Góc nhìn pháp lý vụ ngai vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế bị phá hoại

26-05-2025 08:06 | Pháp luật

SKĐS - Theo luật sư, hành vi vào điện Thái Hòa ngồi lên ngai vua, dùng tay bẻ phần tựa tay bên trái của ngai không chỉ là hành vi phá hoại tài sản mà còn xâm phạm nghiêm trọng giá trị văn hóa, lịch sử gây bức xúc dư luận xã hội.

Liên quan đến vụ việc người đàn ông mua vé vào điện Thái Hoà, Đại nội Huế sau đó ngồi trên ngai vua, đập phá, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa có báo cáo gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan chức năng liên quan.

Theo đó, lúc 11h55 ngày 24/5, Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, quê TP Huế; cư trú tại TP HCM) mua vé vào cổng Đại nội Huế.

Video bảo vệ khống chế đối tượng có hành vi đập phá, ngồi lên ngai vua trong Đại nội Huế.

Khi vào khu vực điện Thái Hòa, Tâm có biểu hiện không bình thường. Một nhân viên bảo vệ mời đối tượng ra phía hậu điện. Tuy nhiên, sau đó đối tượng quay lại, lẻn vào khu vực trưng bày ngai vua triều Nguyễn, la hét rồi làm gãy phần tựa tay phía trước, bên trái.

Nhân viên bảo vệ tiếp cận từ xa, nhắc nhở đối tượng ra bên ngoài, đồng thời điện thoại yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ. Đến 12h10 ngày 24/5, lực lượng bảo vệ mới khống chế được Tâm.

Sau khi xảy ra sự việc, Công an TP Huế huy động lực lượng phối hợp với VKSND quận Phú Xuân khám nghiệm hiện trường.

Kết quả test nhanh ma túy của đối tượng cho kết quả âm tính. Cơ quan điều tra tiến hành giám định tâm thần và tạm giữ hình sự, tuy nhiên chưa thể ghi lời khai do đối tượng có biểu hiện loạn thần, nói nhảm.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh An Doanh (Đoàn Luật sư TP Huế) cho biết, ngai vua triều Nguyễn là bảo vật quốc gia, mang yếu tố chính trị, văn hóa và lịch sử, có giá trị độc bản.

Mọi hành vi xâm phạm, phá hoại di sản, đặc biệt là bảo vật quốc gia đều phải được xử lý nghiêm khắc để bảo vệ trật tự pháp luật, lòng tôn kính di sản và trách nhiệm với thế hệ mai sau.

"Hành vi của đối tượng Tâm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không chỉ phá hoại tài sản mà còn xâm phạm nghiêm trọng giá trị văn hóa, lịch sử, gây bức xúc trong dư luận xã hội", luật sư Minh nói.

Theo luật sư, hành vi của đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự. Với tình tiết định khung "tài sản là bảo vật quốc gia", đối tượng có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Tuy nhiên, căn cứ vào mức độ thiệt hại đối với tài sản, đối tượng có thể đối mặt với mức hình phạt cao hơn. Ngoài ra, đối tượng còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra, căn cứ theo thiệt hại thực tế.

Góc nhìn pháp lý vụ ngai vua triều Nguyễn trong Đại nội Huế bị phá hoại- Ảnh 1.

Luật sư Võ Thị Tuệ Minh.

Theo luật sư Minh, qua thông tin ban đầu, đối tượng có dấu hiệu loạn thần và đang được giám định tâm thần. Do đó, cơ quan điều tra sẽ dựa vào kết quả giám định để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của đối tượng.

Luật sư Minh cho biết, trong vụ việc này, ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng Tâm, cũng cần xem xét trách nhiệm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể Di tích Cố đô Huế.

"Để làm rõ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có phải chịu trách nhiệm trong sự việc hay không, cơ quan chức năng phải đánh giá quy chế quản lý và hoạt động của trung tâm có tuân thủ đúng quy định về bảo vệ, quản lý di sản hay chưa. Từ đó có biện pháp xử lý đối với hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý di sản (nếu có)", luật sư Minh cho hay.

Theo luật sư Minh, vụ việc lần này cũng là lời cảnh tỉnh đắt giá đối với các cơ quan quản lý di sản văn hóa. Cần có biện pháp mạnh mẽ và nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác bảo vệ các di sản văn hóa.

Điều 5 Luật Di sản văn hóa 2024 quy định có trách nhiệm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di sản văn hóa. Điều 46 Luật Di sản văn hóa quy định rõ yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, Cụ thể:

"1. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu toàn dân phải được bảo vệ, bảo quản như sau:

a) Bảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

b) Trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được quản lý tại bảo tàng công lập và các cơ quan, tổ chức của Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp, ngoài yêu cầu quy định tại điểm a khoản này, phải được lưu giữ và trưng bày trong kho bảo quản hoặc phòng trưng bày.

2. Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh và bảo tàng công lập hướng dẫn, hỗ trợ công tác bảo vệ, bảo quản phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm phát huy giá trị.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sở hữu bảo vật quốc gia phải xây dựng và triển khai phương án bảo vệ đặc biệt, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho bảo vật quốc gia.

4. Kho bảo quản, phòng trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các yêu cầu sau đây:

a) Được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Có thiết bị kỹ thuật, công nghệ phù hợp với yêu cầu bảo quản đối với từng loại hình, chất liệu của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được lưu giữ;

c) Có nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ bảo đảm kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và các yếu tố khác có thể gây hư hại đến di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

d) Có thiết bị kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm an toàn cho người trực tiếp làm việc trong kho bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia."

Video khống chế đối tượng đập phá ngai vua trong Đại nội HuếVideo khống chế đối tượng đập phá ngai vua trong Đại nội Huế

SKĐS - Sau khi phát hiện đối tượng ngồi trên ngai vua, đập phá, nhân viên bảo vệ tiếp cận nhắc nhở, đồng thời yêu cầu tăng cường lực lượng hỗ trợ khống chế.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn