Góc nhìn phiến diện và hành xử bột phát theo đám đông: Thói xấu gia tăng sự vô cảm trong cộng đồng

15-03-2019 06:49 | Xã hội
google news

SKĐS - Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến nghi vấn bắt cóc trẻ em.

Dẫu kết quả cuối cùng còn phải chờ cơ quan chức năng điều tra, nhưng nhiều người đã hành xử một cách vội vàng, quy chụp và đầy suy diễn đã để lại những hệ quả đau buồn. Vụ việc người phụ nữ ở Nghệ An vì cho bé gái qua đường vào nhà xin ăn mà bị vu là bắt cóc rồi đánh đập, hiện đang viết đơn kiện những kẻ manh động kia, có thể coi là đỉnh điểm cảnh báo cho thói hành xử thô bạo, vô lối...

Vô cớ bị quy chụp

Ngày 12/3, bà Nguyễn Thị Bảo (52 tuổi, trú tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đã có đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ hành vi của một nhóm người vô cớ vào nhà vu khống bà bắt cóc và đánh đập gây thương tích.

Theo bà trình bày, khoảng 10h30 sáng 6/3, bà Bảo đang ở nhà cùng 2 cháu nội thì thấy bé gái đi ngoài đường vào nhà xin ăn cơm trưa. Nghĩ đứa trẻ bị lạc đường, người phụ nữ đưa vào nhà xới cơm ăn cùng 3 bà cháu. Sau đó, người phụ nữ này bảo cháu bé ngồi ở nhà nghỉ ngơi còn mình đi làm. Tuy nhiên, đứa trẻ này không nghỉ mà tiếp tục im lặng bỏ đi. Rồi đột nhiên buổi chiều cùng ngày, 3 người phụ nữ và 4 người đàn ông tìm đến nhà bà Bảo, xông vào đánh tới tấp và hô hoán là bà bắt cóc trẻ em.

Nhờ sự can thiệp của hàng xóm, nhóm này mới dừng lại và bỏ đi. Trước đó, họ còn quay clip đưa lên mạng xã hội tố cáo bắt cóc trẻ em. Không chỉ bị đau đớn về thể xác, bà Bảo còn hoang mang, bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Bà than thở trước đó bà không quen biết cháu bé mà chỉ nghĩ đơn giản đến giờ ăn cơm có người vào xin ăn thì gọi cơm ngồi ăn như con cháu trong nhà.

Hiện nay, Công an xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc cho biết đã nhận được đơn khiếu nại của bà Bảo yêu cầu làm rõ hành vi của người trên. Đồng thời, hồ sơ vụ việc đã chuyển cho Công an huyện Nghi Lộc vào cuộc điều tra.

Chỉ cách đó chưa lâu, một vụ việc tương tự đã xảy ra nhưng hậu quả thì đau lòng gấp muôn phần. Đó là trường hợp anh Lê Hoài B (28 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) trong khi đang chơi đùa với con mình ở vườn hoa gần nhà thì một bà bán vé số gần đó chưa biết lý do gì đã vội hô hoán là anh B... bắt cóc trẻ em. Oái oăm hơn, một số kẻ đi đường đã dừng lại thay vì để hỏi han cho ra nhẽ lại hùng hổ xông vào đánh đấm anh B. mặc cho anh kêu la phân bua, rồi trong cơn cuồng loạn của đám đông lại có kẻ dùng dao đâm anh B. dẫn đến tử vong. Đây là vụ việc sẽ còn khiến dư luận bàng hoàng, phẫn nộ lâu dài mỗi khi nhắc đến.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác cũng chỉ dừng xe hỏi thăm đường, hay vì nhờ trẻ em dẫn đi tìm đường mà đã có những cặp vợ chồng bị đánh, đốt xe ôtô, có thanh niên bị dân làng đánh hội đồng đến thương tích đầy mình. Đây có thể coi là biểu hiện khủng hoảng về niềm tin của người dân trước các vấn nạn, hành vi tội ác ngày càng có xu hướng gia tăng trong xã hội hiện nay.

Bà Bảo bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em dù chỉ cho bé qua đường ăn cơm cùng.

Bà Bảo bị đánh vì nghi bắt cóc trẻ em dù chỉ cho bé qua đường ăn cơm cùng.

Thà làm ngơ hơn... làm ơn?

