Thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu trang thiết bị hiện đại, thiếu một số kỹ thuật xét nghiệm để hỗ trợ trong công tác đào tạo, chẩn đoán, những kĩ thuật cao không có trang thiết bị thực hành dẫn đến tình trạng bị mai một kiến thức… Đây là một trong rất nhiều nội dung quan trọng được đưa ra bàn luận tại Hội thảo khoa học Đào tạo chuyên khoa YHHĐ và YHCT kết hợp YHHĐ cho đối tượng bác sĩ YHCT được Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tổ chức sáng nay 19/5 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Học viện Y Dược học cổ truyền VIệt Nam, Y dược cổ truyền đã và đang đóng một vai trò rất quan trọng ở mỗi người dân ở hầu hết các quốc gia vì sự tiện lợi, tính an toàn và hiệu quả. Vai trò và giá trị sử dụng của y dược cổ truyền trên khắp thế giới ngày càng được thừa nhận rộng rãi trong phòng, chữa bệnh và phục hồi chức năng cũng như nâng cao sức khỏe. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết, có trên 100 triệu người châu Âu hiện đang sử dụng các phương pháp y học cổ truyền và con số còn lớn hơn Châu Phi, châu Á, Châu Úc. Tại Việt Nam xu hướng này cũng đang tăng, tỉ lệ người dân mong muốn và đang lựa chọn các phương pháp y học cổ truyền từ 43,4% đến 92%. Theo đó, Y học cổ truyền đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống…Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, nhân lực hành nghề y dược học cổ truyền VIệt Nam hiện nay còn nhiều bất cập như thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu trang thiết bị hiện đại…
Tại Hội thảo, TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, lồng ghép y dược cổ truyền và y dược hiện đại trong chiến lược phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe là cách tiếp cận tương lai của nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở Việt Nam, ngày 12/4/2017 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại trong khám chữa bệnh. Để thực hiện tốt chương trình này đòi hỏi cán bộ y tế phải được đào tạo chuyên sâu cả y học cổ truyền lẫn y học hiện đại để có thể kết hợp một cách khoa học, nhuần nhuyễn hai nền y học.
Hiện nay, nguồn nhân lực phục vụ hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền được đào tạo từ hai chuyên ngành chính là y đa khoa và y học cổ truyền. Cả hai đối tượng này đều có mong muốn tiếp tục học tập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức mà họ còn thiếu trong quá trình đào tạo và cũng là phần kiến thức cần thiết trong thực hành nghề nghiệp.
Các bác sĩ đa khoa khi làm y học cổ truyền được nhà nước cho phép học sau đại học về y học cổ truyền và y học hiện đại như chuyên khoa định hướng, chuyên khoa I, II, thạc sĩ, tiến sĩ, các khóa học ngắn hạn… Trong khi chương trình đào tạo bác sĩ y học cổ truyền được xây dựng trên nền tảng y đa khoa nhưng các bác sĩ y học cổ truyền sau khi tốt nghiệp chỉ được học các bậc học sau đại học về y học cổ truyền mà không được phép học thêm sau đại học về y học hiện đại. Như vậy, các bác sĩ này sẽ rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo hướng chuyên khoa hóa tại các bệnh viện y học cổ truyền hiện nay.
TS. Cảnh cũng cho biết thêm, từ năm học 2017 - 2018, Học viện sẽ triển khai chương trình đào tạo tích hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền. Các học viên tốt nghiệp y học hiện đại có thể học thêm chứng chỉ để có thêm văn bằng hai về y học cổ truyền và ngược lại. Như vậy, nguồn nhân lực do Học viện đào tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về chuyên môn, đem lại hiệu quả trong phòng bệnh và điều trị đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân, đồng thời đủ năng lực hội nhập với khu vực và quốc tế.