Glaucoma bẩm sinh chữa cách gì?

10-01-2011 10:53 | Bệnh thường gặp
google news

Glaucoma bẩm sinh là một bệnh có tần suất xuất hiện thấp nhưng là một bệnh nặng, dễ dẫn đến mù lòa nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Tôi mới sinh cháu đầu lòng được hơn một tháng, tôi thấy mắt trái của cháu thường mở to hơn mắt phải, sợ ánh sáng và chảy nhiều nước mắt. Tôi lo lắng nên đưa cháu đi khám thì được bác sĩ cho biết cháu bị glaucoma bẩm sinh. Xin hỏi, bệnh này có biện pháp nào điều trị hiệu quả?

Hà Hùng Hiếu (Lạng Sơn)

 Mắt bị glaucoma khiến giác mạc phù, đục.
Glaucoma bẩm sinh là một bệnh có tần suất xuất hiện thấp nhưng là một bệnh nặng, dễ dẫn đến mù lòa nếu trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, có tính di truyền. Triệu chứng nhận biết bệnh glaucoma bẩm sinh xuất hiện ngay từ khi trẻ chào đời nhưng phần lớn không được cha mẹ phát hiện sớm. Điều dễ nhận biết nhất là mắt trẻ to hơn bình thường do củng mạc đàn hồi nhiều nên khi áp lực trong mắt tăng lên thì mắt giãn lồi khiến giác mạc to hơn bình thường. Khi giác mạc tiếp tục giãn lồi, sẽ xuất hiện nếp gấp, dần dần giác mạc bị phù và đục. Phù giác mạc kèm theo hiện tượng sợ ánh sáng, chảy nước mắt và phù đục giác mạc. Tuy nhiên, phù đục giác mạc là giai đoạn muộn của bệnh, khó có thể phục hồi được thị lực. Hiện nay, phẫu thuật mở góc không can thiệp vào các mô xung quanh mắt trong điều trị bệnh này đã được thực hiện thành công giúp mắt trẻ ít bị kích thích và phục hồi nhanh. Bạn nên sớm đưa cháu đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám và điều trị kịp thời.

BS. Nguyễn Thu Hà


Ý kiến của bạn