Hà Nội

Gỡ khó cho việc cải tạo chung cư cũ

21-10-2020 18:16 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ năm 2007, công tác cải tạo chung cư cũ đã được Hà Nội quan tâm triển khai, song việc thực hiện rất chậm chạp. Đến nay, mới có hơn 1% chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1992, đến nay hầu hết đã hết niên hạn sử dụng. Trong quá trình sử dụng, do không được sửa chữa, bảo trì thường xuyên, các hộ dân lại tự cải tạo, cơi nới nên nhiều nhà đã xuống cấp nghiêm trọng. Khối lượng nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố lớn, trong khi ngân sách thành phố còn hạn hẹp nên để triển khai, thành phố đã huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, các quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 101/2015/NĐ-CP đang là “nút thắt” lớn khiến cải tạo chung cư gặp khó.

Cụ thể, trong tổng số 1.579 chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, có đến 969 nhà thuộc khu vực nội đô lịch sử, mà theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đây là khu vực hạn chế phát triển (về tầng cao, mật độ dân số...). Do đó, việc giải quyết bài toán cân đối tài chính cho nhà đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân, không gia tăng dân số tại khu vực... gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến khó kêu gọi nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện của Nghị định 101/2015/NĐ-CP.

Ngoài ra, quy định phải có 100% chủ sở hữu đồng thuận đang là rào cản lớn khiến việc triển khai các quy định đầu tư kéo dài, thậm chí bế tắc. Tình trạng thường thấy tại các chung cư cũ là, đa các hộ đều muốn được cải tạo, xây dựng mới. Song nhiều khu chỉ được gần 70% chủ sở hữu đồng ý với phương án đền bù. Nhiều hộ đang yêu cầu hệ số đền bù quá cao... Nên việc cải tạo lâm vào bế tắc.

chung cư cũHầu hết các chung cư cũ tại Hà Nội đã hết niên hạn sử dụng.

Trước thực trạng trên và yêu cầu tái thiết nhằm cải thiện đời sống người dân, từ năm 2007, Sở Xây dựng Hà Nội đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng, phân loại hiện trạng được 940 nhà chung cư cũ theo 4 mức độ. Trong đó, đã thực hiện kiểm định 343 nhà, xác định 200 nhà cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường); 6 nhà cấp D (phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay, có nguy cơ sập đổ). Tuy nhiên, đến nay mới có 16 nhà hoàn thành cải tạo, xây dựng mới, đưa vào sử dụng (chiếm hơn 1%); 12 nhà đang phá dỡ, triển khai xây dựng. Đặc biệt, trong số 6 chung cư cũ nguy hiểm cấp D, mới có 1 nhà (C1 Thành Công, quận Ba Đình) hoàn thành di dời người dân, phá dỡ và xây dựng mới.

Thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố, trong đó đề xuất một số cơ chế chính sách cần tháo gỡ. Đáng chú ý, để giải quyết tình trạng chỉ một vài hộ dân không đồng ý dẫn đến dự án ách tắc, thành phố kiến nghị cho phép quy định tỷ lệ từ 70% chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư (không phải cấp D) thống nhất là được thực hiện phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố được chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được duyệt, phù hợp với thực tế từng dự án, khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hà Nội cũng đề xuất cụ thể về cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư...

Nhìn nhận rõ những vướng mắc của công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội nói riêng, các đô thị lớn trên cả nước nói chung, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tổ chức ngày 3/9/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng ban Chỉ đạo đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2015/NĐ-CP để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đang tích cực hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan.

Với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và thành phố, hy vọng rằng, những “nút thắt” trong công tác cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ sẽ sớm được tháo gỡ.


Minh Đức
Ý kiến của bạn