Một vụ việc để lại nhiều mối hoài nghi, tiếc nuối và rất nhiều trăn trở trong cộng đồng người dân và dư luận xã hội - đó là việc anh tài xế xe khách vừa bị tòa phúc thẩm tuyên 15 tháng tù giam, nguồn cơn từ hành động giúp em nhỏ trên đường nhưng “tình ngay lý gian” của anh. Ngày 18/3/2018, anh Nguyễn Ngọc Dũng (30 tuổi, ngụ P. Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) điều khiển xe khách 16 chỗ chở hơn 10 hành khách từ Gia Lai - Đăk Lăk. Khi đi qua Km173 500m, đường Hồ Chí Minh (thuộc địa phận Tổ dân phố 4, P. Thiện An, TX. Buôn Hồ, Đăk Lăk), anh Dũng phát hiện cháu Trương Minh Huy (2 tuổi) chạy từ bên trái (theo chiều lưu thông của xe anh Dũng) ra giữa đường. Thấy cháu nhỏ vừa chạy vừa khóc, không có người lớn đi cùng nên anh dừng xe, nói phụ xe xuống bế cháu bé vào lề đường. Sau đó, phụ xe hỏi vài người xung quanh xem cháu là con ai, tuy nhiên, mọi người đều lắc đầu không biết.

Thấy vậy, tài xế Dũng bảo phụ xe bế cháu nhỏ lên xe và tiếp tục chạy về hướng TP. Buôn Ma Thuột, định bụng nếu gặp cơ quan công an sẽ đưa cháu xuống bàn giao.

Sự việc trở nên nghiêm trọng khi một người dân tại TX. Buôn Hồ đã ghi lại biển số xe khách này vì nghi ngờ tài xế bắt cóc trẻ con. Người thân của cháu bé đi tìm đã gọi điện báo tin “bắt cóc trẻ em” đến Công an TX. Buôn Hồ. Lực lượng công an đã thông báo cho Trạm CSGT dọc đường Hồ Chí Minh để phối hợp. Tài xế, phụ xe và cả hơn 10 hành khách đi cùng được đưa về trụ sở Công an TX. Buôn Hồ để lấy lời khai, làm rõ về hành vi “giữ người trái pháp luật”.

Mặc dù đã trình bày mọi sự thật (có người chứng kiến) và cả khi mẹ cháu bé đã viết đơn xin không truy cứu trách nhiệm cho anh, nhưng không biết vì những lý do buộc tội thế nào mà tháng 2/2019, anh Dũng đã bị TAND tỉnh Đăk Lăk xét xử phúc thẩm tuyên phạt 15 tháng tù giam (đã giảm so với bản án sơ thẩm 2 năm tù giam trước đó).

Có thể thấy, hầu hết những vụ việc tương tự dẫn đến ẩu đả vì nghi oan, quy chụp và suy diễn hay hành động theo đám đông đều diễn ra ở những vùng nông thôn hoặc đô thị mới còn đang trong thời kỳ phát triển, khi ý thức văn hóa và hiểu biết pháp luật còn thấp.

Giờ đây, người ta lúng túng không biết phải ứng xử ra sao trước những tình huống giúp trẻ em như vậy? Lẳng lặng mà làm ngơ thì không nỡ, không đúng với tấm lòng mình. Mà giúp đỡ để rồi bị quy chụp là người... gây ra tai nạn hoặc bắt cóc trẻ em rồi bị đánh oan thì biết giải trình ra sao đây? Vậy là những hành xử thô lỗ, cuồng nộ của đám đông đang vô tình tạo ra thói quen vô cảm trong xã hội khi người ta thà “không dây” còn hơn “mắc oán”.

Thiết nghĩ, sau mỗi vụ việc tương tự, cơ quan pháp luật cần có hình thức xử lý thật nghiêm khắc, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền ý thức hiểu biết pháp luật đến người dân. Ngoài ra, người dân cũng cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin về các vụ nghi ngờ bắt cóc trẻ em để có hướng xử lý phù hợp, đúng đắn. Tuyệt đối không để bị lợi dụng, kích động hoặc quá cố chấp, cực đoan khi giải quyết vụ việc liên quan nhằm tránh hệ lụy tiêu cực cho chính mình và gây họa cho người dân lương thiện khác.


Bình An
Ý kiến của bạn