theo đúng chuẩn của lề lối ca trù cổ và phương pháp truyền dạy sao cho khoa học và đạt hiệu quả cao nhất. Những khuôn khổ, lòng bản của nghệ thuật đệm hát lối đàn hát khuôn và hát hàng hoa được học hỏi từ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ và NSƯT Phó Thị Kim Đức đã được Thu Hằng và Hoàng Khoa thể nghiệm qua giọng hát, tay đàn của mình rồi ghi chép lại cẩn thận để có thể sớm hình thành một cách truyền dạy riêng có của ca trù Hải Phòng.

Mới đây nhất, trong canh hát cửa đình lần đầu tiên được phục dựng tại đình Hàng Kênh do Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng thực hiện, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ - người góp sức rất lớn trong việc truyền lại cho Câu lạc bộ Ca trù Hải Phòng những nghi thức, lề lối hát cửa đình bị thất truyền hàng chục năm qua đã vô cùng xúc động khi thấy học sinh của mình “mười phần đã đạt 7, 8 phần”. Tiếng đàn giao hòa của danh cầm đất Bắc tuổi 92 và kép đàn trẻ xứ Đông Hoàng Khoa đã mang lại cho người nghe cảm giác như đang được trở về không gian cổ kính, tinh hoa của ngày xưa.

Hoàng Khoa, với tay đàn khiêm cung, nhiều đột phá đã góp thêm một tiếng tơ trong dàn nhạc dân tộc đa thanh, đa sắc của Việt Nam. Và sẽ không quá lời khi nói, Hoàng Khoa cũng là người mang nặng “nghiệp” ca trù.


Bài, ảnh: Tuệ Lâm
Ý kiến của bạn