Hà Nội

Góc khuất nghề y - Chuyện giờ mới kể

TS.BS. Võ Xuân Sơn

TS.BS. Võ Xuân Sơn

29-11-2015 00:00 | Y tế
google news

SKĐS - Sau khoảng 6 giờ đồng hồ, đến quá nửa đêm, sản phụ mới được cứu sống với hơn 40 đơn vị máu cùng với một kíp gây mê hồi sức điều động từ nơi khác và kíp mổ có sự tham gia của một nhóm bác sĩ từ BV Chợ Rẫy. Những câu chuyện như thế này, người trong ngành y mới hiểu

Sau khoảng 6 giờ đồng hồ, đến quá nửa đêm, sản phụ mới được cứu sống với hơn 40 đơn vị máu cùng với một kíp gây mê hồi sức điều động từ nơi khác và kíp mổ có sự tham gia của một nhóm bác sĩ từ BV Chợ Rẫy. Có thể nói đây là một kì tích y khoa. Tuy nhiên, câu chuyện đã không được công bố...

Câu chuyện xảy ra cách đây khoảng 3 năm. Rất tình cờ, tôi được chứng kiến một trường hợp cấp cứu hi hữu của nghề y. Một sản phụ sinh con xong thì bị băng huyết. Sau khi áp dụng các biện pháp cấp cứu khác không thành công, các bác sĩ quyết định mổ cắt tử cung. Mọi chuyện đều vượt ra ngoài dự đoán khi sản phụ luôn rơi vào thế nguy kịch. Sau khoảng 6 giờ đồng hồ, đến quá nửa đêm, sản phụ mới được cứu sống với hơn 40 đơn vị máu cùng với một kíp gây mê hồi sức điều động từ nơi khác và kíp mổ có sự tham gia của một nhóm các bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Có thể nói đây là một kì tích y khoa. Tuy nhiên, câu chuyện đã không được công bố. Ngay cả người chồng cũng không biết rằng đã có một phép màu giữ lại mạng sống cho vợ mình.

Nhiều ca cấp cứu sản phụ đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra quyết định nhanh chóng (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: TM

Nhiều ca cấp cứu sản phụ đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra quyết định nhanh chóng (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: TM

Những người không trực tiếp biết câu chuyện này sẽ thắc mắc: Làm gì mà băng huyết và cắt tử cung ghê gớm đến thế, rồi lấy đâu ra 40 đơn vị máu để truyền trong vòng 6 tiếng đồng hồ, Bệnh viện Chợ Rẫy thì biết gì về sản khoa mà mổ cắt tử cung... Do những người trực tiếp với ca cấp cứu này không thích nói về nó nên tôi xin phép không đi sâu vào chi tiết. Sản phụ và người nhà chỉ là người dân bình thường, không có chức vụ, cũng chẳng giàu có, không nổi tiếng. Người tổng chỉ huy ngày hôm đó có khả năng tận dụng mọi mối quan hệ để cứu chữa cho sản phụ không may này. Sau khi phát lệnh mời các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia ca mổ, tôi hỏi người tổng chỉ huy về lí do, anh trả lời: “Chỉ có những nơi quen với việc quyết tâm cấp cứu, giành giật sự sống mới có đủ khả năng xử lí những trường hợp như thế này”. Thực tế chứng minh là anh đúng.

Tôi gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy từ thời sinh viên. Rất may mắn, khi ra trường, tôi lại được về công tác tại đó. Không biết trước năm 1975 thì sao nhưng sau năm 1975, Bệnh viện Chợ Rẫy là tuyến cuối của khu vực phía Nam. Do là tuyến cuối nên Bệnh viện Chợ Rẫy không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được, trừ khi đó là những chuyên khoa mà bệnh viện không có. Ngay khi còn là sinh viên, tôi đã chứng kiến được những trường hợp mà các bác sĩ ở đây giành giật mạng sống với tử thần.

