Góc nhìn đa chiều về ngành y

27-02-2016 08:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Có thể thấy, năm 2015, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để lại nhiều dấu ấn của ngành, trong đó có những đột phá ở nhiều lĩnh vực, được xã hội ghi nhận đánh giá cao như trong công tác phòng chống dịch bệnh...

Có thể thấy, năm 2015, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu để lại nhiều dấu ấn của ngành, trong đó có những đột phá ở nhiều lĩnh vực, được xã hội ghi nhận đánh giá cao như trong công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải... Ðây là những dấu mốc quan trọng để ngành y tế hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nhân dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2016), báo Sức khỏe&Ðời sống ghi lại một số ý kiến của lãnh đạo một số tỉnh, các đơn vị; nhà văn, nhà thơ; các tổ chức quốc tế..., nhìn nhận, đánh giá về những kết quả của ngành y tế trong thời gian qua.

Anh hùng lao động - BS. Ðoàn Thúy Ba - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Cần nói ngay rằng, trong thời gian qua, chúng ta có một Bộ trưởng rất giỏi về dịch tễ nên đã chống chọi thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên thế giới. Cụ thể, với những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, ngành y tế đã khống chế không để xảy ra dịch bệnh, ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV, hay mới nhất là virut “ăn não người” Zika. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những chỉ đạo, hướng dẫn rất kịp thời. Và thực sự đây là một trong những thành tựu rất nổi bật của ngành y tế Việt Nam trong thời gian qua.

Một điểm rất sáng nữa mà ngành y tế làm được trong thời gian qua là: tuyến y tế cơ sở quá tốt. Y tế cơ sở gắn với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân và với sự quyết liệt của ngành y tế trong thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và bao phủ rộng khắp toàn quốc. Các Chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai hiệu quả tại mạng lưới y tế cơ sở như Tiêm chủng mở rộng, Phòng chống suy dinh dưỡng, Chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Dân số - kế hoạch hóa gia đình, Giám sát dịch bệnh... Nhờ đó, chỉ số sức khỏe của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ.

Đặc biệt, trong điều kiện bệnh viện luôn luôn quá tải, áp lực công việc rất lớn nhưng ngành y tế đã quyết liệt thực hiện “đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đáng mừng là cán bộ y tế trong cả nước đã đồng tình và quyết tâm thực hiện. Người dân cảm thấy vui và tin tưởng vì những thay đổi thể hiện sự tận tâm và trách nhiệm của ngành. Nói gì thì nói, có một thực tế là y tế làm được rất nhiều, cống hiến rất nhiều nhưng âm thầm quá, khổ quá!

Chuyên gia WHO Socorro Escalante:

Việt Nam nâng cao vai trò của mình ở cấp toàn cầu

Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc cắt giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh - một trong những Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Việt Nam cũng  được công nhận là một trong 10 quốc gia trên thế giới đang trong đúng lộ trình thực hiện các mục tiêu MDG.

Việt Nam cũng đã có những tiến bộ lớn trong vấn đề bảo hiểm y tế. Mục tiêu của Việt Nam là hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, đảm bảo tất cả mọi người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế cơ bản. Việt Nam đã làm việc với WHO và tham gia vào một quá trình chuyển đổi hệ thống y tế nhằm đáp ứng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Như việc  sửa đổi Luật BHYT, cải thiện hệ thống y tế cơ sở, đảm bảo việc tiếp cận thuốc và các dịch vụ y tế tốt hơn, nguồn nhân lực y tế được tăng cường...

Việt Nam cũng đã làm rất tốt việc ngăn chặn và phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Ebola, và để làm được điều này là nhờ vào một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ. Việt Nam đã đạt được những yêu cầu năng lực theo Điều lệ về kiểm dịch y tế quốc tế (2005), nghĩa là Việt Nam đã có đủ khả năng giám sát, ứng phó với các dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam đóng một vai trò đột phá trong phòng chống, điều trị và phát hiện HIV trong cộng đồng, cam kết loại trừ bệnh sốt rét, phối hợp với WHO xây dựng Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, ban hành các cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao thuốc lá, tạo ra môi trường không khói thuốc và đảm bảo truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá.

