Hà Nội

“Gỡ khó” hoạt động hàng hải, đẩy mạnh công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19

18-09-2021 13:51 | Doanh nghiệp

SKĐS - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã có nhiều chỉ đạo kịp thời đối với các Cảng vụ hàng hải trong hoạt động đường biển và công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Hàng trăm tấn hàng hóa được chuyển đến "vùng dịch" bằng đường biển

Tại chi nhánh Cảng Tân Vũ (Hải Phòng), từ cuối tháng 7/2021, rất nhiều chuyến tàu đã tham gia chở hàng thiết yếu miễn phí đến cảng Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, Cảng Hải Phòng cũng tiến hành bốc xếp gần 100 tấn hàng hóa bao gồm gạo, thuốc, dụng cụ kháng khuẩn, thiết bị vệ sinh y tế, thịt hộp… do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam gửi để ủng hộ Cảng Sài Gòn vào TP Hồ Chí Minh trong công tác chống dịch.

Với tinh thần tương thân tương ái, hết lòng vì đồng bào miền Nam ruột thịt và chung tay cùng các công ty trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cứu trợ miễn phí bằng đường biển, Công ty CP Cảng Hải Phòng miễn phí toàn bộ các chi phí dịch vụ liên quan đến việc đóng hàng, bốc xếp hàng hóa do các tổ chức, doanh nghiệp quyên góp, ủng hộ các tỉnh, thành phố phía Nam đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc chiến với dịch bệnh. 

Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh tại Việt Nam trong những tháng vừa qua, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của VIMC cũng bị ảnh hưởng nhiều nhưng VIMC đã có các hoạt động hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch.

Cụ thể, VIMC ủng hộ 50 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động quyên góp, ủng hộ đối với các địa phương, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch; trong đó các doanh nghiệp thành viên của VIMC đã hỗ trợ các địa phương với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.

“Gỡ khó” hoạt động hàng hải, đẩy mạnh công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Cảng Hải Phòng vận chuyển miễn phí hàng hóa, vật tư y tế cho các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, trong thời gian tất cả các phương tiện thủy đều phải tạm dừng hoạt động (trừ vận chuyển hàng hóa thiết yếu) để đáp ứng công tác phòng chống dịch thì rất nhiều doanh nghiệp đã tự nguyện cho các chốt kiểm soát trên sông, biển mượn phương tiện để thực hiện nhiệm vụ. Trên các tàu có bố trí nước sát khuẩn, bàn làm việc, đảm bảo khoảng cách khi tiếp xúc. Nhờ có những chiếc tàu thiện nguyện mà điều kiện làm việc, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát trên sông nước đỡ vất vả hơn. 

Tiêm vaccine cho thuyền viên là vấn đề cấp bách

Tại cuộc họp trực tuyến về tạo thuận lợi cho vận tải biển và dịch vụ logistics trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 ngày 17/9, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết: Hiện tại, VIMC đang có 78 tàu biển hoạt động trong nước và quốc tế với khoảng khoảng 4.000 thuyền viên. Thế nhưng số lượng sỹ quan thủy thủ được tiêm vaccine phòng COVID-19 mới chỉ được 10%. 

"Khó khăn hiện nay là tàu cập cảng biển Hải Phòng thay thuyền viên nhưng lực lượng thuyền viên dự trữ lại ở nhiều địa phương khác nhau. Để thay thế được, họ buộc phải đáp ứng yêu cầu cách ly 14 ngày nếu vào địa phận TP Hải Phòng, đồng nghĩa, tàu phải nằm chờ 14 ngày ở cảng phát sinh nhiều chi phí.

Trong khi đó, thực tế, thuyền viên chỉ đi qua Hải Phòng chứ không lưu trú. Vì vậy, Bộ GTVT cần có ý kiến đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện cho các thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR và chấp nhận quy tắc phòng COVID-19 là có thể lên tàu luôn", ông Tĩnh nói.

Chung cảnh ngộ, ông Dương Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty vận tải biển Vinaship cho biết, tàu của đơn vị này củ yếu cập ở cảng biển Quảng Ninh để làm hàng. Thế nhưng, hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quy định người từ ngoại tỉnh vào phải có giấy xét nghiệm PCR còn hiệu lực và đáp ứng tiêm đủ 2 mũi vaccine. 

"Quy định này khiến công tác thay thế thuyền viên của đơn vị gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ tiêm mũi 2 của thuyền viên còn khá ít. Cần phải hiểu rằng, cơ chế tiêm vaccine phụ thuộc vào sự phân bổ của cơ quan chức năng, không phải thuyền viên muốn tiêm là có thể tiêm ngay. Do đó, địa phương cần xem xét, nới lỏng quy định về tiêm chủng vaccine, chấp thuận cho thuyền viên có giấy xét nghiệm PCR và đi từ vùng xanh có thể di chuyển qua nội tỉnh để phục vụ công tác thay thế", ông Tú nói. 

“Gỡ khó” hoạt động hàng hải, đẩy mạnh công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Hàng hải Việt Nam đã kịp thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ tàu, doanh nghiệp hàng hải…

Đa số doanh nghiệp vận tải biển đều đánh giá cao sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ GTVT trong việc tháo gỡ những khó khăn, kịp thời đưa ra những chỉ đạo, hướng dẫn và giải pháp để giải quyết khâu lưu thông hàng hóa kết nối với Cảng biển. Qua đó đến nay, hoạt động của các cảng biển vẫn duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo công tác phòng chống dịch theo đúng quy định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài tại khu vực phía Nam, thực tế đáng lo ngại là chuỗi sản xuất đã bị gián đoạn cục bộ, sản lượng có giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đội ngũ lao động tại cảng biển, thuyền viên và các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp sản xuất liên quan đến dây chuyền xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây đều là những đối tượng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào đối tượng được ưu tiên tiêm phòng. Đây là lực lượng quan trọng để duy trì chuỗi lưu thông, xuất nhập  khẩu hàng hóa, tạo đà duy trì và phát triển kinh tế.

Kế hoạch này sẽ ưu tiên những những người đã được tiêm vaccine hoặc được điều trị dịch bệnh thành công tham gia chuỗi vận tải với lộ trình nới lỏng, mở rộng dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh tốt, giúp cho công nhân, chuyên gia đi lại thuận lợi nhất có thể.  

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tạo điều kiện hơn nữa cho công tác thay thế thuyền viên, nhất là những người đã được tiêm vaccine. 

"Nếu cần thiết, địa phương có thể thành lập tổ công tác xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ lực lượng thuyền viên trước khi xuống tàu. Nếu không có cơ chế mở, tâm lý của thủy thủ sẽ chịu tác động rất lớn nếu phải ở trên tàu dài ngày, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa", Bộ trưởng GTVT nói.

Liên quan đến đề xuất giảm phí hoạt động cho tàu, thuyền tại khu vực cảng biển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trên cơ sở kiến nghị của Bộ GTVT, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32 trong đó miễn giảm nhiều loại phí trong lĩnh vực GTVT trong đó có hàng hải. Các loại phí hàng hải liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT cũng đã được đưa xuống ở mức sàn trong suốt thời gian vừa qua. Trường hợp cần miễn giảm thêm chi phí gì, các doanh nghiệp cần nghiên cứu và tiếp tục đề xuất. Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp theo lộ trình phù hợp. 

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Bảo Nguyên
Ý kiến của bạn