Ngày 20/9 đã diễn ra Hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp" do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.
Nhận diện nguyên nhân khó khăn, thách thức
Tại Hội nghị, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khó khăn, thách thức của các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, khó lường trên thế giới và Việt Nam, ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp. Cùng với đó, nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn làm tổng cầu giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường đầu vào và đầu ra của doanh nghiệp trong khu, cụm; môi trường sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị xáo trộn.
Một số kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận nguồn lực cũng được các doanh nghiệp, địa phương nêu lên trong thời gian vừa qua. Chẳng hạn, cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình "ba tại chỗ" do chi phí vận hành quá cao. Tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp như: giảm chi phí tiền điện, nước, cước viễn thông…; giảm các mức phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm giảm áp lực cho người lao động và người sử dụng lao động trong khi phải gồng gánh chi phí sản xuất và các chi phí chăm lo cho người lao động. Bảo hiểm y tế xem xét chi trả chi phí/hoặc một phần chi phí xét nghiệm Covid-19 của người lao động; tạo thuận lợi tối đa và rút ngắn thời gian thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong chịu ảnh hưởng; rút ngắn thời gian quy trình nhập cảnh cho chuyên gia, người lao động nước ngoài, nhất là những người đã tiêm đủ liều vắc xin; ưu tiên cho các đối tượng tìm hiểu cơ hội đầu tư ở Việt Nam đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới…
Bảo đảm "5 xanh" để sản xuất an toàn
Tại hội nghị trực tuyến, qua theo dõi, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có 2 lĩnh vực y tế liên quan đến phòng chống dịch, đó là công tác bảo đảm phòng chống dịch an toàn cho sản xuất và tiêm vaccine cho người lao động.
Cụ thể, về công tác bảo đảm phòng, chống dịch an toàn cho sản xuất, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về vấn đề này. Vì vậy, Bộ đề nghị các lãnh đạo các địa phương cập nhật và quán triệt tới các chủ doanh nghiệp, đơn vị quản lý doanh nghiệp, ban chỉ đạo chống dịch cấp huyện, xã nơi có cụm công nghiệp đóng trên địa bàn.
UBND cấp tỉnh cũng phải rà soát và hoàn chỉnh kế hoạch chống dịch của từng doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên giám sát theo tình hình dịch, phải phê duyệt bằng được phương án phòng chống dịch của từng doanh nghiệp và phương án xử lý doanh nghiệp khi có F0.
Về phía doanh nghiệp, phải có lộ trình, kế hoạch phòng chống dịch cụ thể để địa phương phê duyệt nhằm sẵn sàng sản xuất trở lại.
Các địa phương có doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch và thành lập các tổ công tác phòng, chống dịch do các đồng chí phó chủ tịch, phụ trách quản lý y tế trực tiếp chỉ đạo việc này và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp…
Về vấn đề tiêm vaccine cho người lao động, Thứ trưởng cho biết, tính đến ngày 17/9, Việt Nam đã tiếp cận và đưa về nước trên 43 triệu liều vaccine các loại. Đến ngày 19/9, cả nước đã thực hiện tiêm trên 34 triệu liều, còn 9 triệu liều mới được phân bổ về các địa phương.
Các địa phương cần thực hiện tiêm chủng theo quy định (tại Nghị quyết 21, Nghị quyết 105 của Chính phủ, Quyết định 3355 của Bộ Y tế) về bảo đảm công tác tiêm vaccine cho người lao động.
"Trong văn bản, Bộ Y tế đã hướng dẫn các doanh nghiệp lọc danh sách những người lao động cần phải tiêm vaccine gửi về sở y tế để xây dựng kế hoạch, báo cáo Ban Chỉ đạo chống dịch của tỉnh để tổ chức triển khai", Thứ trưởng cho biết.
Do số lượng vaccine được phân bổ về các địa phương theo từng đợt vaccine về nên Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần lập kế hoạch tiêm chủng cho các đối tượng trên địa bàn, căn cứ vào Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định 3355 của Bộ Y tế để ưu tiên tiêm cho các đối tượng, trong đó có người lao động trong các doanh nghiệp.
Trước diễn biến dịch hiện nay, đồng thời thực hiện Nghị quyết 86, Nghị quyết 105 của Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đang dự thảo các vấn đề liên quan để các doanh nghiệp trở lại sản xuất trong tình hình mới. "Chúng tôi đang dự kiến, các doanh nghiệp phải bảo đảm "5 xanh" để sản xuất an toàn trong tình hình mới gồm: Nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, nơi ở công nhân xanh, y tế tại chỗ của doanh nghiệp".
Đối với doanh nghiệp có phòng y tế tại chỗ, sẽ chủ động chăm sóc sức khỏe cho người lao động, cấp cứu ban đầu và phối kết hợp để khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp không thể mở phòng khám y tế tại chỗ, họ có ký hợp đồng với cơ sở y tế trên địa bàn nhưng các cơ sở này chỉ tập trung vào khám sức khỏe ban đầu, khi có vấn đề khác thì rất bị động.
Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch hiện nay, Thứ trưởng khuyến cáo, nếu doanh nghiệp nào ký hợp đồng với cơ sở y tế tại địa phương thì phải đề nghị cơ sở y tế cử cán bộ để tham mưu công tác phòng, chống dịch cho doanh nghiệp mình và thành lập kế hoạch công tác phòng, chống dịch giữa 2 bên để chủ động khi không may có tình huống xấu xảy ra.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng chia sẻ, qua theo dõi thực tế, các địa phương chỉ đạo rất tích cực công tác phòng, chống dịch đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, kịch bản chống dịch chưa sát với thực tế, chưa gắn với điều kiện cụ thể của doanh nghiệp, của địa phương. Vì vậy, khi dịch xảy ra, doanh nghiệp lúng túng, chưa đáp ứng được công tác phòng chống dịch.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.