Bố tôi sống thọ, trên 80 tuổi là mốc đáng mơ ước với nhiều người, hơn nữa ông là người nghiện thuốc lâu năm, không bao giờ tỏ ra khỏe mạnh… ngay cả khi còn trẻ. Hai năm cuối căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hành hạ ông triền miên. Mỗi đợt gió mùa đông bắc, khi thời tiết nồm ẩm, ông thở như cá ở trên cạn. Thuốc men, oxy, thực phẩm chức năng chất quanh giường bệnh của ông nhưng rồi câu “sinh có hạn, tử bất kỳ” hóa ra luôn đúng. Không thể níu giữ, vô vọng… chúng tôi đành chia tay ông.
Chàng trai thư sinh, con một thầy lang phố huyện, mẹ mất sớm không kịp nuôi cháo sữa gì nhiều… Không bao giờ ông nặng quá 50 cân. Cái cơ bắp, xốc vác mà ông không thể có đã chui hết vào trong trở thành cuộc sống nội tâm, tâm hồn, tình cảm… Ông trở thành người sống duy tình, đa cảm, có tâm hồn, kín đáo. Học ở trường y ông mê cách vẽ phác của các thầy giải phẫu. Mê và học theo được đầu tiên là năng khiếu rồi sau này thành phẩm chất do tôi luyện mà thành. Ông vẽ tổn thương mắt, hình giải phẫu đẹp và sáng sủa. Thỉnh thoảng vẫn có bệnh nhân lưu được sổ y bạ của ông có hình vẽ tổn thương đáy mắt. Bức họa giải phẫu ông dạy chúng tôi lúc vào nghề không quá phức tạp hay màu mè, chúng đủ để ứng dụng lâm sàng và cắt lớp rất thông minh. Giải phẫu học theo từng lát cắt hay lớp nang là cách nắm vấn đề thực tế và dễ nhớ nhất.
Thủa chúng tôi là con nít ông còn cao hứng vẽ chân dung chúng tôi, bốn đứa con của ông, vẽ con chuột và ngỗng bằng một đường duy nhất, liên tục rất ngộ nghĩnh và đáng yêu khiến tôi cười khanh khách. Thời không có máy ảnh, máy tính ông là người trang trí cho bảng thông tin của bệnh viện, lo pano áp-phích cho cả những hội nghị lớn của ngành và bệnh viện… vất vả và kỳ công lắm thay. Chẳng biết họ còn những ai nhưng những ông bạn của bố ở xưởng phim đèn chiếu, các họa sĩ nghiệp dư vẽ bò trên đất suốt đêm khiến tôi nhớ đến tận bây giờ.
Đam mê âm nhạc cũng là một khoảng lớn trong tâm hồn ông. Thủa là sinh viên y ngoài việc học ngoại ngữ buổi tối ông còn học violon. Từ violon ông có tay đàn tốt có thể chơi cả mandolin. Trong những người thầy đầu tiên của ông có anh em ông Kỳ, ông Quỹ … nổi tiếng ở làng nhạc cổ điển cho đến tận bây giờ. Ai cũng chỉ công nhận ông là tay chơi nghiệp dư nhưng theo tôi là loại khá bởi vì ông đã chơi cho Câu lạc bộ Đoàn kết, phục vụ khiêu vũ thời nhân văn giai phẩm…Miếng cơm manh áo, sức khỏe kém, đông con thì mang thêm cây đàn và tình yêu âm nhạc làm gì cho mệt? Vậy mà ông vẫn yêu, chơi violon cả trong những đêm mất điện nóng bức thời bao cấp. Cái áo may ô thủng lỗ chỗ như tổ ong, chiếc khăn mùi xoa kê cằm đón mồ hôi, mắt nhắm lim dim đu đưa cùng với cây đàn… ông thấy khổ hay sướng, chỉ ông mới biết.
Khi chúng tôi đã có nhà mới, kinh tế khá hơn ông tự bỏ tiền lương hưu mua thêm một cây đàn mandolin và một chiếc violon mới coong. Tiếng đàn đã yếu đi nhiều, va dây liên tục… Kệ thôi, ông vẫn chơi để cho mình, cho những hoài niệm xa xưa, giúp vui cho mấy đứa cháu đến chơi… Đàn dư thừa để đó nhưng chẳng đứa cháu nội ngoại nào muốn học chơi, chúng đi học thêm rồi ra nước ngoài du học cả. Hai năm cuối ông nằm giường bệnh ông không chơi đàn được nữa, kho CD nhạc cổ điển của tôi phục vụ ông dưỡng bệnh, có lúc nước mắt của ông ướt khóe mi và mắt khép hờ, ông tiếc nhớ gì không biết còn tôi chỉ tiếc nhớ ông.
Bác sĩ khám mắt cho bệnh nhân.
Thơ ca, văn chương, sử sách mỗi thứ ông đam mê thêm một chút. Ông hay trích dẫn thơ, đặc biệt là thơ Hán, thơ tình rồi thơ cách mạng sau này. Có lần tôi hỏi ông có sổ thơ tự sáng tác không? Ông cười buồn mà rằng: hồi sinh viên có, sau thấy vợ con nheo nhóc khổ sở quá nên đã đốt đi và thề là không thơ thẩn gì nữa. Tội nghiệp ông vẫn yêu thơ mà phải đốt bỏ thơ đi. Cuốn sách “Đôi mắt là ngọc” của ông có câu vào đề: Nhìn em bé thơ ngây, trong sáng/Cả tương lai sáng lạn đang chờ/Mà sao đôi mắt bé mờ…tôi biết là ông còn duyên và yêu thơ lắm. Ông kết bạn, điều trị mắt cho nhiều văn nghệ sĩ lắm: bác Văn Cao, Huy Du, Chế Lan Viên… Bố ông làm nghề thuốc Bắc nên vốn chữ Hán, chữ nôm, thơ và sử Trung Quốc ông nắm khá vững. Lúc trà dư tửu hậu hay lúc gặp bạn cùng trang lứa ông đàm đạo say sưa. Lúc chăm cha sau này tôi nhớ ông mê đoạn thơ Hán tả về cái hữu hạn của cuộc sống, những phù du không thể mang theo của nó... Hóa ra đó là bài thơ nổi tiếng có bốn chữ Nhất của Mạc Đĩnh Chi ca ngợi tuyệt sắc không ai có của nàng công chúa và cái kết trẻ bi thương.
Giảng giải cho tôi từng từ tiếng Hán, cái đẹp của ý thơ so sánh và triết lý sâu xa đằng sau nó, ông thầm nhắc tôi giờ khắc ông phải ra đi. Cuộc đời ông sao được như công chúa này nhưng rồi cũng phải đi về chặng kết dù ông có yêu con cháu, mến quê hương, thương mảnh vườn và con chó…đến mấy.
Từ một chàng sinh viên mảnh khảnh hay đọc tấu hài, chơi đàn với các bạn trường y rồi trở thành bố của chúng tôi sau này. Tình yêu thương ông là do máu thịt cha con, cảm mến và kính trọng là do phẩm chất vốn có của ông, là cái duyên thẩm thấu của tôi. Lớp bác sĩ như ông dần ra đi theo thời gian để lại những khoảng trống sau lưng khó bù đắp. Họ đều là các bậc cao lão trong ngành y, yêu nước, yêu nghề, y thuật sâu rộng, y đức vẹn toàn, có cuộc sống tâm hồn phong phú, người cha và người ông thân yêu của bao gia đình…. 50 năm lẽo đẽo theo cha và được cha yêu và yêu cha lắm thay nhưng con đành dừng bước ở đây.