Góc nhìn mới về tài năng văn chương Nguyễn Trãi

27-05-2011 8:27 AM | Văn hóa – Giải trí

Tập thơ Beyond the Court Gate (Rời xa triều đình) của nhà thơ Nguyễn Trãi do hai dịch giả Paul Hoover và Nguyễn Đỗ biên tập và chuyển ngữ được đánh giá là tập thơ dịch công phu,

Tập thơ Beyond the Court Gate (Rời xa triều đình) của nhà thơ Nguyễn Trãi do hai dịch giả Paul Hoover và Nguyễn Đỗ biên tập và chuyển ngữ được đánh giá là tập thơ dịch công phu, có hệ thống, đưa đến cho bạn đọc Mỹ và thế giới một cái nhìn mới về tài năng văn chương bên cạnh tài thao lược của Anh hùng dân tộc, Danh nhân thế giới Nguyễn Trãi.

Ngày 20/5 vừa rồi, tập thơ Beyond the Court Gate đã được tổ chức giới thiệu trang trọng tại Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học, Đại học Văn hóa Hà Nội. Ánh sáng từ các thi phẩm hiện đại siêu thời gian của Nguyễn Trãi, tên tuổi của Paul Hoover, Nguyễn Đỗ và sự tham gia dịch sang lục bát của nhà thơ Nguyễn Duy đã thu hút sự quan tâm của khá nhiều người nổi tiếng trong làng văn như nhà báo Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ Nguyễn Bao, nhà thơ Giáng Vân, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Nhà thơ Giáng Vân bày tỏ niềm khâm phục đối với hai dịch giả, hai con người ở một nơi rất xa xôi với thời đại của Nguyễn Trãi, nhưng vì niềm say mê thi ca của ông mà đã cất công dịch, quảng bá, đưa tên tuổi của đại thi hào vươn tầm quốc tế.

Paul Hoover được coi là một trong những nhà thơ Mỹ lớn nhất hiện nay. Ông có mối liên hệ thân tình với văn chương Việt thông qua các tuyển tập thơ dịch Chó đen, đêm đen (Nhà xuất bản Milkweed Editions, 2008) và mới đây nhất là Rời xa triều đình (tuyển thơ Nguyễn Trãi, Nhà xuất bản Counterpath Press, 2010). Ông cũng có một tiểu thuyết liên quan đến Việt Nam đã từng được chuyển thể thành kịch bản phim mang tên Saigon, Illinois (Nhà xuất bản Vintage Contemporaries, 1988). Hiện nay Paul Hoover là giáo sư Khoa Sáng tạo văn học của Đại học bang California tại San Francisco.

Nguyễn Đỗ là một dịch giả năng động được biết đến khá nhiều tại Mỹ. Ông cũng là người chủ động phát triển ý tưởng dịch thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Anh, hoàn toàn xuất phát từ niềm yêu thích và ngưỡng vọng tài năng của một nhà thơ lớn của Việt Nam mà từ trước đến giờ chúng ta chỉ chú trọng nhiều đến tư cách chính trị của ông.

 Dịch giả Nguyễn Đỗ, nhà thơ Paul Hoover, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (từ trái qua phải) trong buổi giới thiệu tập thơ.

150 bài thơ được chuyển ngữ là Những tâm sự đời thường của đại thi hào Nguyễn Trãi. Có nhiều bài được Paul Hoover và Nguyễn Đỗ dịch rất thành công như bài Quan hải (Đóng cửa biển), Ký hữu (Gửi bạn), Vãn chiều (Đứng trong bóng chiều). Hai dịch giả đều có chung nhận định Nguyễn Trãi là một nhà thơ tầm cỡ quốc tế. Thơ ông giàu tính triết lý, dùng nhiều hình tượng, chi tiết hiện đại, ngoài tâm tình cá thể còn giàu chất triết học, mỹ học. Cả hai dịch giải đều đồng ý rằng người dịch thơ Nguyễn Trãi phải hóa thân thành một nhà thơ sáng tạo, cảm giác cấu trúc là điểm sáng tạo của Paul Hoover khi dịch thơ Nguyễn Trãi sang tiếng Anh.

Độc giả của buổi giới thiệu tập thơ Beyond the Court Gate cũng vô cùng thích thú khi nghe bản chuyển ngữ sang lục bát của nhà thơ Nguyễn Duy. Những bài thơ của Nguyễn Trãi, vì thế mang nhiều triết lý nhân sinh, triết lý cuộc đời sâu sắc.

Tại buổi giới thiệu tập thơ, Nguyễn Đỗ cũng chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc của ông với những thi phẩm của Nguyễn Trãi. Đó là vào năm 2006, trong một căn phòng chật hẹp tại California, ông và bạn, nhà thơ Hoàng Hưng, đã cùng khóc khi cùng nhau đọc thơ Nguyễn Trãi. Paul Hoover cũng cho biết, trong cuộc giới thiệu vòng quanh nước Mỹ, tập thơ chọn lọc của Nguyễn Trãi đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo độc giả Mỹ.

Hải Anh


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH