Glôcôm chỉ có thể bị phát hiện thông qua việc khám mắt

17-03-2022 09:49 | Y học 360
google news

Nặng mắt, mỏi mắt, nhức mắt nhẹ thoáng qua, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, lóe sáng nhẹ,… là những biểu hiện của Glôcôm – căn bệnh gây gây mù lòa đứng thứ 2 trên toàn thế giới.

Hưởng ứng tuần lễ Glôcôm thế giới từ ngày 6 – 12/3, với sự tài trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam, Bệnh viện Mắt Bà Rịa - Vũng Tàu, Hệ thống bệnh viện Mắt Sài Gòn và HelloBacsi đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Căn bệnh Glôcôm – Kẻ cắp thị lực thầm lặng".

Với sự tham gia của Thầy thuốc nhân dân, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Viết Giáp - Giám đốc bệnh viện mắt tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Trần Quốc Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mắt Sài Gòn, tọa đàm đã mang đến những thông tin cơ bản giúp hạn chế tối đa sự tác động của Glôcôm đến sức khỏe của đôi mắt.

Glôcôm chỉ có thể bị phát hiện thông qua việc khám mắt - Ảnh 1.

ThS.BS Nguyễn Trần Quốc Hoàng và BSCKII Nguyễn Viết Giáp (từ trái sang) tham gia tọa đàm trực tuyến "Căn bệnh Glôcôm – Kẻ cắp thị lực thầm lặng" vào ngày 12/3/2022

Những tổn thương do Glôcôm gây ra là không thể phục hồi

BSCKII Nguyễn Viết Giáp cho biết, Glôcôm (cườm nước hay thiên đầu thống) là tình trạng bệnh lý do sự tổn thương của dây thần kinh thị giác, khiến thị trường và thị lực của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Đặc biệt, những biểu hiện này thường diễn ra trong thầm lặng khiến thị lực, dây thần kinh ngày một mất và chết dần đi. Theo thời gian, thị trường của người bệnh sẽ bị thu hẹp, thị lực giảm dần và dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị sớm và đúng cách", bác sĩ Giáp chia sẻ.

Glôcôm thường được phân thành 2 loại: Glôcôm góc mở và Glôcôm góc đóng. Đối với Glôcôm góc đóng, thủy dịch không thể đến hệ thống thoát dịch, nên ứ đọng khiến nhãn áp tăng rất cao và gây tổn thương trong thời gian ngắn. Các dấu hiệu thường đột ngột xuất hiện với các biểu hiện rầm rộ như đau nhức mắt dữ dội, giảm thị lực trầm trọng, buồn nôn,... và cần phải được cấp cứu. Ngược lại, ở Glôcôm góc mở, thủy dịch vẫn đến được hệ thống thoát dịch, nhưng không thoát được do đường thoát bị nghẽn khiến nhãn áp tăng cao và gây tổn thương thị lực.

"Vì bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, tiến triển âm thầm, từ từ và nặng dần khiến cho 50% người bị Glôcôm không biết mình mắc bệnh. Có những trường hợp phát bệnh đã 10 năm nhưng bệnh nhân không hề hay biết vì mắt đã quen và thích ứng dần với tình trạng tăng nhãn áp mà Glôcôm gây ra. Chỉ khi mất đi 1 phần thị trường hay tăng nhãn áp trong các đợt cấp thì bệnh nhân mới biểu hiện các triệu chứng và đi khám, lúc đó bệnh đã ở giai đoạn nặng, nguy cơ mù lòa rất cao", ThS.BS Nguyễn Trần Quốc Hoàng giải thích vì sao Glôcôm được gọi là "kẻ cắp thị lực thầm lặng"

"Kẻ cắp thị lực thầm lặng" chỉ có thể bị phát hiện thông qua khám mắt

Căn bệnh Glôcôm có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn tuổi. Cụ thể, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh Glôcôm bao gồm: người già trên 60 tuổi, người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, thiếu máu hồng cầu hình liềm, người có tiền sử chấn thương mắt hoặc đã phẫu thuật mắt, người bị cận thị hoặc viễn thị cao, người có tiền căn sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài, người có tiền sử gia đình mắc bệnh Glôcôm (yếu tố di truyền khiến trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc Glôcôm).

Đối với những trường hợp Glôcôm mãn tính (cả góc đóng và góc mở), người bệnh rất khó nhận biết các triệu chứng của bệnh ngay từ giai đoạn đầu do bệnh diễn ra trong thầm lặng. Cũng chính vì vậy, bệnh thường chỉ được phát hiện trong các buổi khám mắt định kỳ hoặc khi bệnh đã tiến triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực hoặc thị trường. Trong trường hợp này có một số dấu hiệu cảnh báo không rõ ràng và không đặc hiệu như nặng mắt; mỏi mắt; nhức mắt nhẹ thoáng qua; nhìn đèn có quầng xanh đỏ, lóe sáng nhẹ; thường phải day dụi mắt; thu hẹp tầm nhìn;…

Glôcôm chỉ có thể bị phát hiện thông qua việc khám mắt - Ảnh 2.

Các chuyên gia khẳng định Glôcôm chỉ có thể phát hiện thông qua việc khám mắt định kỳ và kêu gọi mọi người theo dõi sức khỏe mắt thường xuyên.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơn Glôcôm cấp tính, người bệnh sẽ có các triệu chứng tại mắt và toàn thân rầm rộ của tình trạng tăng nhãn áp như đau một bên đầu và mắt cùng bên dữ dội; giảm thị lực, nhìn mờ như có sương mù trước mắt; nhìn thấy quầng tán sắc khi nhìn vào đèn ban đêm; kích thích chảy nước mắt; nôn, buồn nôn hoặc người mệt lả,…

Các chuyên gia khẳng định, cách tốt nhất và hiệu quả nhất để có thể sớm phát hiện các bệnh Glôcôm là thường xuyên khám mắt định kỳ, cho dù bạn có hay không có các vấn đề về mắt. Cụ thể, đối với người từ 40 tuổi trở lên nên đi thăm khám mắt với tần suất 1 năm/ lần, 6 tháng/lần với người có người thân mắc bệnh Glôcôm, định kỳ hàng tháng đối với bệnh nhân được chẩn đoán bệnh

Độc giả có thể xem lại buổi tọa đàm tại đây.


PV
Ý kiến của bạn