Trong những năm vừa qua, tình trạng quá tải bệnh viện luôn là vấn đề nóng của ngành y tế và được dư luận xã hội, nhân dân và Chính phủ quan tâm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến quá tải bệnh viện, trong số đó phải kể đến: nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của người dân ngày càng được nâng lên, các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới chưa có khả năng cung cấp đầy đủ các dịch vụ theo quy định của Bộ Y tế và phù hợp với nhu cầu của người dân, sự hạn chế về năng lực cung ứng dịch vụ ở tuyến cơ sở và các bệnh viện tuyến dưới, không đảm bảo công tác chăm sóc, tư vấn và khám chữa bệnh, các bác sĩ giỏi được đào tạo bài bản ở các trường đại học lớn trong và ngoài nước thì không về tuyến tỉnh làm việc, tập trung nhiều ở tuyến Trung ương...
Hình ảnh quá tải bệnh viện.
Để giải quyết được vấn đề quá tải đòi hỏi một giải pháp đồng bộ từ chính sách cho đến trang thiết bị, nhân lực, kinh phí... và cần phải có nhiều thời gian. Tại Thái Nguyên một mô hình đang thực hiện, bước đầu đã mang lại kết quả tốt đẹp, đó là mô hình bác sĩ của bệnh viện tuyến Trung ương về khám bệnh cho người dân tại tỉnh vào những ngày nghỉ cuối tuần.
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi khu vực phía Bắc, tại đây có các trường đại học về y dược, đào tạo cán bộ y tế cho các tỉnh và là trung tâm y tế của khu vực này. Tuy nhiên, rất nhiều người dân, đặc biệt những người có điều kiện kinh tế khá giả thường đi về Hà Nội khám chữa bệnh tự nguyện tất cả các chuyên khoa từ sản, nhi cho đến nội khoa, ngoại khoa, ung thư... Thái Nguyên đã hình thành những dịch vụ đưa đón người đi khám bệnh hàng ngày ở Hà Nội. Tình trạng này đã góp phần làm quá tải cho các bệnh viện tại tuyến Trung ương.
Trước thực trạng đó, tại Thái Nguyên đã hình thành mô hình phòng khám bằng cách phối hợp với một bệnh viện tư nhân của tỉnh, sử dụng trang thiết bị, đội ngũ y tá và điều dưỡng sẵn có của bệnh viện để hỗ trợ cho công tác khám và chẩn đoán bệnh. Phương tiện chẩn đoán tại chỗ chủ yếu là xét nghiệm máu, siêu âm và chọc hút tế bào. Những trường hợp nghi ngờ cần phải làm xét nghiệm chuyên sâu thì sẽ chuyển đến cơ sở phù hợp tại tỉnh hoặc Hà Nội. Bác sĩ thực hiện thăm khám sẽ là bác sĩ của bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội. Tùy theo nhu cầu khám của khách hàng mà sẽ bố trí bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Các khách hàng (bệnh nhân) sẽ đặt lịch hẹn khám theo giờ bằng cách gọi điện thoại hoặc email để được khám vào ngày cuối tuần.
Bước đầu đã cho kết quả khả quan. Lượng khách hàng đăng ký vừa đủ với khả năng làm việc của bác sĩ theo lịch, nhiều bệnh nhân từ các tỉnh lân cận đã đến phòng khám do được giới thiệu, bệnh nhân thấy hài lòng và phấn khởi khi được nhận dịch vụ y tế có chất lượng, giá cả hợp lý mà thuận tiện. Hầu hết những bệnh nhân đó đã giới thiệu người thân, quen của mình đi khám kiểm tra, thậm chí có cả bệnh nhân từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến khám. Đã có rất nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh, chủ yếu là các khối u (vú, tuyến giáp, gan), tình trạng viêm gan do rượu, rối loạn chuyển hóa mỡ, đã phát hiện được những ca ung thư (gan, tiền liệt tuyến)... Nhiều bệnh nhân đã bày tỏ sự cảm ơn đối với bác sĩ và mong muốn được theo dõi sức khỏe thường xuyên tại đó. Về lâu dài, từ mô hình này sẽ nhân rộng ở địa phương, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh tại tỉnh và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Hiện nay, mô hình này đã được triển khai thành công ở nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An... nhưng mới chỉ mang tính chất cá nhân, nhỏ lẻ. Theo chúng tôi, đây là mô hình dễ thực hiện, có thể bắt đầu triển khai trong thời gian ngắn, tận dụng được vai trò đóng góp của các cá nhân, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho nhân dân.
ThS. BS. Ngọc Lâm