Điều đáng nói là trong hơn 1 tháng trở lại đây đã xảy ra nhiều vụ phản đối tại các trạm BOT giao thông, vấn đề đang nóng hơn lúc nào hết từ Bắc tới Nam…
“Bão tiền lẻ”, ngưng nhưng có tan?
Theo ông Nguyễn Văn Điều - Trạm trưởng Trạm thu phí 1 quốc lộ 5, cảnh sát giao thông và lực lượng tại trạm thu phí đã phối hợp phân luồng để chống ùn tắc. “Sau khoảng 30 phút, hơn 10 phương tiện phản đối thu phí đã qua trạm và không gây ùn tắc giao thông. Trạm thu phí không phải xả trạm như một số thông tin đồn thổi”, ông Điều nói.
Tuy nhiên, những hình ảnh đang lan truyền nhanh trên các diễn đàn mạng ngay thời điểm đó đã cho thấy sự ùn tắc cục bộ tương đối lớn. Rất nhiều lực lượng gồm cả nhân viên trạm BOT lẫn CSGT đã phải ứng trực giải quyết.
Điều gì cũng có nguyên nhân của nó. Được biết đây là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía Đông Hà Nội, hàng ngày có khoảng 15.000 - 16.000 lượt phương tiện qua trạm. Mức phí thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt, tùy loại phương tiện.
Nhiều lái xe tải cho rằng, họ không thể đi trên quốc lộ nếu không có tiền, dù đã đóng đủ loại phí bảo trì đường bộ.
Một số tài xế vận tải cho biết, khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mới đi vào hoạt động, nhiều người cho rằng sẽ không phải trả phí khi đi Quốc lộ 5 cũ vì đã trả phí quá lâu rồi. Tuy nhiên, cao tốc này đến nay đã hoạt động được gần 2 năm nhưng 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 không những vẫn hoạt động mà còn tăng phí rất cao.
Đây cũng là tâm tư của nhiều người dân, doanh nghiệp tại Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Thậm chí, cử tri tỉnh Hưng Yên đã có văn bản gửi tới Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV kiến nghị kiểm tra Trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 (Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) để giảm mức phí và theo phản ánh không có đầu tư mới nhưng trạm này vẫn tăng phí bất thường từ 10.000 đồng/lượt lên 40.000 đồng/lượt.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, những năm qua, Hiệp hội liên tục nhận được đề nghị của các Hội Vận tải địa phương đề nghị bỏ 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5. Hiệp hội đã chuyển kiến nghị này đến các bộ, ngành nhưng không được giải quyết.
Hiện nay, người dân chỉ có lựa chọn đường mức phí thấp (cũ) hoặc mức phí cao (cao tốc mới) trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng mà không có lựa chọn nào miễn phí.
Thậm chí, một nữ tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm thu phí số 1, Quốc lộ 5 (đoạn qua huyện Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) bộc bạch rằng từ nhà chị ở Phố Nối lên chỗ làm việc ở Như Quỳnh chỉ gần 10km. Mỗi lần qua trạm đều mất 40.000 đồng/lượt. Muốn đi ăn phở, chị cũng mất 80.000 đồng cả đi cả về.
Phải chấm dứt “độc quyền đường đi”
Trước đó, các ngày 13, 14/8/2017, tài xế dùng tiền lẻ để trả phí tại Trạm thu phí Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Để tránh kẹt xe, chủ đầu tư phải xả trạm trong nhiều ngày. Và thông tin gần đây nhất là cho đến 24/8, trạm thu phí này vẫn xả cửa để chờ Bộ Giao thông Vận tải xem xét, quyết định. Nguyên nhân các tài xế phản đối là vì trạm thu phí đường tránh lại đặt giữa quốc lộ khiến họ không đi mà phải trả phí oan.
Sáng 30/8, nhiều tài xế cũng đưa xe diễu hành trên Quốc lộ 3 cũ, đoạn qua xã Sơn Cẩm, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) để phản đối việc thu phí tại trạm BOT Bờ Đậu.
Trước tiên, phải khẳng định rằng các dự án BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam, tuy nhiên, mức thu phí của nhiều trạm BOT đang ở mức cao khiến người dân bức xúc và đòi hỏi phải có sự minh bạch. Giải quyết được quyền lợi cho nhà đầu tư một cách hợp lý, đồng thời không để người dân phải chịu “lệ phí oan” khi đi đường đang là câu hỏi cần nhanh chóng có lời giải đáp cả hiện tại và tương lai.
Cần nói trắng ra rằng doanh nghiệp, nhà đầu tư BOT luôn phải đặt lợi ích kinh tế của họ lên hàng đầu, đó là điều đương nhiên. Bởi vậy, cái cần của nhà quản lý là trung gian cân đối hài hòa, một cách thật khách quan giữa người đầu tư đường và người sử dụng.
Nếu không có sự minh bạch ngay từ đầu, rất dễ có trường hợp nhà đầu tư rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và ngay cả các bộ chủ quản cũng vậy. Giữ thì vấp phải sự phản đối từ người dân vì gánh nặng chi phí và sự bất hợp lý, dỡ thì không được bởi nhà đầu tư đã chôn vốn hàng nghìn tỉ đồng.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích cơ chế đầu tư BOT trên cả nước hiện đang thiếu yếu tố minh bạch. Nhà đầu tư BOT chưa phải bỏ vốn hoàn toàn mà được Nhà nước hỗ trợ vốn bằng hình thức lấy đất đổi hạ tầng. Lượng tiền để hoàn vốn cho dự án BOT rất lớn khi toàn vốn vay ngân hàng, do đó rất khó chấp nhận khi việc nhà đầu tư tính cả lãi suất, nợ gốc và lợi nhuận vào để người dân gánh.
Để gỡ nút thắt BOT, tránh những hệ lụy trong tương lai, thiết nghĩ các bộ, ngành quản lý cần nhanh chóng đưa ra sự minh bạch trong các dự án này. Đồng thời, phải chấm dứt được tình trạng “độc quyền về đường đi”, phải có sự lựa chọn phù hợp cho người dân. Bởi hiện nay, có tình trạng người dân không thể đi qua quốc lộ nếu… không có tiền dù họ đã đóng phí bảo trì đường bộ?