Trên hành trình đó, phép màu mang tên khoa học được thắp lên, tạo ra những hạnh phúc vô bờ cho các gia đình.

Bác sĩ CKII Lê Huy Bình - Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn thăm khám cho bệnh nhân.
Xác định được nguyên nhân gốc rễ, quyết định cho sự thành công
Được các người bệnh đặt cho biệt danh trìu mến là "ông mụ mát tay", với gần 20 năm làm nghề, bác sĩ Lê Huy Bình, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện HTSS & Nam Học Sài Gòn đã thành công đem đến cho hàng ngàn gia đình những niềm vui trọn vẹn mang tên "tiếng khóc trẻ thơ".
Khi được hỏi điều gì đã gắn bó bản thân với sự nghiệp "ươm mầm hạnh phúc" này, bác sĩ Bình chia sẻ: "Đó là vô số những khoảnh khắc cảm động khi các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn được nghe tiếng khóc đầu đời của con".
Nhớ lại một số trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc trong suốt quá trình làm nghề của mình, ông kể: "Người bệnh đã từng điều trị hiếm muộn ở một cơ sở khác nhưng thất bại sau nhiều lần chuyển phôi. Khi tìm đến chúng tôi, số lượng phôi còn khá ít. Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm nội mạc tử cung mãn tính - đây có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại làm tổ sau chuyển phôi. Sau đợt điều trị kháng sinh, bệnh nhân đợi chu kỳ mới để chuyển bị nội mạc chuyển phôi. Nhưng điều bất ngờ, trong quá trình chờ, bệnh nhân đã quay lại bệnh viện và báo mang thai tự nhiên. Việc điều trị đúng nguyên nhân gây hiếm muộn đã giúp cặp vợ chồng mang thai tự nhiên mà không cần dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, đó thực sự là một thành công và là điều mà tất cả những y bác sĩ như chúng tôi đều mong đợi".
Trong rất nhiều những yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của việc điều trị, bác sĩ Bình dẫn chứng một trường hợp khác, bệnh nhân đến thăm khám với chỉ số AMH (xác định khả năng sinh sản của buồng trứng) chỉ còn 0,6 và bệnh nhân chỉ mới 37 tuổi, mong muốn có con. Đây là một trường hợp suy buồng trứng sớm ở bệnh nhân 37 tuổi, cần xét nghiệm thêm các chỉ số nội tiết khác để đánh giá khả năng điều trị IVF, và nếu điều trị IVF thì việc lấy trứng bằng cách kích trừng thường quy hay là phải gom trứng nhiều chu kỳ. Sau khi đánh giá tổng thể nội tiết - chu kỳ kinh - số nang noãn đầu chu kỳ, bác sĩ quyết định thực hiện phác đồ gom trứng cho người bệnh.

Những “phép màu IVF” đang mang đến niềm hạnh phúc vô bờ bến cho các gia đình.
"Việc gom trứng dựa vào số trứng phát triển tự nhiên của mỗi chu kỳ kinh nguyệt và chúng ta có thể không dùng thuốc kích trứng hay dùng liều rất thấp để hỗ trợ trứng (giảm chi phí tiền thuốc) vì vậy mỗi chu kỳ ta chỉ lấy được 1 vài trứng, đôi khi cũng không có trứng. Do đó phải thực hiện nhiều chu kỳ để đủ số lượng trứng làm thụ tinh.
Sau khi lựa chọn phương án gom trứng theo tư vấn của bác sĩ Bình, bệnh nhân đã gom được 10 trứng, được 7 phôi, trữ 2 phôi N3 loại 2, nuôi 5 phôi N3 lên N5 được 4 phôi N5 loại 2 và chuyển phôi thành công ở lần đầu tiên.
Bật mí thêm về kinh nghiệm trong hơn 17 năm qua, bác sĩ Bình chia sẻ: "Điều quan trọng nhất với bác sĩ vô sinh hiếm muộn là chẩn đoán chính xác nguyên nhân hiếm muộn của đôi vợ chồng, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp trên từng cá thể, ngoài ra rất cần sự hỗ trợ từ các nhân sự khác trong bệnh viện (xét nghiệm, phòng mổ, phòng Lab…), cũng như các trang thiết bị hiện đại được bệnh viện trang bị.
Hành trình xóa bỏ những định kiến

Trên hành trình điều trị vô sinh, hiếm muộn, việc phá vỡ những định kiến và chia sẻ bớt những áp lực, đồng hành với chị em phụ nữ là vô cùng cần thiết.
Sinh ra và lớn lên ở TP.HCM, bác sĩ Lê Huy Bình đã lựa chọn gắn bó với nghề y và khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sản phụ khoa, bác sĩ Bình tiếp tục vừa học vừa làm để nâng cao trình độ chuyên môn.
Tưởng rằng sẽ gắn bó lâu dài với sản khoa, nhưng một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời đã đưa bác sĩ Bình đến với chuyên ngành vô sinh hiếm muộn. Trong quá trình học BSCKII, ông đã chọn đề tài khóa luận: "Tỷ lệ biểu hiện trầm cảm trên bệnh nhân chuyển phôi thất bại ở bệnh nhân điều trị IVF tại Bệnh viện Hùng Vương". Quá trình nghiên cứu đã mở ra cánh cửa để bác sĩ Bình nhận ra những giá trị và tiềm năng của lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn. "Tôi nhận thấy chuyên ngành này mang đến nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng, và trong tương lai, những kỹ thuật tiên tiến sẽ giúp việc điều trị vô sinh hiếm muộn trở nên dễ dàng hơn. Do vậy, tôi quyết định rẽ hướng từ sản khoa sang chuyên ngành này" - bác sĩ Bình chia sẻ.
Từ một đề tài khóa luận liên quan tới tâm lý của bệnh nhân điều trị IVF, càng đi sâu, bác sĩ Bình càng thấu hiểu được những áp lực tâm lý đang đè nặng lên các bệnh nhân và gia đình của họ.
"Cây độc không trái, người độc không con", "đàn bà không con thì nên ở giá",… mỗi ngày khi tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân, bác sĩ đã lắng nghe được không ít những tâm sự như kể trên. Dù xã hội đã thay đổi, khoa học công nghệ đã chứng minh những điều ngược lại, vô sinh có thể bắt nguồn từ một trong hai vợ chồng, hoặc cả hai nhưng trong nhiều gia đình, "lỗi không con" vẫn thường được đóng đinh lên vai người vợ.
"Với những ai đã từng trải qua quá trình điều trị vô sinh, hiếm muộn mới thấu được những áp lực đó khủng khiếp như thế nào. Không chỉ tốn kém về tiền bạc, đó còn là những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Nếu không có đủ nghị lực, sức mạnh, không có đủ sự kiên trì, sẽ không thể nào đi tiếp được.
Có một thực tế là quá trình thăm khám cho các bệnh nhân điều trị vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ có vấn đề ở người vợ và người chồng khá tương đương nhau. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân đến từ ai thì người vợ vẫn thường phải trải qua nhiều quá trình hơn, gồm xét nghiệm tầm soát, kích trứng, lấy trứng, chuẩn bị nội mạc, chuyển phôi và mang thai 40 tuần, sau đó là quá trình sinh con đầy vất vả....
Chị em phụ nữ gặp áp lực rất lớn, điều đó có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Vì vậy, người chồng và gia đình cần phải có sự thấu hiểu và đồng hành thì quá trình mới có thể đạt được kết quả như mong đợi", bác sĩ Lê Huy Bình cho biết.
Cũng theo bác sĩ, một vấn đề quan trọng là các cặp vợ chồng cần hiểu rằng dù là nguyên nhân đến từ phía ai thì cả hai vợ chồng phải thông cảm với nhau, giúp đỡ nhau về mặt tâm lý cũng như các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày để có thể thành công trong quá trình điều trị vô sinh hiếm muộn. "Điều quan trọng là chúng ta không nên quy kết nguyên nhân gây hiếm muộn do một ai. Đây là cách để có được kết quả tốt nhất khi điều trị "- bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Lê Huy Bình, hiện nay tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày càng tăng. Vì vậy, các cặp vợ chồng khi gặp các vấn đề muộn đường con cái, nên thăm khám một cách kỹ lưỡng tại các cơ sở y tế chuyên khoa, với các thầy thuốc có uy tín, kinh nghiệm, có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra phác đồ điều trị cá nhân hóa, tối ưu cho mỗi người.
"Việc sử dụng các loại thuốc quảng cáo trên mạng không có sự chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những ảnh hưởng đến kết quả điều trị", bác sĩ Bình khuyến cáo.
PV