Hà Nội

'Gộp ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là điều người lao động mong chờ'

05-04-2024 10:18 | Xã hội
google news

SKĐS - Chuyên gia cho rằng, đề xuất gộp ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 thành kỳ nghỉ 5 ngày sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi. Người lao động có thể về quê, đi du lịch, thăm bạn bè, hoặc đơn giản là ở nhà nghỉ ngơi...

Tin vui cho người dân đi tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5Tin vui cho người dân đi tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

SKĐS - Một tin vui cho người dân đi tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là vé tàu đã được mở bán với nhiều ưu đãi, giảm giá.

Nhiều ý kiến ủng hộ gộp ngày nghỉ lễ

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi các cơ quan liên quan lấy ý kiến về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5, để người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2024, dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 có ngày 29/4/2024 (thứ Hai) nằm giữa ngày nghỉ lễ và ngày nghỉ theo quy định hằng tuần.

Do đó, có ý kiến đề xuất hoán đổi ngày làm việc bình thường (ngày 29/4/2024) và làm bù sang ngày khác để dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 1/5 năm 2024 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng việc này giúp kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, việc hoán đổi này cũng không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Do đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hoán đổi thời gian làm việc nêu trên.

'Gộp ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là điều người lao động mong chờ'- Ảnh 2.

Nhiều người ủng hộ đề xuất nghỉ gộp để kéo dài kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Trước thông tin trên, không ít người lao động ủng hộ đề xuất này. Theo chuyên gia tâm lý Phạm Thu Hương, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc hoán đổi để tạo điều kiện cho người lao động nghỉ 5 ngày liên tục là rất thiết thực, phù hợp. Việc nghỉ 5 ngày liên tục giúp người lao động có thời gian để đi du lịch, thăm thân và như vậy sẽ kích cầu du lịch và tiêu dùng xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi việc hoán đổi không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Việc nghỉ 5 ngày liên tục giúp người lao động có thời gian dài nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động điều này cũng giúp nâng năng suất lao động toàn xã hội. Bởi nếu nghỉ 1 ngày xong làm tiếp 1 ngày, rồi lại nghỉ 2 ngày thì chắc chắn hiệu quả, năng suất lao động sẽ không cao, đôi khi lại gây thêm tốn kém, lãng phí, nhất là các công trình xây dựng, sản xuất theo dây chuyền, nhiều khâu, nhiều công đoạn. Kể cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng không hiệu quả do khó tập trung trí tuệ, sức lực để có công trình, sản phẩm nghiên cứu tốt vì thời gian ngắt quãng.

Đi làm trong thấp thỏm thì hiệu suất sao được!

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng rất đồng tình với đề xuất này của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Ông cho rằng việc người lao động được nghỉ gộp như vậy sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi. Người lao động có thể về quê, đi du lịch, thăm bạn bè, hoặc đơn giản là ở nhà nghỉ ngơi.

Gia đình cha mẹ, con cái có dịp để quây quần bên nhau trong kỳ nghỉ dài, tạo ra sự gắn kết, trẻ em được chơi sau những giờ học căng thẳng... là điều rất đáng quý. Còn nếu không được nghỉ gộp mà đi làm 1 ngày rồi lại nghỉ 2 ngày sẽ rất dở. Khi đó, người dân muốn đi du lịch không được, mà nghỉ ở nhà cũng không xong do thời gian nghỉ bị gián đoạn.

Nói về khả năng ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của người lao động khi kỳ nghỉ kéo dài, ông Nguyễn Túc nói: "Trong trường hợp này thì đi làm chưa chắc đã tạo ra hiệu quả tốt hơn là cho nghỉ. Bởi người ta đi làm mà cứ thấp thỏm lo lắng, nghĩ xem ngày mai nghỉ thì làm gì, đi đâu cho phù hợp trong khi kỳ nghỉ kiểu lỡ dở như thế. Đi làm như vậy thì hiệu suất sao được. Chi bằng để họ được nghỉ ngơi một kỷ nghỉ đúng nghĩa, sau đó trở lại với công việc bằng tinh thần phấn chấn, sức khỏe dồi dào... thì hiệu suất sẽ cao hơn nhiều chứ".

Bên cạnh đó, có một thực tế rõ ràng là ngoài những ngày nghỉ đúng luật, người lao động được nghỉ thêm, đồng nghĩa phải làm bù vào ngày khác để đảm bảo đủ số ngày lao động theo luật. Theo quy định thì trong dịp nghỉ lễ, các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ phải bố trí cán bộ, công chức, viên chức trực để giải quyết công việc, phục vụ tốt nhân dân và triển khai nghiêm túc việc đi làm bù. Đó còn chưa kể, đối với các cơ quan Nhà nước liên quan tới hoạt động tiếp dân, dịch vụ công thì vẫn phải có người làm việc bình thường trong những ngày nghỉ, do vậy DN cũng không cần quá lo lắng vì không có người xử lý công việc.

Bên cạnh đó, việc đồng ý cho người lao động nghỉ dài ngày cũng được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố trước một thời gian giúp doanh nghiệp có kế hoạch sắp xếp nhân công, hoặc có kế hoạch sản xuất chứ không phải "đột xuất" gây khó cho doanh nghiệp. Còn việc đôi lúc, đôi chỗ công chức, viên chức bị ảnh hưởng tâm lý trước, sau nghỉ lễ cũng là điều dễ hiểu, có thể thông cảm.

Không vì chuyện nghỉ dài ngày mà nhà máy, công xưởng phải đóng cửa. Thực tế cho thấy, hiện người lao động, đặc biệt là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những công nhân lao động thủ công, thường xuyên phải làm việc với cường độ cao, rất vất vả, có khi phải làm cả ca ba do vậy hơn ai hết họ rất cần được nghỉ ngơi để có sức khỏe lao động. Do vậy nếu nói nghỉ lễ nhiều tạo tâm lý ỷ lại của công chức, viên chức, người lao động là chưa thực sự khách quan.

Ngoài ra, hiện Luật Lao động của nước ta cũng đang hướng tới mục tiêu giúp người lao động có chất lượng sống cao hơn, mà một trong số các tiêu chí là thời gian nghỉ dưỡng của công chức, viên chức, người lao động nhiều hơn. Do vậy quy định nào khiến người lao động được hưởng lợi nhiều hơn thì cũng là điều nên làm.

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, mỗi năm người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết và được hưởng nguyên lương. Cụ thể: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 Dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 Dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 Âm lịch). Nếu những ngày nghỉ này trùng vào ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ theo quy định.

Liên tiếp tin vui cho người dân đi tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5Liên tiếp tin vui cho người dân đi tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

SKĐS - Thêm một tin vui cho người dân đi tàu hỏa dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là ngành đường sắt sẽ tăng cường nhiều chuyến tàu phục vụ hành khách.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 5/4: Diễn biến đợt không khí lạnh mới sắp tràn về miền Bắc | SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn