Góc nhìn chiến tranh trong ca khúc Sài Gòn trước 30/4/1975

30-04-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau Hiệp định Giơnevơ 20/7/1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai thể chế chính quyền khác nhau.

Sau Hiệp định Giơnevơ 20/7/1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, với hai thể chế chính quyền khác nhau. Ở miền Bắc là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ở miền Nam là chính quyền Việt Nam cộng hòa. Âm nhạc hai miền cũng khác nhau vì phục vụ hai thể chế khác nhau.

Ở miền Nam, với tình hình cụ thể, có thể chia làm ba giai đoạn nhỏ. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn mà người lính Việt Nam cộng hòa vừa phải đối mặt với các lực lượng khác như Bình Xuyên, Hòa Hảo... vừa phải đảm trách nhiệm vụ giữ gìn biên giới ở đất liền cũng như ở biển đảo. Các nhạc sĩ ở Sài Gòn thời đó đương nhiên là phải viết ca khúc ca ngợi những người lính tham gia cuộc chiến tranh đó như Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Anh Bằng, Chung Quân... Có những nhạc sĩ tham gia quân đội như Lam Phương, Anh Việt, Văn Phụng, Nguyễn Văn Đông... họ cũng ước ao có những giai điệu động viên, ca ngợi người lính trong nhiệm vụ bảo vệ đất đai, bảo vệ cuộc sống thanh bình của thường dân.Ca khúc Phiên gác đêm xuân được Nguyễn Văn Đông viết đêm giao thừa ở biên giới 1956: “Phút giao thừa một phiên gác đêm xuân - lòng ta sao nhớ thương quê nhà - cánh hoa đào rơi trên báng súng...”. Chính những ca khúc này, với giai điệu tha thiết như thế đã từng bị Bộ Thông tin Sài Gòn ra quyết định cấm phổ biến vì lý do phản chiến vào năm 1961. Thực ra, thời điểm cấm những ca khúc này lại rơi vào giai đoạn thứ hai. Góc nhìn chiến tranh ấy là góc nhìn truyền thống của bất cứ dân tộc nào.

 

Các ca khúc về chiến tranh vẫn để lại những dư âm tốt trong lòng khán giả.

Các ca khúc về chiến tranh vẫn để lại những dư âm tốt trong lòng khán giả.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn mà người lính Việt Nam cộng hòa phải đối mặt chủ yếu với quân giải phóng miền Nam. Đã bắt đầu len lỏi trong tâm tư người lính ấy những suy nghĩ về phi nghĩa và chính nghĩa mà một ca khúc địch vận của quân giải phóng miền Nam đã viết: “Tháng ngày trôi hỡi anh người lính cộng hòa - trong lòng anh có nghe lời ca - súng vác trên vai lòng anh có khi nào nghĩ tới tương lai mơ đến một ngày mai...”. Trong lúc quân giải phóng miền Nam hàng ngày được động viên bằng những giai điệu sục sôi, khí thế như Hành khúc giải phóng, Bài hát giải phóng quân, Giờ hành động... thì mặc dù cũng có những giai điệu vui như Tiễn bước sang ngang của Hoàng Trọng, khiến thanh niên miền Bắc thời ấy không hiểu bằng cách nào đã truyền miệng nhau say sưa và gọi là ca khúc Giã từ của Liên Xô: “Biết đến bao giờ - gặp lại người em thời ấu thơ - để báo tin rằng cuộc đời từ nay đã khác xưa - một phút gần nhau - rồi tình mãi mãi lìa xa - quà nghèo chỉ có lời ca - tặng nàng trước khi giã từ”, nhưng đã luồn vào đâu đó lời thở than: “Nay đời tan biến trong hư vô - chất đầy từng mồ oán thù - máu xương tơi bời nhiều mùa thu...” (Hương xưa của Cung Tiến).

