Glôcôm – Những điều cần biết

04-03-2016 20:46 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Glôcôm là tình trạng bệnh do một số cơ chế gây ra tăng áp lực trong mắt. Theo thời gian nhãn áp tăng gây tổn thương cho các dây thần kinh thị giác.

Mắt là cơ quan quan trọng của cơ thể.  Giống như một chiếc máy ảnh, mắt nhận thông tin về hình dạng, màu sắc, chuyển động và chuyển nó đến não. Sau đó, não xử lý thông tin này để chúng ta có thể nhìn. Giống như huyết áp, chúng ta có áp lực trong mắt, gọi là nhãn áp.

Glôcôm là tình trạng bệnh do một số cơ chế gây ra tăng áp lực trong mắt. Theo thời gian nhãn áp tăng gây tổn thương cho các dây thần kinh thị giác. Thật không may, tổn thương do Glôcôm gây ra cho dây thần kinh thị giác là không thể phục hồi.

Triệu chứng

Phần lớn các thể glôcôm không gây triệu chứng, đây là lý do tại sao bệnh được gọi là “kẻ thù thầm lặng”.

Trong một số thể bệnh ít gặp hơn, nhãn áp có thể tăng cao trong thời gian gian ngắn và bệnh nhân có thể bị đau mắt, đỏ mắt và nhìn thấy quầng sáng quanh đèn.

Người bệnh cũng có thể buồn nôn và nôn trong cơn tăng nhãn áp, bệnh có thể được báo trước bởi tình trạng nhìn mờ khi nhìn lâu, ví dụ như khi xem phim.

Mặt khác, phần lớn các thể bệnh glôcôm chỉ gây giảm dần dần ở vùng chúng ta có thể nhìn thấy. Tình trạng này xảy ra từ ngoài vào trong và phần lớn bệnh nhân không nhận ra.

Điều trị

Điều trị glôcôm là nhằm ngăn ngừa tổn thương nặng hơn cho dây thần kinh thị giác. Điều trị không thể phục hồi được thị lực đã mất. Toàn bộ điều trị là nhằm kiểm soát nhãn áp nằm trong mức kiểm soát để ngăn thị lực suy giảm thêm. Quan trọng hơn, vì mục tiêu của tất cả các phương pháp điều trị đều giống nhau, nghĩa là nhằm kiểm soát áp lực trong mắt, nên không có phương pháp nào ưu việt hơn hẳn. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm. Điều trị gồm thuốc nhỏ mắt, thuốc uống, phẫu thuật laze, phẫu thuật mắt hoặc kết hợp các phương pháp.

Thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt chống Glôcôm chủ yếu giảm bài tiết chất dịch trong mắt và từ đó giảm nhãn áp. Thuốc nhỏ mắt có thể gây nóng rát hoặc đau nhức khi nhỏ. Điều này thường do thành phần kháng khuẩn có trong dung dịch nhỏ mắt và không phải do bản thân thuốc. Mặc dù nó có thể gây khó chịu nhưng chỉ kéo dài vài giây. Quan trọng là bạn cần nhỏ thuốc theo đơn nếu bạn phải kiểm soát nhãn áp.

Ví dụ, thuốc nhỏ mắt thường được chỉ định nhỏ 2 lần mỗi ngày cách nhau 12 giờ. Bạn có thể nhỏ vào 7 giờ sáng và 7 giờ tối (tối đa 15-30 phút mỗi bên), đảm bảo rằng thuốc có hiệu lực trong suốt 24 giờ.

Vì thuốc nhỏ mắt được hấp thu vào máu, nên bạn cần trao đổi với bác sĩ về những bệnh khác bạn có thể mắc và tất cả các thuốc bạn đang dùng để kết hợp an toàn. Giảm thiểu hấp thu trong máu và tối đa lượng thuốc được hấp thu trong mắt, nhắm chặt mắt trong 2-3 phút sau khi nhỏ thuốc và ấn nhẹ vào khóe mắt trong để chặn lệ đạo không cho thuốc chảy xuống mũi .

Thuốc nhỏ mắt có thể gây thay đổi đáng kể trong lối sống của bạn. Nhưng không nên bỏ liều vì như vậy có thể khiến mắt tiếp tục bị tổn thương dây thần kinh.

Thuốc uống

Đôi khi, thuốc nhỏ mắt không đủ để kiểm soát nhãn áp. Trong trường hợp này, thuốc uống có thể được kê đơn cùng với thuốc nhỏ mắt. Thuốc uống có nhiều tác dụng phụ hơn so với thuốc nhỏ mắt. Do vậy, chúng thường được kê trong thời gian ngắn để kiểm soát nhãn áp.

Thủ thuật laser

Những thủ thuật này được khuyên dùng trong một số thể bệnh glôcôm. Thủ thuật laser phổ biến nhất được thực hiện cho glôcôm góc đóng, còn được gọi là cắt mống mắt chu biên. Thủ thuật này kéo dài khoảng 1-3 phút, không đau và được thực hiện ngoại trú. Tia laser sẽ được chiếu trực tiếp vào để dịch trong mắt dẫn lưu tốt hơn. Bạn có thể trở lại các hoạt động bình thường trong thời gian ngắn sau thủ thuật. Bác sĩ sẽ kiểm tra nhãn áp 1 tiếng sau đó. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định loại thuốc chống glôcôm cần dùng sau thủ thuật. Biến chứng tiềm ẩn của thủ thuật laser thường nhẹ và hiếm xảy ra

Phẫu thuật

Phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị glôcôm là cắt bè củng mạng. Trong phẫu thuật này, các bác sĩ sẽ cắt một miếng nhỏ ở củng mạc mắt để dẫn lưu dịcht. Thủ thuật này thường được thực hiện sau khi tiêm thuốc gây tê xung quanh mắt ở bệnh nhân ngoại trú. Bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực và nhãn áp trong ngày cho bạn. Mặc dù cắt bè củng mạc là một phẫu thuật khá an toàn, các biến chứng vẫn có thể xảy ra, do vậy phẫu thuật cần thận trọng. Sau khi cắt bè củng mạc, phần lớn bệnh nhân có thể không cần tiếp tục uống các thuốc chống glôcôm. Một số ít có thể cần phẫu thuật bổ sung.

Quá trình kiểm soát glôcôm không chỉ dừng lại bằng việc điều trị cho bệnh nhân. Glôcôm có xu hướng di truyền. Vì vậy, người thân của bạn cũng cần được kiểm tra.


BS Cẩm Tú
Ý kiến của bạn