75 % doanh nghiệp chủ động đưa hối lộ cho cán bộ công chức để giải quyết công việc nhanh chóng. Đây là con số đáng báo động được đưa ra tại buổi tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế sáng 12/11 tại Hà Nội do Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức. Cũng theo báo cáo về kết quả nghiên cứu “tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp – thực trạng và giải pháp”, đối với 832 người tại 232 doanh nghiệp của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng tham nhũng được coi là vấn đề đáng quan ngại. 75% doanh nghiệp tự động đưa hối lộ cho cán bộ công chức để giải quyết công việc nhanh chóng. Trong đó, vấn đề tham nhũng không chỉ trong một số lĩnh vực mà ở nhiều ngành, xảy ra ở các hoạt động của kinh tế xã hội. Đặc biệt, hối lộ không chỉ xuất hiện trong quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước mà còn trong cùng khối thương mại với nhau. 68% doanh nghiệp tư nhân cho biết phải chi trả hoa hồng để có hợp đồng với doanh nghiệp Nhà nước. Trong quan hệ nội bộ doanh nghiệp, 68,7% doanh nghiệp cho rằng có tình trạng ăn chia, hối lộ trong cùng tập đoàn và 64,7% cho rằng các cấp quản lý doanh nghiệp lạm dụng quyền hạn, sử dụng phương tiện, tài sản vào mục đích cá nhân. Cũng tại buổi đối thoại, một vấn đề được đặt ra là xưa nay thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng. Nhưng còn một thực tế khác là doanh nghiệp đang chủ động đưa hối lộ để có được các lợi thế trong công việc hoặc trốn tránh sai phạm. Tại hội nghị, các ý kiến cũng cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay mới chỉ tập trung vào các cán bộ trong khối Nhà nước hoặc dịch vụ công. Các quy định về tham nhũng trong khu vực tư ít được đề cập. Chính vì vậy, việc nâng cao vai trò của khối doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng là hết sức quan trọng.
Liên quan đến phòng chống tham nhũng, các ý kiến chuyên gia nước ngoài cho rằng, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam đang gây rủi ro cho chính các công ty trong nước và kìm hãm chính sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính vì thế, phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng tôi xác định phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Và một lần nữa khẳng định rằng cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phòng chống tham nhũng, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên vấn đề tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được các cơ quan của Chính phủ, đại diện quốc tế và doanh nghiệp cùng thảo luận với nhiều góc nhìn và quy mô rộng rãi như vậy. Hy vọng với việc tiếp cận phòng chống tham nhũng dưới góc độ nâng cao vai trò của doanh nghiệp dưới một cách nhìn mới sẽ góp phần chủ động trong việc phòng ngừa tham nhũng của Chính phủ hiện nay.
Trọng Nguyên