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn mà người Việt Nam Cộng hòa đi theo lính Mỹ để đối mặt với quân giải phóng miền Nam. Trong khi cả miền Bắc vừa chống chiến tranh phá hoại bằng không lực Mỹ, vừa dốc lòng dốc sức chi viện miền Nam đánh đuổi xâm lược, giành độc lập và thống nhất Tổ quốc trong một không khí âm nhạc hừng hực ý chí chiến đấu thì tâm tư người lính Việt Nam Cộng hòa, người dân miền Nam nhìn vào cuộc chiến tranh tàn khốc này bị phân hóa đến cực độ. Ngoài những bài ca sặc mùi lính chiến đầy hưởng thụ và âu lo chết chóc như kiểu Anh đi mai về của Hoàng Nguyên, Anh không chết đâu anh hay Người ở lại Charlie của Trần Thiện Thanh... là những tình ca nơi con người trốn chạy, ngụp lặn thoát khỏi hiện thực phi lý như trong những tình khúc của Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Y Vân, Ngô Thụy Miên... và thấp thoáng những khát vọng xen lẫn tuyệt vọng như trong ca khúc Đêm của Cung Tiến (thơ Thanh Tâm Tuyền): “Rồi vẫn đi hoài - anh vẫn đi hoài trong thành phố cô đơn...”. Không chỉ trú ẩn trong tình khúc, Từ Công Phụng còn đầy hoài nghi trong Lời của mẹ: “Mẹ già lần ra trước ngõ ngóng tin con - thoảng nghe ngoài kia tiếng bom đạn nổ trên đồng - chợt thấy niềm tin vội héo trên tuổi mẹ mong...”.

Có lẽ góc nhìn đầy thuyết phục vào hiện thực nhưng lại đầy nhân bản chính là góc nhìn trong ca khúc Trịnh Công Sơn - một “Bob Diland Việt Nam” có sức mạnh phản chiến khiến chính quyền Sài Gòn phải dùng nhiều thủ đoạn khống chế. Chỉ với tình khúc Nhìn những mùa thu đi dịu dàng nhưng mới mẻ, mà giai điệu Trịnh Công Sơn đã tiếp sức cho học sinh, sinh viên Huế kiên cường đấu tranh chống đàn áp Phật tử 1963. Khi dạy học ở Bảo Lộc, việc đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam và đánh phá miền Bắc đã khiến Trịnh Công Sơn có một kỳ nghỉ hè như bị cuồng bức. Ông đã trốn vào rừng sâu để viết ra tập Ca khúc da vàng với khát vọng hòa bình cháy bỏng. Năm 1967, ông đã xuất bản “lậu” tập ca khúc này ở Sài Gòn và cùng Khánh Ly đi du ca kêu gọi hòa bình. Chính góc nhìn này đã hòa nhập Trịnh Công Sơn vào phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” rừng rực tiếng thét đòi đánh đuổi xâm lược, giành lại độc lập tự do. Trịnh Công Sơn cứ tiếp tục góc nhìn ấy cùng một số bạn bè như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Trần Quang Long... để tạo ra một ấn tượng phản chiến sâu đậm. Khi xảy ra trận chiến Hoàng Sa 19/1/1974, cũng có nhiều ca khúc ca ngợi người lính của Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh...

Có lẽ nhờ vậy mà sau 30/4/1975, giữa những ca khúc Sài Gòn một thời loang ra miền Bắc, Trịnh Công Sơn vẫn là nỗi ám ảnh đáng kể nhất. Cho đến tận bây giờ và có lẽ mãi mãi. Trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, tôi đã nhặt được cuốn Ca khúc da vàng. Ở trang đầu có ghi dòng chữ chắc của một người lính Việt Nam cộng hòa. Dòng chữ đã mang đậm khát vọng hòa bình: “Mẹ Việt ơi! Hãy ngưng cảnh máu đổ thịt rơi. Để chúng con cùng chung vui một nhà” (Dòng chữ kỷ niệm này được ghi ngày 23/2/1969, ở dưới có ký tên). Cảnh tượng đó đã khép lại ở Việt Nam 39 năm qua. Bây giờ nhìn lại, mới thấy quý những góc nhìn chân thực mà rất nhiều người đã cố gắng trong hoàn cảnh riêng bị che chắn bởi rất nhiều vật cản, để đưa ra những giai điệu thấm vào lòng người, mang ý nghĩa gợi mở cho cách nhìn hôm nay thêm một lần nhận rõ về cuộc chiến tranh đã đi qua, cuộc chiến tranh xảy ra ở Việt Nam có biết bao người nói tiếng Việt và tiếng Mỹ đã ngã xuống.

  Nguyễn Thụy Kha

 


Ý kiến của bạn