Góp phần làm xã hội văn minh, nhân văn hơn

30-11-2011 15:22 | Tin nóng y tế
google news

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội (CTXH) đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, CTXH mới chỉ bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng nghĩa của nó trên tất cả khía cạnh.

Đối với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội (CTXH) đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, CTXH mới chỉ bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng nghĩa của nó trên tất cả khía cạnh. CTXH hiện là một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng và đang giành được nhiều sự quan tâm của nhiều nhà xã hội học cũng như của các nhà nghiên cứu và các cấp lãnh đạo.

Giúp những người yếu thế

Nghề CTXH là những người làm công việc giúp đỡ nhóm người yếu thế trong xã hội như: người già không có khả năng nuôi sống bản thân, người tàn tật gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và công việc, trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ, người nghèo không có khả năng cho con cái đi học, không có cơ hội về vốn để làm ăn... trong đó những trường hợp người bệnh nhiễm HIV/AIDS không may phải điều trị nhưng bị gia đình ruồng bỏ, không người chăm sóc và cả không có khả năng kinh tế để điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Theo các chuyên gia nước ngoài đánh giá, nhu cầu về CTXH tại Việt Nam là rất lớn và cần được lưu tâm, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc các yếu tố về bối cảnh thực tế tại Việt Nam. Thứ nhất, hệ thống y tế tại Việt Nam chưa có cơ sở hạ tầng và nguồn lực cần có như những nước có nghề CTXH phát triển khác. Thứ hai, giai đoạn chuyên nghiệp hóa nghề CTXH ở Việt Nam cũng chưa ở mức cao như các nước châu Âu, Bắc Mỹ...

Thực tế tại nước ta có nhiều người già cô đơn không có khả năng nuôi sống bản thân, những người tàn tật, trẻ em mồ côi lang thang cơ nhỡ, những người nghèo... trong đó những trường hợp người bệnh nhiễm HIV/AIDS phải điều trị nhưng bị gia đình ruồng bỏ, không người chăm sóc và cả không có khả năng kinh tế để điều trị và chăm sóc sức khỏe. Đó là những đối tượng cần được người làm nghề CTXH quan tâm và chăm sóc. Do vậy, ngành CTXH cần được phát triển để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.

 Chăm sóc bệnh nhân HIV. Ảnh: TM

Người nhiễm HIV, đối tượng cần

sự quan tâm của CTXH

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2010, Việt Nam có khoảng trên 300.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 10.000 người tử vong do chuyển giai đoạn AIDS. Nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Việt Đức, trung tâm đầu ngành về ngoại khoa của cả nước, những năm gần đây mỗi năm khám gần 100.000 người bệnh, phẫu thuật trên 35.000 bệnh nhân, chủ yếu là các bệnh nhân nặng, có biến chứng và chấn thương do tuyến dưới chuyển đến, trong đó mỗi năm số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đến khám và điều trị khoảng 400 trường hợp, một nửa trong số đó phải nhập viện. Các bệnh nhân này đa số là do chấn thương như chấn thương sọ não, gãy xương chi... do TNGT, tai nạn sinh hoạt...
 
Bên cạnh đó, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đến điều trị phẫu thuật do bệnh lý, đặc biệt là biến chứng do tiêm chích như phình mạch vỡ cũng chiếm tỷ lệ lớn. Các bệnh nhân hầu hết là nam giới, độ tuổi từ 20 - 35 chiếm đa số. Trong số này có nhiều trường hợp gia đình chối bỏ, không có bảo hiểm y tế, khó khăn về mặt kinh tế. Nhiều trường hợp phải dựa chủ yếu vào sự chăm sóc của nhân viên y tế trong quá trình nằm viện, tạo thêm khó khăn cho quá trình điều trị chuyên môn cho nhân viên y tế. Bản thân người bệnh cũng mặc cảm về bệnh tật của mình, ngại giao tiếp với nhân viên y tế... Có trường hợp người bệnh nhiễm HIV/AIDS được gia đình “thuê” người chăm sóc.
 
Những người “chăm sóc” bệnh nhân tuy có mặt lợi là giúp cho những gia đình không có điều kiện chăm sóc bệnh nhân, tận tình công việc do được trả lương... nhưng họ hầu hết không có kỹ năng làm CTXH và giao tiếp cũng như kiến thức chuyên môn cần thiết trong chăm sóc bệnh nhân và phòng hộ cần thiết khi chăm sóc bệnh nhân tránh nguy cơ lây nhiễm cho mình. Thực tế là nhiều bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện lớn tại các thành phố luôn có đội ngũ “chuyên nghiệp” chăm sóc bệnh nhân thường trực, có thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh khi họ có nhu cầu. Tuy nhiên, không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra quản lý nên không kiểm soát được chất lượng cũng như tư cách của họ nên có thể xảy ra những việc đáng tiếc về an ninh trong bệnh viện.

Để trở thành người làm CTXH trong việc chăm sóc bệnh nhân, ngoài việc đào tạo kỹ năng chăm sóc bệnh nhân, các mối quan hệ xã hội thì người làm nghề CTXH, đặc biệt khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV cần phải được đào tạo về: Kiến thức cơ bản về bệnh lý HIV/AIDS cũng như hiểu biết việc điều trị lâu dài và các quá trình diễn biến của bệnh qua các giai đoạn, việc điều trị tạm thời hay dứt điểm theo từng giai đoạn bệnh; Tâm sinh lý của người bệnh nhiễm HIV; Hiểu biết cơ chế lây nhiễm, các biện pháp phòng ngừa bản thân và cho người thân của bệnh nhân trong quá trình chăm sóc bệnh nhân…

Nghề CTXH hiện là ngành mới đào tạo ở Việt Nam, ngành này cũng đòi hỏi sự dấn thân, kỹ năng và vốn sống..., có như vậy, nghề CTHX mới tạo được hiệu quả, đóng góp vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân nhiễm HIV nói riêng, của bệnh nhân nói chung, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, cải thiện hệ thống y tế. Công việc của những người làm nghề CTXH còn mang ý nghĩa nhân đạo, làm cho xã hội càng được văn minh.    

TS.Nguyễn Đức Chính


Ý kiến của bạn