Hà Nội

Góc khuất Việt kiều

09-02-2017 16:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Một số người Việt có nhiều lý do để ao ước và tìm mọi cách ra định cư ở nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, Âu, Mỹ.

Một số người Việt có nhiều lý do để ao ước và tìm mọi cách ra định cư ở nước ngoài, nhất là các nước phương Tây, Âu, Mỹ. Những lý do đó có thể mang màu sắc chính trị hoặc kinh tế, nhưng phần nhiều cũng có những ảo tưởng. Rằng phương Tây là thiên đường tự do, vật chất thừa mứa, điều kiện sống lý tưởng, an sinh xã hội tuyệt vời, bất cứ ai cũng có thể được sống cho ra sống dù khả năng và sự cống hiến đến đâu. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, dù ở phương Tây thì mọi thứ cũng phải phụ thuộc vào khả năng của chính mình, không xã hội nào mang cho không ai cái gì.

Cái khổ

Sống nơi đất khách quê người, ít ai thoát kiếp tha phương cầu thực. Ai nấy quanh năm cắm đầu làm việc, được bao nhiêu tiền tích cóp gửi về quê hương. Mua mảnh đất, cất ngôi nhà cũng chỉ với mong muốn sau này già sẽ lại hồi hương, khi đó tiền nong rủng rỉnh rồi, nhà cửa khang trang rồi, lại được ở quê hương sống đời no ấm đến lúc chết. Kịch bản chung ấy vừa đẹp vừa đầy đau khổ. Vì thế mà nhà văn Hồ Anh Thái từng tuyên bố trong một truyện ngắn của ông rằng, Việt kiều đừng coi quê hương là cái nghĩa trang như thế.

Trong một lần tại sảnh chờ sân bay Havel, Cộng hòa Czech, tôi gặp một đồng hương cùng về Việt Nam ăn Tết. Anh Hòa* trạc bốn mươi tuổi, dáng thấp, vâm váp và lam lũ. Dù đã sống ở trời Tây chục năm trời, từ lúc đi bán hàng thuê cho tới nay làm chủ hẳn một shop thực phẩm ở chợ người Việt vùng biên giới Czech - Đức nhưng cái chất quê mùa còn đậm đà nơi anh ở giọng nói méo âm “e” đặc trưng, ở gương mặt nghệt âm u trai làng, ở dáng cục mịch và lối mặc của dân lao động có tiền với quần bò Levis, áo khoác da. Dù đã vượt qua cửa an ninh trót lọt, nhưng khi ngồi ở sảnh chờ, một cảnh sát vẫn dẫn chó đến chỗ anh ngửi hít kiểm tra và cuối cùng, anh bị gọi vào phòng kiểm tra đặc biệt, ở đó, họ yêu cầu anh trình báo tổng số tiền mang đi. Anh Hòa có chín ngàn chín trăm đô-la tiền mặt, không vượt quá số tiền quy định nên cuối cùng lại được cho qua. Anh Hòa cho biết, cảnh sát và chó cảnh sát ở sân bay rất hay kiểm tra dân Việt Nam và Trung Quốc, bởi họ biết những người này thường mang nhiều tiền mặt về quê. Đúng vậy, sau khi “thoát” được anh cảnh sát ở sân bay Havel, tới sân bay Sheremetyevo của Nga, chúng tôi dừng để chuyển máy bay, anh Hòa hồ hởi mời tôi vào tiệm cà phê uống một ly, nhưng khi quán đòi trả tiền trước và chỉ chấp nhận thẻ hoặc tiền mặt là đồng rúp Nga thì anh Hòa ngẩn ngơ với cái ví lèn chặt đô-la mà không mua nổi hai ly cà phê của mình. Dân Việt đi lao động hoặc buôn bán ngoài chợ tại phương Tây, hầu như không dùng thẻ ATM hoặc visa, họ chỉ dùng tiền mặt.

Đầu đen, quần bò, áo da, dáng thấp và thô, mặt nghệt với cái ví lèn chặt đô-la, lơ ngơ ở sân bay và luôn bị cảnh sát phương Tây để mắt đến - đó là hình ảnh điển hình của một người Việt đi lao động hoặc làm ăn buôn bán ở phương Tây trở về thăm quê. Tôi nhìn họ mà không khỏi cảm thấy buồn. Cũng chỉ là những cuộc di chuyển vì giá áo túi cơm của người Việt muốn thoát nghèo, phải đánh đổi nhiều thứ, trong đó là con mắt khinh khi của người phương Tây, thể hiện rõ nhất qua thái độ của người cảnh sát ở sân bay hôm ấy dành cho mình. Tôi không gọi đó là sự đổi đời mà đó là cuộc trả giá quá đắt.

Bà Liên* di cư sang châu Âu từ những năm bảy mươi, cũng lấy chồng Âu, sinh con, mở cửa hàng bán đồ thực phẩm châu Á, làm ăn được, có của để dành. Thế nhưng mỗi khi mùa lạnh tới, tuyết trắng phủ kín đất với cái lạnh tới âm hai mươi độ thì đó là mùa cực hình đối với bà và cả cậu con trai người Việt bà có với người chồng trước. Bà Liên và con trai riêng của bà đều có mong muốn giống nhau là sẽ trở về Việt Nam sống khi tuổi cao sức yếu. Hơn bốn chục năm sống ở trời Tây, được nhập quốc tịch là công dân EU nhưng họ vẫn không thể thuộc về nơi này. Mọi chuyện kinh doanh ở phương Tây họ đã rành rẽ, thậm chí còn biết cách lẩn trốn thuế ra sao, văn hóa đã biết, phong tục tập quán của Tây cũng biết cả, nhưng không thể thành thói quen, không thành máu thịt được. Cho dù có tận lực tham gia nhiệt tình đến đâu vào cuộc sống và các sự kiện của cuộc sống ở phương Tây thì cảm giác chơi vơi, ngoài cuộc không bao giờ buông tha bà Liên, con trai cả của bà và những Việt kiều như bà.

Cái yếu

Người Việt có tập quán tốt là trong khó khăn hoạn nạn luôn biết chia sẻ và giúp đỡ nhau tận tình. Tuy nhiên, trong làm ăn kinh doanh thì lại không đoàn kết, hợp tác được với nhau và khi có người thành công thì cộng đồng bằng mặt mà không bằng lòng, khăng khăng không công nhận cái tài của nhau, thậm chí còn đố kỵ và hại lẫn nhau. Vì thế, trên thế giới, cộng đồng người Việt di cư không được đánh giá là cộng đồng mạnh, đáng nể. Cộng đồng Việt kiều có thể quấn túm với nhau, nhưng không đoàn kết hết lòng để tạo nên sức mạnh chung hòng có thể làm nên những chuyện động trời khuấy đất như cộng đồng người Trung Quốc hay Israel.

Người Việt ra nước ngoài định cư theo dạng vượt biên, kết hôn, đoàn tụ gia đình, kinh doanh, lao động xuất khẩu khá nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công, được phương Tây công nhận cỡ Ngô Bảo Châu thì quá ít. Hầu hết Việt kiều đều đi làm thuê những công việc chân tay mà dân phương Tây không muốn làm như dọn vệ sinh, phục vụ ở quán ăn, làm đẹp móng tay móng chân, công nhân trong các xưởng công nghiệp độc hại cao… Những người làm kinh doanh thì đa số ở dạng buôn thúng bán mẹt, ít người làm ăn bài bản được như dân bản xứ, kinh doanh xuất sắc vượt trội dân bản xứ lại càng hiếm hoi. Những nghề danh giá như nhà khoa học, luật sư, bác sĩ, kỹ sư công nghệ, công chức chính phủ, quản lý cấp cao ở các tập đoàn kinh tế, nhà văn, nhà báo… thì Việt kiều khó chạm tới. Cũng có thế hệ thứ hai sinh ra ở phương Tây, ngấm văn hóa Tây từ trong nôi, đi học đại học hẳn hoi, bằng cấp sáng nhưng sau khi đi làm tại các cơ quan một thời gian thì lại nghỉ việc, ra ngoài chợ buôn thúng bán mẹt như bố mẹ của họ (thế hệ thứ nhất). Lý do thay đổi nghe không được thuận tai cho lắm, rằng đi làm công chức như Tây thì lương chỉ đủ tiêu, thời gian bó buộc, không thích. Ra chợ mở cửa hàng thoải mái hơn, tiền rủng rỉnh. Họ lại cất bằng cấp đi, chấp nhận ra ngoài chợ, đứng sau quầy tính tiền, cắm mặt vào muôn loại hàng hóa, cộng trừ nhân chia từ sáng sớm tới khuya hoặc sục chân trong tuyết trắng ngoài trời với chiếc xe hàng bán rong nơi công cộng. Hàng hóa đều nhập từ Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Thổ… với giá rẻ, thu nhập phần lớn từ lậu thuế bằng cách không bao giờ kê khai đủ lượng hàng bán.

