Glocom – biến chứng thầm lặng trên mắt cận thị

03-10-2022 14:04 | Y học 360
google news

Cận thị không đơn thuần là đeo kính mà còn có thể gây ra rất nhiều tổn thương nghiêm trọng của đáy mắt, có thể dẫn đến mù lòa. Trong đó, bệnh lý glocom ở mắt cận thị có thể dẫn đến tổn thương thần kinh của võng mạc, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.

Glocom là bệnh gì?

Trao đổi cùng Sức khỏe và Đời sống, ThS.BS Mai Thị Anh Thư – Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho hay, Glocom là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự teo mỏng lớp sợi thần kinh của võng mạc. Biểu hiện lâm sàng là sự tổn thương thị trường và mỏng viền thần kinh của gai thị (đầu dây thần kinh thị giác).

photo-1664778814883

Glocom được chia làm nhiều thể bệnh dựa theo nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, diễn biến bệnh... Trên mắt cận thị thường gặp Glocom góc mở, có diễn biến mạn tính âm thầm nên dễ bị bỏ qua giai đoạn sớm. Khi phát hiện được, bệnh thường đã ở giai đoạn nặng, tổn thương trầm trọng lớp sợi thần kinh của võng mạc gây ra sự thu hẹp thị trường và giảm thị lực, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tổn thương lớp sợi thần kinh võng mạc do Glocom là không thể hồi phục nên việc phát hiện sớm, điều trị phù hợp và theo dõi thường xuyên là rất cần thiết để duy trì thị lực và thị trường của mắt.

Mắt cận thị có nguy cơ mắc glocom cao

Cũng theo ThS.BS Mai Thị Anh Thư, cơ chế của Glocom trên mắt cận thị và Glocom góc mở nói chung cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên có hai cơ chế hiện đang được cho là hợp lý nhất bao gồm: Tác động cơ học do tình trạng nhãn áp cao lên lớp sợi thần kinh và sự thiếu máu nuôi dưỡng của gai thị.

Trên mắt cận thị, đặc biệt là cận thị cao trên -6D trục nhãn cầu dài làm cho cấu trúc các lớp mô liên kết của võng mạc kém chặt chẽ, khả năng chống đỡ cơ học kém hơn, lớp thần kinh thị giác có sự nhạy cảm hơn với tác động cơ học của tình trạng giao động nhãn áp. Vì vậy mắt cận thị có nguy cơ bị Glocom góc mở cao hơn mắt chính thị.

"Tỷ lệ mắc Glocom góc mở trên mắt cận thị từ 4- 4.5% so với mắt bình thường là khoảng 1.5%. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự tương quan thuận chặt chẽ giữa độ cận thị và nguy cơ bị Glocom góc mở. Độ cận càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn. Đặc biệt là cận thị nặng trên -6.00D", ThS.BS Mai Thị Anh Thư cho hay.

photo-1664778820159

Cách phòng ngừa Glocom ở người cận thị

Để giảm thiểu nguy cơ mắc Glocom ở người cận thị, vị chuyên gia đến từ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 nhấn mạnh, kiểm soát tiến triển cận thị là cách tốt nhất. Bởi, độ cận càng thấp, nguy cơ bị bệnh càng ít. Ngoài ra bệnh nhân cận thị cần phải được thăm khám toàn diện với bác sĩ nhãn khoa thông qua các bước như kiểm tra thị lực, khúc xạ, đo nhãn áp, soi đáy mắt, làm một số xét nghiệm cận lâm sàng nếu cần thiết khác. Khi phát hiện sớm bệnh mới có thể duy trì thị lực lâu dài.

"Cận thị không đơn thuần là đeo kính mà còn có thể gây ra rất nhiều tổn thương nghiêm trọng của đáy mắt, có thể dẫn đến mù lòa. Thăm khám toàn diện định kỳ với bác sĩ mắt và kiểm soát tiến triển cận thị là cách tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý do cận thị gây ra, duy trì thị lực tốt cho người bệnh", ThS.BS Mai Thị Anh Thư khuyên.

Hiện Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 là một trong các bệnh viện có các chương trình tổ chức khám tầm soát bệnh lý Glocom. Bệnh viện được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, máy móc chuyên về nhãn khoa tiên tiến trên thế giới để phục vụ cho việc thăm khám, điều trị, phẫu thuật trong nhãn khoa.

Glocom – biến chứng thầm lặng trên mắt cận thị - Ảnh 3.


PV
Ý kiến của bạn