Gõ cửa, cửa đã mở

31-12-2013 12:58 AM | Tin nóng y tế

SKĐS - Chương trình Phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng bắt đầu triển khai từ năm 1987, từ đó, người khuyết tật Việt Nam được chăm sóc và phục hồi toàn diện hơn, vị thế của ngành PHCN được nâng lên một tầm cao mới, góp phần chăm sóc người khuyết tật trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dâ

Chương trình Phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng bắt đầu triển khai từ năm 1987, từ đó, người khuyết tật Việt Nam được chăm sóc và phục hồi toàn diện hơn, vị thế của ngành PHCN được nâng lên một tầm cao mới, góp phần chăm sóc người khuyết tật trong chiến lược chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hậu quả chiến tranh để lại

Chiến tranh hóa học tại Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971 là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Trong vòng 10 năm, quân đội Mỹ đã thực hiện 19.905 phi vụ rải chất độc hóa học xuống 25.585 thôn, ấp thuộc lãnh thổ Việt Nam với diện tích khoảng từ 1,5 - 2,6 triệu ha, trong số đó có 86% diện tích rải 2 lần và 11% diện tích trải trên 10 lần. 76,9 triệu lít chất độc hóa học đã được rải xuống, trong đó, chất độc da cam chiếm 64% và lượng dioxin ít nhất là 366kg. Nhiều nghiên cứu của thế giới và Việt Nam đã chứng minh rằng chất độc hóa học/dioxin gây nên nhiều dạng dị tật bẩm sinh, các bất thường về thai sản, gây ung thư và nhiều bệnh khác cho người bị phơi nhiễm. Ước tính hiện nay có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Hàng triệu người đang phải sống trong bệnh tật, đói nghèo do di chứng của chất độc da cam gây nên.


	Tập huấn kỹ thuật PHCN và cách ghi chép sổ sách, báo cáo cho CTV.

Tập huấn kỹ thuật PHCN và cách ghi chép sổ sách, báo cáo cho CTV.

Chất độc da cam đã gây ra hậu quả y sinh học lâu dài, không những đối với các cựu chiến binh Việt Nam đã từng tham gia chiến tranh, mà còn cả thế hệ thứ 2, thứ 3, con em của những người đã bị phơi nhiễm, thậm chí trẻ em sống ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có những biểu hiện bệnh lý. Tác động lâu dài của dioxin không chỉ có 20 năm, mà có thể lên tới trên 100 năm. Số người bị ảnh hưởng của chất độc này cũng không chỉ dừng ở 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người.

Xoa dịu nỗi đau

Nhằm góp phần khắc phục hậu quả của chiến tranh tại Việt Nam, năm 2006, Bộ Y tế đã tiếp nhận Dự án “Tổ chức phục hồi chức năng tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam” với 100% nguồn kinh phí từ Chính phủ Việt Nam. Dự án được giao cho Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện và thực hiện trong 3 năm từ năm 2008 - 2010, sau đó được kéo dài cho đến hết năm 2013.  Dự án được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, trong đó việc hoàn thiện mô hình PHCN cho nạn nhân tại cộng đồng được triển khai thí điểm tại 3 tỉnh đại diện cho Bắc - Trung - Nam gồm Thái Bình, Quảng Ngãi và Đồng Nai; tại mỗi tỉnh, dự án chọn 1 huyện để thí điểm thực hiện. Dự án được tiến hành tại các địa phương dưới các hình thức: PHCN tại viện, phẫu thuật và cung cấp dụng cụ trợ giúp được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh của 3 tỉnh thực hiện dự án. Hoạt động truyền thông, tập huấn và xây dựng kế hoạch chiến lược cũng như quy chế PHCN cho nạn nhân được triển khai trên phạm vi cả nước. Đối tượng chính mà dự án hướng tới là: nạn nhân chất độc hóa học được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và người khuyết tật trong vùng dự án.

Mục tiêu hướng tới là cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân chất độc hóa học da cam/dioxin, giúp họ hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp can thiệp kỹ thuật PHCN, cung cấp trợ giúp chuyển giao kiến thức và hướng dẫn PHCN cho nạn nhân, trong đó tập trung chuyển giao kiến thức về PHCN cho nạn nhân và gia đình tại cộng đồng và cung cấp các dịch vụ (mổ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp, tập luyện PHCN) cho nạn nhân. Tăng cường năng lực chuyên môn và quản lý dịch vụ PHCN cho nạn nhân tại các cơ sở điều trị và đào tạo về PHCN...

Đã đi và đến…

Với sự tham gia đồng bộ của các ngành cùng sự chủ động của Bộ Y tế đã cung cấp các dịch vụ (mổ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp, tập luyện PHCN) cho nạn nhân. Thực hiện điều tra và phát hiện nhu cầu cho 14.886 nạn nhân và người khuyết tật (NN&NKT), đạt 150% kế hoạch. Hàng nghìn lượt NN&NKT đã được thăm khám, phẫu thuật cùng với gần 8.000 NN&NKT có nhu cầu được phát hiện sớm và tập PHCN tại nhà. Dự án đã cấp phát dụng cụ giúp các loại theo nhu cầu cho 2.200 NN&NKT, trong đó có 210 xe lăn; 200 xe lắc và 200 ghế bại não cho nạn nhân khó khăn trong vận động và 200 máy trợ thính cho nạn nhân khó khăn về nghe; 11 nẹp chỉnh hình cho nạn nhân tại Thái Bình. Trong dự án, vai trò của các CTV là rất quan trọng trong công tác hướng dẫn gia đình NN&NKT làm 1.386 dụng cụ trợ giúp tự tạo (thanh song song tập đi, nạng chữ Y, ghế tập đi...) cho NN&NKT. 5.458 NN&NKT được lập hồ sơ PHCN tại nhà, đồng thời thường xuyên được cập nhật và báo cáo lên tuyến trên; 870 cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, CTV và người nhà nạn nhân được tập huấn cách phát hiện NN&NKT.

Hơn 700 cộng tác viên và cán bộ y tế được tập huấn điều tra phát hiện và đánh giá nhu cầu PHCN của NKT; được đào tạo, chuyển giao kiến thức về PHCN; hướng dẫn cách sử dụng sổ tay CTV và sổ theo dõi tập luyện PHCN tại nhà cho các CTV và cán bộ chuyên trách.

Công tác đào tạo cũng được coi trọng, gần 300 học viên là cán bộ chủ chốt về PHCN của 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia các lớp tập huấn, trong đó, gần 100 học viên là cán bộ chủ chốt thuộc các cơ sở điều trị và đào tạo về PHCN tham dự lớp chuyên ngành sâu theo chủ đề: “Dị tật bẩm sinh do dioxin” và “Các bệnh ung thư liên quan đến dioxin”. Gần 200 học viên là cán bộ quản lý PHCN của Sở Y tế; BVĐK tỉnh; BV ĐD - PHCN tỉnh và cơ sở đào tạo về PHCN tham dự lớp tập huấn chuyên ngành sâu theo chủ đề “Quản lý và tổ chức PHCNDVCĐ cho nạn nhân chất độc hóa học”; Đào tạo cho hơn 200 cán bộ chủ chốt PHCN tuyến huyện của 3 tỉnh dự án tham gia các lớp tập huấn chuyên ngành sâu theo các chủ đề: “Dị tật bẩm sinh do dioxin”;  “Các bệnh ung thư liên quan đến dioxin” và “Quản lý tổ chức PHCNDVCĐ cho nạn nhân chất độc hóa học”. 100% CTV và thành viên gia đình NN&NKT được bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật tập luyện PHCN thường xuyên qua các buổi hội thảo, tập huấn...

Thông tin liên quan đến PHCN cho nạn nhân đã được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng thông qua nhiều hình thức truyền thông như truyền hình, báo, đài, diễn đàn. Các lớp tập huấn báo cáo viên truyền thông PHCN cho nạn nhân da cam/dioxin được tổ chức giúp tăng cường trao đổi thông tin về PHCN cho NN&NKT, đồng thời đào tạo một đội ngũ truyền thông cộng đồng giúp truyền bá rộng rãi trong cộng đồng những thông tin về NN &NKT, những thông tin về dự án,  từ đó kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ NN&NKT.

Biên soạn, phát hành các tài liệu hướng dẫn PHCN cho nạn nhân chất độc hóa học da cam/dioxin. Dự án đã xây dựng được 15 loại tài liệu về quản lý và về chuyên môn kỹ thuật PHCN cho NN&NKT. Tổng cộng 29.800 cuốn đã được phát hành, trong đó, cuốn PHCN NN chất độc hóa học/dioxin (500 trang) đã được in 1.300 cuốn; 8 cuốn sách nhỏ PHCN một số dạng khuyết tật với 15.500 bản in. Các tài liệu này đã được phát đến các cộng tác viên; cán bộ y tế các cấp không chỉ cho 3 tỉnh mà cho cả nước qua các lớp tập huấn và cấp cho gia đình NN&NKT.

Dựa trên nền tảng những mô hình PHCN đang áp dụng cho người khuyết tật nói chung, dự án đã chi tiết, cụ thể hóa đồng thời hoàn thiện mô hình và tổng hợp thành các mô hình thực tiễn hơn khi áp dụng triển khai các hoạt động PHCN cho nạn nhân, 3 mô hình đã được xây dựng có ý nghĩa quan trọng khi triển khai các hoạt động PHCN cho NN&NKT. Mô hình quản lý và giám sát dự án: Trong mô mình thể hiện rõ: quy trình quản lý, việc theo dõi và thực hiện tập luyện PHCN, hỗ trợ cho NN&NKT phải bắt đầu từ chính gia đình NN&NKT, từ chính bản thân và những người thân trong gia đình của NN&NKT. Từ gia đình, những thông tin về nhu cầu của NN&NKT được tổng hợp và gửi lên các tuyến trên và tạo thành hệ thống quản lý. Về quy trình giám sát, ngược với quy trình quản lý, hoạt động giám sát cần bắt đầu từ tuyến Trung ương đến các tuyến dưới và gia đình NN& NKT (95% CTV và gia đình tiến hành ghi chép sổ theo dõi tốt).

Mô hình tổ chức thực hiện dự án: Vai trò trung tâm và chủ đạo trong tổ chức thực hiện các hoạt động của dự án thuộc về ngành y tế. Cùng phối hợp, hỗ trợ thực hiện chính cho y tế là các Bộ LĐ-TB&XH và Hội Nạn nhân da cam TW. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các bộ, ngành khác.

Mô hình đào tạo nhân lực PHCN dựa vào cộng đồng (PHCN DVCĐ): Điều chỉnh dựa trên mô hình đào tạo nguồn nhân lực đã có của ngành PHCN, dự án dựa vào kinh nghiệm triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn về chuyên môn và quản lý cho đội ngũ CBYT và CTV PHCN tại cộng đồng để hoàn thiện mô hình cho phù hợp với thực tế. Khi triển khai nhân rộng dự án, các tỉnh có thể áp dụng mô hình này để đào tạo nhân lực, xây dựng hệ thống nhân lực PHCN DVCĐ có đủ trình độ chuyên môn và trình độ quản lý đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe, hòa nhập cộng đồng của NN&NKT.            

PGS.TS. Trần Trọng Hải

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH