Chưa đáp ứng yêu cầu
Trạm Y tế xã Kim Liên là 1 trong 6 trạm y tế của huyện Nam Đàn, Nghệ An được chọn để “Triển khai mô hình điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở”. Sở dĩ trạm được chọn là nhờ các tiêu chí về nhân lực, vật lực, có điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mọi mặt cũng như triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Hiện nay, trạm y tế này ngoài phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 14 nghìn nhân khẩu của xã, trạm còn tiếp nhận cấp cứu và điều trị ban đầu cho du khách về thăm quê Bác.
Chăm sóc bệnh nhân mắc sởi tại Bản Piềng Coọc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Nhật Lân.
Tuy “nổi” hơn rất nhiều trạm y tế trong tỉnh nhưng thực sự ở thời điểm này Trạm Y tế xã Kim Liên không có trang thiết bị y tế hiện đại nào đáng kể. Nhiều người dân vẫn thường xuyên đến trạm y tế khi ốm đau, bởi bệnh viện cách xa hàng chục km. Bà Nguyễn Thị Hoa, xóm Hội 1, xã Kim Liên cho hay: “Nhà tôi thường đến trạm khi ốm đau, vì tiện lợi, gần nhà. Chỉ khi bệnh nặng thì mới nhờ cán bộ của trạm giới thiệu chuyển đi bệnh viện”.
Bác sĩ Vương Khánh Định, Trưởng Trạm Y tế xã Kim Liên cho hay: “Y, bác sĩ của trạm đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu người dân bởi thiếu những trang thiết bị y tế tối cần thiết. Hiện Trạm chỉ có một ống nghe tim phổi và bộ đo huyết áp, không có siêu âm, điện tim, xét nghiệm,...Vừa qua, Trạm đã được chọn để triển khai mô hình điểm. Chúng tôi đã nhận thông báo sẽ được nhận gói đầu tư 200 triệu đồng đầu tư phương tiện. Trạm đã lên kế hoạch tiếp nhận”.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm y tế vùng đồng bằng đã yếu và thiếu, ở miền núi còn khó khăn, thiếu thốn hơn. Phần lớn trạm y tế các huyện miền núi xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp. Tại Trạm Y tế xã Tam Hợp, huyện Tương Dương nhiều phòng ốc xuống cấp, tường nứt vỡ chưa được đầu tư khắc phục. Riêng phòng sản đã 2 năm không sử dụng được.
Bà Lương Thị Đạo, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hợp huyện Tương Dương, Nghệ An thừa nhận: “Tam Hợp là xã đặc biệt khó khăn, từ đây là đến bệnh viện huyện phải hàng chục km, đường xá đi lại khó khăn, nên trạm y tế đóng vai trò quan trọng đối với việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho dân. Nhưng như thực trạng hiện nay thì trạm không thể đáp ứng được...”.
Cùng chung tay vào cuộc
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Nghệ An, tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 480 trạm y tế , trong đó có 421 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên trên thực tế đa số ở các trạm y tế phường, xã chưa đáp ứng được yêu cầu. Các trạm y tế xã mới chỉ thực hiện đạt bình quân là 33,6% danh mục kỹ thuật. Số trạm y tế có máy siêu âm, máy điện tim chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không chỉ gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh mà riêng đội ngũ nguồn nhân lực cho y tế cơ sở, cụ thể là trạm y tế vẫn là bài toán nan giải. Điều này lý giải vì sao có những trạm y tế có các thiết bị hiện đại nhưng đang “đắp chiếu” do thiếu người vận hành.
BS. Hồ Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nam Đàn nêu ý kiến: “Thiếu về cơ sở vật chất trang thiết bị có thể đầu tư. Tuy nhiên đội ngũ cán bộ, nhất là bác sĩ cho trạm y tế sẽ rất khó khăn. Phần lớn bác sĩ ở trạm y tế đã cao tuổi, trong khi đội ngũ bác sĩ trẻ khó thu hút về trạm y tế được. Chưa nói đến khi có nhiều trang thiết bị thì một bác sĩ khó có thể làm chủ được. Với 6 trạm được xây dựng mô hình điểm, mỗi Trạm thiếu ít nhất 1 cán bộ để vận hành trơn tru việc quản lý sức khỏe.
Chính vì sự thiếu này mà người dân bỏ qua trạm y tế, thậm chí cả tuyến huyện để lên thẳng tuyến trên. Đây chính là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Hầu hết các bệnh viện từ tuyến 2 đến tuyến 1 ở Nghệ An hiện đều vượt công suất trên 20%, có bệnh viện vượt trên 50% như Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Ung bướu.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến cơ sở là một yêu cầu bức thiết không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe ban đầu cho người dân mà còn giảm chi phí khám chữa bệnh, đảm bảo cân đối nguồn quỹ khám chữa bệnh BHYT tại Nghệ An.
PGS.TS. Dương Đình Chỉnh - Quyền Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: “Ngành y tế đã và đang tham mưu cho tỉnh có những cơ chế khuyến khích nhằm thu hút bác sĩ về công tác tại y tế tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, ngành cũng ưu tiên biên chế nhằm thu hút những người này. Trong thời gian tới, chắc chắn khi số lượng bác sĩ tốt nghiệp ra trường nhiều, vấn đề thu hút bác sĩ không còn quá nan giải. Song hành với đó, ngành sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn thông qua các chương trình đào tạo của Bộ, dự án của tổ chức quốc tế. Riêng với vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong bối cảnh các chương trình dự án không còn, ngành rất mong nhận được sự vào cuộc, chung tay của các địa phương”.