Việc phát hiện và điều trị các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng y tế tại Việt Nam và cũng là một trong những vấn đề y tế được ưu tiên. Việt Nam đã thông qua Chiến lược Quốc gia về phòng chống và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 với mục tiêu phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này ở Việt Nam trong thời gian tới.

Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Chấp hành Đại hội đồng Y tế Thế giới là một bước tiến quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ngoại giao y tế toàn cầu đang rất được quan tâm. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang quốc gia có thu nhập trung bình, xuất hiện những thách thức và nhu cầu mới về y tế, đòi hỏi phải có những chuyển tiếp trong hệ thống cấu trúc, quản trị, chính sách hay các chương trình. Trở thành thành viên của Hội đồng chấp hành là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao vai trò của mình ở cấp toàn cầu, đóng góp vào quá trình hoạch định chính sách, các nghị quyết, đề xuất, cải tổ của WHO.

Việt Nam có thể góp một tiếng nói trong Hội đồng Y tế Thế giới nhằm giải quyết những thách thức, thúc đẩy các quốc gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân. Một số trong những thách thức này là bệnh tật đang làm gia tăng gánh  nặng  xã  hội và kinh tế; gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế; tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế,... những thách thức về mối quan hệ giữa mục tiêu kinh doanh với vấn đề sức khỏe cộng đồng; các bệnh mới nổi...

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Góp ý nhỏ vào bước chuyển lớn của ngành y

Quốc sách Đổi mới được khởi xướng từ 30 năm nay. Sức tác động của nó vào xã hội càng ngày càng lớn, làm thay đổi toàn diện kinh tế, cơ cấu dân cư, đến lối sống và nếp ứng xử của từng người dân... Tác động tích cực của nền kinh tế thị trường, hòa nhập với thế giới đã nâng cao chất lượng sống của người dân nhưng tác động của đồng tiền cũng phá vỡ nhiều phẩm chất xã hội và đạo đức con người. Các ngành hoạt động tác động trực tiếp vào con người, thể xác lẫn tâm hồn, như y tế như giáo dục phải chịu áp lực rất lớn.

Cuộc đấu tranh giữa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng diễn ra âm thầm nhưng ngày càng quyết liệt. Có lúc tưởng như lẽ phải, sự thương người, đạo đức nghề nghiệp bị nhấn chìm trong cái bể không đáy của lòng tham vị kỷ. Ngành y từ rất sớm đã nhập vào cuộc chiến không cân sức này. Tôi nói không cân sức bởi trong cuộc chiến này, cái xấu đeo đủ thứ mặt nạ, với đủ thứ nhân danh để tác oai tác quái. Điều cốt tử để chiến thắng là phải nhìn cho ra thực chất của những tác động xấu nhiều biến hóa xảo trá và cần quyết liệt, thông minh, sáng tạo, kiên trì tấn công nó.

Ngành y đã vật vã trả giá để tồn tại trong sự cần đến và tin cậy của người dân được như hiện nay là một cố gắng không thường. Thầy thuốc đã phải tự lớn trong phẩm cách và trong chuyên môn để đáp ứng sự chọn lựa của dân. Chúng ta đã có những tài năng y học giải quyết kịp thời được những đòi hỏi bức thiết của dịch, của bệnh. Chúng ta đã có những thành tựu về y tế để với một kinh phí không bằng người mà bảo vệ được sức khỏe và mạng sống người dân ngang với thiên hạ. Chúng ta đã thấy sự lớn mạnh vượt bậc ở các bệnh viện đầu ngành về nhà cửa bệnh phòng, về các thiết bị tiên tiến và nhất là về cung cách làm việc lành nghề, năng suất cao. Tôi sống ở Hà Nội, già nửa thế kỷ vừa qua, biết Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và nhiều bệnh viện đầu ngành khác qua nhiều thời kỳ, nhưng chưa bao giờ thấy các bệnh viện ấy vận hành như một công xưởng khổng lồ như hôm nay. Người đến khám hàng ngày: nhiều nghìn; xét nghiệm phải thực hiện: hàng vạn. Mọi việc vận hành trôi chảy, hiệu quả. Thật không dễ! Nhưng những phàn nàn, bức xúc của người dân, người bệnh vẫn dâng lên. Dân khen thành tựu nhưng dân kêu thực trạng chữa bệnh. Có sự mất thăng bằng cung cầu của việc khám chữa bệnh ở các cấp chuyên môn và cốt lõi của nó chỉ là người trả tiền cần tìm nơi chữa cho đáng đồng tiền bát gạo.

