Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, chiều 2/7, P.N.C. (sinh năm 2007, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) điều khiển mô tô phân khối lớn biển số 47A1-007.31 lưu thông trên đại lộ Đông Tây theo hướng xã Hòa Thắng - thành phố Buôn Ma Thuột.
Khi chạy xe tới đoạn qua phường Tự An, do không làm chủ được tốc độ, xe của C. va chạm với xe máy khác do chị N.T.H. (24 tuổi, ở phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) điều khiển lưu thông cùng chiều.
Cú va chạm mạnh khiến chị H. đang mang thai tháng thứ 5 tử vong. C. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Tuy nhiên, do vết thương nặng, đến ngày 3/7, nạn nhân đã tử vong.
Sau vụ tai nạn, nhiều độc giả thắc mắc, bao nhiêu tuổi được lái xe máy, mô tô, xe gắn máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3 và xe máy có dung tích xi lanh trên 175 cm3 (hay gọi là xe phân khối lớn)? Giao xe cho người chưa đủ tuổi lái xe phân khối lớn bị xử lý thế nào nếu gây tai nạn chết người? Ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại cho nạn nhân gặp tai nạn?.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về tình huống pháp lý sau vụ việc nêu trên, luật sư Lê Hoàng Phúc An (Hệ thống dịch vụ pháp lý Luật sư X) cho biết: "Căn cứ theo khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về tuổi, sức khỏe của người lái xe thì P.N.C. chưa đủ độ tuổi để điều khiển các loại xe dung tích từ 50cc trở lên, đặc biệt là xe có phân khối từ 175cm3 trở lên và các loại xe mô tô hai bánh từ 50 cm3 đến dưới 175cm3 cũng cần bằng lái xe hạng A2 và A1".
Về việc P.N.C. gây tai nạn chết người, vị luật sư phân tích: Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 73 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017) thì người thực hiện hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác khi tham gia giao thông (làm chết người) sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Mặc dù đã gây tai nạn chết người nhưng luật sư An cho rằng, theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 73 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự, người từ 14 đến dưới 16 tuổi đã đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Tuy nhiên, tội vi phạm không nằm trong tội quy định nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo luật sư An, đối với tội giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe sẽ bị xử phạt theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 73 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017).
Theo đó, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác (làm chết người) thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
"Cơ quan chức năng phải làm rõ, tài xế được chủ xe giao cho sử dụng hay tài xế tự ý lấy sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ xe, từ đó mới có căn cứ xem xét trách nhiệm", luật sư An nói thêm.
Về việc phải bồi thường trong các vụ tai nạn thì căn cứ bồi thường sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, bên có lỗi sẽ phải bồi thường cho bị hại. Việc bồi thường sẽ dựa trên nguyên tắc của Bộ luật Dân sự 2015, sử dụng tài sản của người gây tai nạn, nếu người gây tai nạn không đủ thì sẽ sử dụng phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ để bồi thường.
Xem thêm video được quan tâm:
Va Chạm Kinh Hoàng Trên Cao Tốc Giữa Hai Ô Tô Khiến Nhiều Người Thương Vong | SKĐS