Một trường hợp bị cưa cắt đứt một bên sườn được đưa đến bằng xe ba gác. Khi lật tấm khăn phủ vết thương lên thì thấy phổi phòi ra qua vết cắt, phập phều cùng những tia máu nhỏ. Người bệnh nhợt nhạt, môi thâm tím. Không hồ sơ, chỉ kịp hỏi vài câu về nguyên nhân và đẩy thẳng bệnh nhân vào phòng tiểu phẫu. Không dám chờ bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ trực cấp cứu cùng vài sinh viên trực tiếp xử trí luôn. Y lệnh đưa ra liên tục và bằng miệng vì tất cả đang tham gia cấp cứu. Sau khoảng 15 phút, lồng ngực đã được khâu kín, các đường truyền đã được thiết lập, bệnh nhân hồng hào hơn một chút và được đẩy ngay lên phòng mổ lớn để xử trí cơ bản. Lúc đó đã có bác sĩ chuyên khoa nhưng hồ sơ cũng chưa kịp hoàn tất. Những câu chuyện như vậy tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhiều không đếm xuể. Theo qui định thì trước khi mổ phải hội chẩn, bác sĩ trưởng tua trực phải quyết định chỉ định mổ, trước khi đưa lên phòng mổ phải có đầy đủ hồ sơ, bệnh án, phải có đủ xét nghiệm tiền phẫu, sinh viên không được phép trực tiếp tham gia điều trị. Nhưng ở Chợ Rẫy lại không thiếu những trường hợp mà chỉ có một bác sĩ khám và không kịp thông qua trưởng tua trực đã phải đẩy lên phòng mổ. Các bác sĩ gây mê cũng không cự nự gì khi mà hồ sơ còn chưa có bệnh án, chưa có chữ kí chỉ định mổ, thậm chí chưa có cả kết quả xét nghiệm tiền phẫu. Bệnh nhân được đưa vào trong phòng mổ và chuẩn bị gây mê. Chỉ định mổ có thể chỉ là cái gật đầu của bác sĩ trưởng tua (vì đang “bấn loạn” với một ca mổ khác) cùng với xét nghiệm tiền phẫu cho phép. Thế là... bắt đầu. Tất cả đều hiểu rằng chậm một chút nữa là sẽ không bao giờ cứu được bệnh nhân. Ngay cả nhanh hết mức như vậy mà khả năng cứu sống cũng chỉ rất mong manh.

Nhìn dưới một khía cạnh khác, các bác sĩ của chúng ta lại vi phạm một loạt qui chế, thậm chí các bác sĩ có thể còn phải đi tù nếu không chấp hành đúng quy chế mà chẳng may bệnh nhân chết, mặc dù việc làm trái quy chế đó là để cấp cứu cho bệnh nhân một cách kịp thời nhất. Nhưng các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã chấp nhận quên đi sự an toàn của bản thân để cứu chữa bệnh nhân. Ngoại trừ một số rất ít các trường hợp, hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng, kĩ thuật viên, không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, không phân biệt “trình độ chính trị”, đều hành xử như vậy.

Có thể có người sẽ cho rằng tôi xạo, người nhà họ vào cấp cứu chẳng thấy ai ngó ngàng tới. Không đâu, ở đó chúng tôi phân loại bệnh theo mức độ cần quan tâm theo dõi. Ngoại trừ rất ít trường hợp cá biệt, chúng tôi không quan niệm người bệnh là ai. Ngày nào chúng tôi cũng có bao nhiêu ca “vô danh”, đa số các ca “vô danh” lại là những ca nặng, phải ưu tiên cấp cứu.

Tôi và người tổng chỉ huy nói trên trưởng thành trong một môi trường như vậy. Trong môi trường đó, hai chữ “đầu hàng” ít khi được biết đến. Trong môi trường đó, không có việc lựa chọn bệnh nhân để điều trị. Trong môi trường đó, chúng tôi ít biết đến nghỉ trưa và khá quen với việc ăn bữa ăn đầu tiên trong ngày vào buổi tối. Không có trang thiết bị dụng cụ, chúng tôi chế ra. Chúng tôi lấy nẹp chân tay cưa cắt lại rồi mang cố định vào cột sống, cứu sống và trả về với gia đình hàng ngàn bệnh nhân. Không ai kể những chuyện ấy ra ngoài. Có gì đâu mà kể, coi chừng lại bị bắt giò vì làm việc không đúng qui chế.

Kinh tế thị trường đến mang theo trang thiết bị, máy móc, kĩ thuật mới... Song song đó là tiền. Khi trả nhiều tiền, người bệnh bắt đầu đòi hỏi. Và thế là việc cấp cứu khi chưa có hồ sơ giảm dần, việc chế tạo dụng cụ chấm dứt. Nhiệt huyết vẫn còn đó nhưng phải có tiền, nhiệt huyết vẫn còn đó nhưng phải có thời gian, phải hoàn tất hồ sơ, phải kí duyệt trước khi làm... Một số người do không có tiền trả cho các trang thiết bị mới đắt tiền phải ngậm ngùi ôm bệnh, một số trường hợp cấp cứu khẩn cấp không chờ được hồ sơ... Sự bức xúc trong các bác sĩ về những bất cập giảm dần. Chỉ còn vài anh “Pavel” sót lại. Tuy nhiên, khi nhiệt huyết được khơi dậy như trong trường hợp sản phụ kể trên, nó lại bùng phát.

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học. Các bài viết đăng trên diễn đàn này thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

SK&ĐS


TS.BS. Võ Xuân Sơn
Ý kiến của bạn