Ngành y trong mấy năm qua đã nhìn ra thực trạng ấy, đã dám gọi đúng tên cái bệnh của ngành mình. Chẩn đoán cụ thể và cách chữa cho chính ngành mình cũng cụ thể hơn. Đã được nhân dân ghi nhận và biểu dương. Trong 7 mối quan tâm thiết thực của lãnh đạo ngành đã thấy một mối quan tâm bao quát: không coi thường tác động của đồng tiền (cơ chế lợi ích). Không nhìn thẳng vào cơ chế ấy để thông minh, thiết thực điều tiết nó thì những bức xúc của dân không thể giải quyết được, thì chúng ta trượt dốc, mọi thứ học tập và biểu dương y đức chay sẽ thành phù phiếm. Kinh thế thị trường tấn công ngành y thì ngành y cũng cần tương kế tựu kế lấy thị trường, lấy kinh tế làm động lực cho ngành phát triển, cho thầy thuốc phải giỏi chuyên môn thì mới tồn tại, cho thuốc men phải công hiệu, giá cả phải hợp lý thì mới có khách mua. Bệnh viện đầu ngành phải xây to, tuyến dưới phải tài giỏi thì người bệnh mới có giường nằm. Ai vì tham lam làm hại sức khỏe cộng đồng thì phải khuynh gia bại sản... Các nhà lãnh đạo ngành cần nghĩ sâu, nghĩ xa hậu quả của các biến tướng mở trường lấy lãi mà không tính đến chất lượng hành nghề, từ việc núp tên như cái gọi là thực phẩm chức năng để nhập nhằng bán đồ rởm, từ việc bỏ vốn ngân sách cao, mua sắm thiết bị đắt mà phục vụ quá ít người, từ việc quản lý chuyên môn nghiêm ngặt các cơ sở tư nhân, từ biện pháp bảo vệ người lao động trong công tác môi trường (trang bị an toàn) và bệnh nghề nghiệp, từ sức khỏe học đường gây tật cho từng thế hệ học trò...

22/2/2016

Giám đốc USAID tại Việt Nam Joakim Parker:

Nền tảng mà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tạo dựng sẽ tạo đà cho y tế Việt Nam phát triển

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi rất hân hạnh và vinh dự thay mặt toàn thể đội ngũ USAID gửi lời chúc mừng tới đội ngũ thầy thuốc và những người làm công tác y tế Việt Nam, họ đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam. USAID là tổ chức đã và đang song hành cùng đội ngũ thầy thuốc, điều dưỡng Việt Nam với những hỗ trợ và đầu tư cho ngành y tế.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực y tế như giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, đối phó với bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm mới nổi như H5N1, H7N9 và ngăn chặn mối nguy MerS-CoV, Ebola vào Việt Nam. Việt Nam đã sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trong đó đưa y tế vào Hiến pháp. Theo tôi đây là một thành tựu lớn bởi điều này chưa hề có trong Hiến pháp Mỹ. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với cương vị điều hành ngành y tế đã có đóng góp lớn vào quá trình chuẩn bị cũng như lên kế hoạch cho những đợt ứng phó và ngăn chặn những dịch bệnh nguy hiểm vào Việt Nam. Sự hiện diện của một nữ Bộ trưởng cũng cho thấy bình đẳng giới rất được coi trọng ở Việt Nam. Với năng lực của bà và nền tảng mà bà đã tạo dựng, tôi tin rằng sẽ tạo đà cho ngành y tế Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

GS.TS. Mai Quốc Liên - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học:

Ngành y tế đã có nhiều thay đổi rất tích cực

Trong 5 năm qua, với sự cố gắng của cả ngành y tế nói chung và sự quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói riêng, ngành y tế đã có những chuyển biến, đã có nhiều thay đổi rất tích cực. Một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất là vấn đề giảm quá tải bệnh viện. Về cơ bản, y tế đã giải quyết được tình trạng nằm ghép. Quy trình khám chữa bệnh cũng có nhiều cải tiến để giúp người bệnh giảm thời gian chờ đợi. Chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được nâng cao. Đặc biệt là tình hình dịch bệnh. Trong suốt 5 năm qua, tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp và có nhiều bệnh nguy hiểm nhưng Việt Nam đã làm tốt để ngăn chặn những dịch bệnh đó xảy ra.

Cũng phải thẳng thắn, ngành y tế có quá nhiều khó khăn. Tôi đơn cử như việc chi ngân sách cho y tế. Việt Nam chi ngân sách cho y tế thấp, thấp hơn Campuchia. Bên cạnh đó, còn bao khó khăn khác. Nên với những gì mà ngành y tế đã và đang làm được trong thời gian qua, theo tôi, đó là sự cố gắng hết sức của lãnh đạo ngành cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên y tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Dung:

Ngành y tế đã đạt được những thành tựu đáng tự hào

Những năm qua, với cương vị là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo ngành y tế Thừa Thiên Huế, tôi có điều kiện và làm việc thường xuyên với các chuyên gia y tế đầu ngành cả trong và ngoài nước, đều ghi nhận ý kiến của họ đánh giá ngành y tế Việt Nam đã có chuyển biến mạnh mẽ. Là cán bộ trưởng thành từ khối trường rồi trực tiếp lãnh đạo y tế địa phương, tôi thấy rằng: y tế cơ sở “xương sống” của hệ thống y tế Việt Nam ta đã có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và bao phủ rộng khắp toàn quốc. Các hoạt động y tế dự phòng triển khai sâu rộng nên ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm bên ngoài xâm nhập..., qua đó, chỉ số sức khỏe của nước ta cao hơn so với nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người, được các nước đánh giá cao và là điểm sáng trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ và đặc biệt rất được người dân ngưỡng mộ, tin yêu. Từ thành quả đó đặt ra thêm nhiều yêu cầu thực tế, bức thiết của cuộc sống để ngành y tế tiếp tục phấn đấu vươn lên. Với tỉnh Thừa Thiên Huế, từ định hướng của Bộ Y tế, ngành y tế của tỉnh đạt được những thành tựu to lớn, nhất là công tác y tế cơ sở. Vào thời điểm hiện tại, với chuẩn y tế xã, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 150/152 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn và kế hoạch năm 2016, 100% xã, phường đạt chuẩn y tế xã, thường xuyên có 100% bác sĩ công tác tại trạm y tế, đưa công tác chăm sóc y tế đến gần dân, nhất là ở 2 huyện miền núi có nhiều người dân tộc sinh sống là Nam Đông và A Lưới. Trên địa bàn, Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện hạng đặc biệt với nhiều kỹ thuật cao cấp ngang tầm khu vực và quốc tế. Trường đại học Y Dược Huế không những làm tốt công tác đào tạo mà Bệnh viện trường cũng đã nỗ lực trong chăm sóc sức khỏe người dân và các đơn vị y tế khác đang ngày đêm phấn đấu cao với tấm lòng cao cả của người thầy thuốc, tất cả vì bệnh nhân thân yêu, xứng đáng là niềm tự hào của người dân xứ Huế.

