Gỡ khó cho dân và doanh nghiệp

16-07-2013 10:20 | Thời sự
google news

Thời gian qua, hàng loạt các kỳ họp của HĐND cấp tỉnh, thành đã kết thúc phiên làm việc giữa năm.

Thời gian qua, hàng loạt các kỳ họp của HĐND cấp tỉnh, thành đã kết thúc phiên làm việc giữa năm. Nhìn lại kết quả của các phiên làm việc đều nhận thấy mối quan tâm chung của các đại biểu HĐND cũng như cử tri ở mỗi thành phố, đó là phải sớm tìm ra giải pháp giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới cho người lao động, đồng thời giữ vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Người nông dân đang phải đối mặt với khó khăn khi giá nông sản xuống thấp. Họ vẫn đang phải đối mặt với tình trạng giá lên thì chạy theo, giá xuống thì thiệt. Theo ông Trịnh Văn Hùng - xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội), ông đã nuôi lợn 12 năm nay với quy mô 1.000 con, trong đó có 100 con lợn nái. Tháng trước, giá lợn chỉ còn 37.000 đồng/kg trong khi để có lãi giá lợn phải là 45.000 đồng/kg. Không chỉ vậy, giá thức ăn liên tục tăng và đã tăng tới 20-25% so với năm 2012 khiến người chăn nuôi lỗ nặng... Trong khi đó, tại thành thị, công ăn việc làm đang là mối quan tâm của người dân trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp đã gia tăng so với cùng kỳ năm trước (2,88% so với 1,96%). Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở cả khu vực thành thị (3,85% so với 3,21%), cả ở khu vực nông thôn (1,57% so với 1,39%). Thất nghiệp không chỉ diễn ra đối với lao động giản đơn, lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc mới qua học nghề ngắn hạn với trình độ còn thấp, mà còn diễn ra đối với cả lao động tốt nghiệp các trường đào tạo, kể cả cao đẳng, đại học. Vấn đề lao động việc làm đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các chủ thể trên thị trường lao động. Trước hết, đối với bản thân người lao động phải chủ động tự lo công ăn việc làm, tránh trông chờ ỷ lại vào gia đình, xã hội. Muốn vậy, người lao động phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật trên cơ sở được học hành, đào tạo; chủ động tìm việc làm phù hợp. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với DN về thu nhập, thời gian, tránh đứng núi này trông núi nọ, nhưng cũng không để chủ sử dụng lạm dụng làm sai các chính sách, chế độ (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc, điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh lao động).

Đối với các DN, trong lúc khó khăn vẫn phải quan tâm để giữ cho được những lao động có trình độ quản lý, trình độ tay nghề; trong lúc khó khăn về vốn, về tiêu thụ, nhưng nhiều DN không những giữ người giỏi mà còn tranh thủ cơ hội để thu hút được số lao động có trình độ quản lý và trình độ tay nghề cao để chuẩn bị cho bước phục hồi sau này. Đối với các bộ, ngành, cần thực hiện tốt các chính sách đã có, đồng thời cần bổ sung chính sách mới để hỗ trợ các DN sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ đào tạo nghề, đồng thời giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Các giải pháp giúp người nông dân vượt qua khó khăn trong thời kỳ hiện tại cần phải đến trực tiếp với họ - những người đáng được thụ hưởng. Tránh tình trạng lòng vòng, “tắc” ở khâu trung gian, để họ yên tâm đầu tư sản xuất.    

  Hoàng Quân


Ý kiến của bạn