Việt kiều trí thức mà thành công trong xã hội phương Tây đã ít thì lại luôn bị chính cộng đồng Việt kiều soi rất kỹ. Sự chống đối ngấm ngầm thường xảy ra bằng tin đồn, bằng những câu chuyện sau lưng từ quán ăn sáng, các cuộc tụ tập quanh bàn trà, quán cà phê nhằm kiềm tỏa sự phát triển của cá nhân thành công, dám ngóc đầu lên trong xã hội Tây. Trường hợp bác sĩ Minh* là một điển hình. Anh rời Việt Nam định cư ở nước ngoài từ đầu thập niên tám mươi. Học tập, trưởng thành và hòa nhập tốt với xã hội phương Tây, anh trở thành một bác sĩ danh tiếng khiến Tây cũng nể vì, nhưng anh lại bị cộng đồng Việt kiều kiểm soát bởi sự chống đối và tẩy chay nếu anh trót tham gia những hoạt động xã hội tích cực. Cộng đồng dùng những chiêu bài chính trị để gán ghép cho anh Minh khiến anh đau đầu và dần tránh những hoạt động bên ngoài, sợ tiếp xúc vì ngại va chạm phức tạp. Vì sự đố kỵ mà cộng đồng Việt kiều kiềm tỏa lẫn nhau, triệt tiêu sự tự do của nhau, kìm hãm nhau phát triển.

Nguy hiểm hơn là trong chuyện kinh doanh, làm ăn, cộng đồng Việt kiều không chỉ thiếu đoàn kết mà còn hại nhau. Chuyện xử lý nhau theo kiểu xã hội đen từng xảy ra trong cộng đồng Việt kiều ở Czech và Đức khi tranh sân bán hàng. Bà Thanh* - một trong những người sáng lập chợ Sapa (chợ người Việt) ở Cộng hòa Czech đã từng mất một người con trai do bị đối thủ bắt cóc và giết hại ở Đức. Anh Tuấn* - một chủ chợ khác cũng từng bị đối thủ lừa vào tròng trong một phi vụ làm ăn, đã phải vào tù, hậu duệ của anh tiếp quản công việc làm ăn thì bị đối thủ cài bẫy, đưa vào vòng ăn chơi sa đọa, nghiện ma túy cờ bạc, cuối cùng gia sản và doanh nghiệp tiêu tán, thực ra là rơi vào tay đối thủ. Trường hợp của Lan* vì muốn trụ lại châu Âu, cô vừa chấp nhận chi phí dịch vụ cao, vừa phải ngủ với người làm giấy tờ để anh ta lo thủ tục thẻ cư trú cho cô. Những phụ nữ Việt chân ướt chân ráo sang Tây lao động hoặc buôn bán phải đối mặt với cảnh sát nhập cư và khi họ không rành luật, không giỏi tiếng bản xứ thường phải nhờ qua dịch vụ chạy giấy tờ của chính người Việt sẽ bị đồng hương lợi dụng cả tiền bạc và thân xác.

Chính vì lẽ đó mà nhiều năm nay, dù đã ra khỏi đất nước nhưng cộng đồng Việt kiều vẫn bị người bản xứ coi thường như một thứ hạ đẳng. Cảm giác thấp cấp đeo đẳng người Việt còn dai dẳng đến bao giờ nếu như chính Việt kiều không thoát khỏi những thói quen cố hữu xấu xí đóng khuôn vào mình hết kiếp này đến kiếp khác. Đi có xa đến mấy, nhưng nếu không bỏ được thói quen đã ăn vào máu, kìm hãm sự phát triển thì cuối cùng vẫn đứng cuối hạng mà thôi.

* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi


Kiều Mai Khanh
Ý kiến của bạn