Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) tại các địa phương và cơ sở thời gian qua đã cho thấy những hiệu quả bước đầu. Cái lợi đã không chỉ thuộc về cơ sở y tế khi tinh giản được nhiều thủ tục giấy tờ nhờ CNTT, đẩy nhanh thủ tục hành chính trong thanh toán BHYT, giám sát Quỹ BHYT... mà chính người bệnh cũng được hưởng lợi, khi ở nhà người bệnh cũng có thể gửi tin nhắn để đặt lịch khám, lấy số khám; rồi những ca bệnh ở địa phương vùng sâu, vùng xa đã được nhanh chóng hội chẩn cùng các chuyên gia tuyến trên để kịp thời cứu bệnh nhân...
Bệnh nhân tuyến dưới được giáo sư tuyến Trung ương hội chẩn từ xa
Những thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện tin học hóa trong quản lý KCB và thanh toán BHYT năm 2016, xây dựng kế hoạch năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức ngày 29/12. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong năm 2016, công tác tin học hóa KCB và thanh toán BHYT đã đạt được một số kết quả nổi bật. Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã xây dựng và ban hành mô hình kiến trúc tổng thể về hệ thống thông tin KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để triển khai các hoạt động về tin học hóa trong BHYT một cách khoa học và có kế hoạch. Các Sở Y tế, cơ sở KCB tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã cũng đồng hành với Bộ Y tế và tích cực thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong quản lý KCB.
Trong thời gian tới, dữ liệu trong khám chữa bệnh BHYT sẽ được kết nối trên toàn quốc.
Theo số liệu báo cáo của các sở y tế và báo cáo của BHXH Việt Nam, trên cả nước hiện có 12.719 cơ sở KCB ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH... Đến 15/12/2016, cả nước có 12.653/12.719 cơ sở KCB thực hiện được kết nối liên thông dữ liệu đạt 99,48%.
Từ thực tế hiện nay cho thấy nhờ ứng dụng CNTT, Bộ Y tế đã chỉ đạo một số BV tuyến TW triển khai Telemedicine, hỗ trợ các BV vệ tinh ở tuyến tỉnh, tuyến huyện bước đầu có kết quả rất khả quan. Các BV Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Nhi TW, Phụ sản TW, Chợ Rẫy đã thường xuyên hội chẩn trong KCB cho một số BV tuyến tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả cấp cứu, phẫu thuật của các BV vệ tinh. Hệ thống Telemedicine đi vào hoạt động góp phần xử lý kịp thời các ca bệnh khó, các tình huống bệnh nguy kịch, hiểm nghèo cần xử lý gấp mà không kịp chuyển lên BV tuyến trên, đặc biệt là tại các BV vùng biên giới, hải đảo, nằm cách xa trung tâm. Bệnh nhân ở các BV tuyến huyện vẫn có thể được các giáo sư, bác sĩ giỏi đầu ngành từ các BV hàng đầu tuyến Trung ương, các thầy thuốc tại tuyến tỉnh tư vấn, hội chẩn, KCB từ xa. Người bệnh và gia đình không phải mất thêm nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở khi phải chuyển viện lên tuyến trên; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên...
Thống nhất chuẩn đầu ra dữ liệu giữa ngành y tế và BHXH
Mặc dù có những kết quả đáng ghi nhận, song tại hội nghị, ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cũng thẳng thắn chia sẻ, tồn tại của việc triển khai kết nối liên thông giữa cơ sở KCB với cơ quan quản lý và BHXH là chuẩn hóa dữ liệu danh mục dùng chung tại cơ sở y tế đang gặp khó khăn vì nhân lực thiếu, cách hiểu khác nhau, bộ mã danh mục dùng chung của Bộ đưa ra chưa đầy đủ nhất là danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục vật tư y tế và danh mục tân dược. Để thực hiện yêu cầu kết nối liên thông nhiều cơ sở KCB phải thay mới hoặc nâng cấp phần mềm quản lý BV hoặc phần mềm quản lý viện phí. Điều này gây áp lực cho cán bộ y tế trong việc thích ứng với phần mềm mới.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, khó khăn chung trong ứng dụng CNTT của ngành y tế là hạ tầng chung của ngành y tế còn nhiều yếu kém; chưa có trung tâm dữ liệu y tế quốc gia; chưa có hệ thống đường truyền kết nối ngành y tế; nhiều dịch vụ kèm theo chưa có (hệ thống quản lý chữ ký số dùng trong y tế, quản lý định dạng cho từng cơ sở KCB). Do đó, tại hội nghị, Bộ Y tế đề nghị cơ quan BHXH, tiếp tục phối hợp để triển khai thống nhất, đồng bộ KCB BHYT điện tử theo lộ trình, cụ thể với Bộ Y tế. Thống nhất chuẩn đầu ra dữ liệu, đồng bộ danh mục dùng chung với hệ thống thông tin KCB BHYT của Bộ Y tế để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại...
Về phía các cơ sở KCB, lãnh đạo Vụ BHYT đề nghị các cơ sở KCB BHYT cập nhật đầy đủ mã và tên thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế theo danh mục dùng chung điện tử vào phần mềm quản lý KCB, điều chỉnh phần mềm để kết xuất dữ liệu đúng quy định của Bộ Y tế; cung cấp đầy đủ thông tin về chỉ định, kết quả điều trị ngay khi người bệnh BHYT ra viện để quản lý việc KCB BHYT...
Trong thời gian tới, dữ liệu trong khám chữa bệnh BHYT sẽ được kết nối trên toàn quốc.