BSCKII Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc BV Sản Nhi Quảng Ninh:

Ðường dây nóng y tế - Kênh “giám sát” hiệu quả của ngành y

Từ thực tiễn hoạt động của Đường dây nóng y tế thời gian qua cho thấy, hiệu quả rõ nét của kênh “giám sát” này đối với hoạt động của bệnh viện nói chung, cán bộ y tế nói riêng. Đường dây nóng là công cụ quản lý các cán bộ công nhân viên chức làm việc tại các cơ sở y tế hiệu quả. Qua các ý kiến phản ánh của người dân, lãnh đạo các đơn vị đã phát hiện ra những điểm còn bất cập, chưa hợp lý để kịp thời tổ chức rà soát lại quy trình khám chữa bệnh, tiếp đón bệnh nhân cũng như tiến hành chấn chỉnh chung đối với toàn thể nhân viên y tế bệnh viện, góp phần đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đặc biệt, Đường dây nóng không chỉ là nơi người dân phản ánh những bức xúc mà còn là địa chỉ để người dân gửi lời cảm ơn tới các tập thể, cá nhân nhân viên y tế đã luôn phục vụ tận tình, không quản ngại khó khăn, hết lòng vì người bệnh.

Qua theo dõi, chúng tôi cũng được biết từ thông tin qua Đường dây nóng y tế, đã có nhiều cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật với nhiều mức khác nhau. Có thể nói việc xử lý nghiêm cán bộ y tế chưa làm đúng quy chế chuyên môn nhiệm vụ ở nhiều cơ sở y tế trong thời gian qua đã không chỉ mang tính răn đe, mà còn làm cho cộng đồng thấy được sự kiên quyết của ngành y tế trong việc công khai, minh bạch, không bao che cho những sai phạm của cán bộ trong ngành.

Tại BV Sản Nhi Quảng Ninh, chúng tôi dán công khai số điện thoại Đường dây nóng y tế tại 4 địa điểm là phòng khám, bộ phận hướng dẫn thanh toán thủ tục vào, ra viện... để người dân có thể dễ dàng phản ánh thông tin. Thực tế hoạt động của Đường dây nóng y tế tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh thời gian qua cho thấy, Đường dây nóng y tế đã thực sự hiệu quả. Từ thông tin của Đường dây nóng, qua kiểm tra, xác minh thực tiễn, BV đã biểu dương, khen thưởng không ít cán bộ y tế nhưng BV cũng đã xử lý một vài cán bộ có biểu hiện chưa thực hiện tốt quy chế chuyên môn, cũng như quy tắc ứng xử với người bệnh. Đã có trường hợp bị xử lý, kỷ luật trừ thi đua...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Ðức Quý:

Nhân lực ngành y tế đã được bổ sung dồi dào và chất lượng

Trong 5 năm trở lại đây, đối với một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như Hà Giang, việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế đủ sức đảm đương nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân luôn là yêu cầu bức thiết mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND dành công sức chỉ đạo. Nhìn lại 5 năm qua, với ngành y tế cả nước, nhờ có quyết sách đúng đắn của Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân lực y tế cả nước tăng đáng kể qua các năm. Số bác sĩ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên 8,0 năm 2015, số dược sĩ đại học cũng đã tăng lên rất nhanh. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tập trung giải quyết thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực và quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhờ đó, một số chính sách, dự án đã được ban hành và triển khai thực hiện như Đề án khuyến khích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế các chuyên ngành như lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020; dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện... Đối với Hà Giang, từ định hướng phát triển nguồn nhân lực của Bộ Y tế đã có các giải pháp thu hút nhân lực như liên kết với các Trường đại học Y - Dược (Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình) và tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư cho đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ y tế, áp dụng nhiều hình thức đào tạo (địa chỉ, liên thông, chính quy...), nhờ vậy, số bác sĩ đã tăng dần qua hàng năm đi cùng với chất lượng. Hiện nay, trong tỉnh, số bác sĩ có trình độ sau đại học là 236 người..., trung bình có 10 bác sĩ/10.000 dân. Toàn tỉnh có 195/195 xã (trạm y tế và phòng khám ĐKKV) có bác sĩ công tác, đạt 100%; 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi công tác.


TSCT - QT (tổng hợp)
Ý kiến của bạn