Trong đó Bộ Tư pháp nước này cáo buộc Google đã lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số, gây thiệt hại cho các nhà xuất bản tin tức và làm giảm tính cạnh tranh trong ngành.
Vụ kiện này là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ lớn. Trước đó, vào tháng 8, Google đã thua một vụ kiện khác khi bị kết tội độc quyền thị trường tìm kiếm.
Trong khi vụ kiện trước đó tập trung vào công cụ tìm kiếm Google, vụ kiện mới này sẽ đi sâu vào hệ thống quảng cáo phức tạp của công ty. Google đã xây dựng một đế chế quảng cáo khổng lồ, chiếm hơn 75% trong tổng số 307,4 tỷ USD doanh thu của công ty . Hệ thống này kết nối các nhà xuất bản trang web với các nhà quảng cáo, tạo ra một vòng luân chuyển tiền khổng lồ.
Bộ Tư pháp cáo buộc Google đã lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường máy chủ quảng cáo với tỷ lệ chiếm lĩnh là 91%, mạng quảng cáo và trao đổi quảng cáo chiếm lĩnh 85%, qua đó loại bỏ sự cạnh tranh và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ hơn.
Tuy nhiên, Google đã bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng họ không vi phạm luật chống độc quyền và các sản phẩm của họ vẫn có thể tương tác với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Công ty khẳng định rằng thị phần của họ không lớn như Bộ Tư pháp cáo buộc, chỉ chiếm khoảng 30% và cho rằng cạnh tranh trong ngành quảng cáo vẫn rất khốc liệt.
Vụ kiện chống độc quyền đối với Google cũng đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của ngành báo chí. Việc Google thống trị thị trường quảng cáo đã khiến nhiều tờ báo phải đóng cửa hoặc bán lại. Bộ Tư pháp cho rằng sự tập trung quá lớn quyền lực trong tay Google đã làm suy yếu đa dạng hóa nguồn tin và gây hại cho người tiêu dùng.