Hà Nội

Giúp con thoát khỏi bạo lực học đường

27-03-2024 06:44 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Sau nhiều vụ học sinh bị bạo lực học đường, bị đánh hội đồng xảy ra mới đây, một lần nữa dư luận đặt ra câu hỏi: Có cách nào hiệu quả giúp con ứng phó với vấn nạn bạo lực học đường phức tạp như hiện nay?

Là một chuyên gia tham vấn tâm lý, trị liệu tâm lý trẻ em và vị thành niên, tôi hy vọng những chia sẻ dưới đây có thể giúp phòng ngừa và chống lại hành vi bạo lực hiệu quả, kịp thời hơn.

3 bước hỗ trợ con

Để có giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với vấn nạn bạo lực học đường phức tạp như hiện nay, với vai trò là cha mẹ thì cần thực hiện qua 3 bước. Nhưng trước khi thực hiện 3 bước này, cha mẹ cần hỏi con mình: "Con có thể ứng phó và giải quyết được vấn đề này không? Hay cần cha mẹ hỗ trợ con?".

Nếu con nói có thể giải quyết được thì cha mẹ tôn trọng quyết định của con để con tự tìm giải pháp đương đầu, tuy nhiên trong trường hợp này cha mẹ nên quan sát, hỏi tình hình và theo dõi tiến trình giải quyết của con để nhận diện xem con có thực sự giải quyết được không hay con không cần sự trợ giúp của mình vì lý do mối quan hệ chưa tốt, để kịp thời kết nối nhằm hỗ trợ con tránh tình trạng vấn đề trở nên nghiêm trọng và phức tạp hơn.

Nếu con nói cần sự hỗ trợ thì cha mẹ có thể đồng hành hỗ trợ con qua 3 bước sau.

Bước 1: Thu thập thông tin và xác định nguyên nhân

Bước này nhằm xác định tình trạng, mức độ vấn đề và những nguyên nhân đến từ con mình từ đó giúp con xây dựng giải pháp ứng phó tạm thời.

Cụ thể, cha mẹ cần bình tĩnh đón nhận và lắng nghe không phán xét con. Cha mẹ cần kết nối, từ từ chia sẻ, tâm sự hỏi han tình trạng hiện tại của con (hỏi con về thời điểm bị bắt nạt, đối tượng nào bắt nạt, mức độ và nguyên nhân bắt nạt theo cách nhìn nhận vấn đề của con).

Nên đặt những câu hỏi mở như: Vấn đề của con như thế nào? Chuyện đó xảy ra từ khi nào? Thay vì những câu hỏi có hay không - điều này làm con có tâm lý như bị hỏi cung dẫn tới con dễ phòng vệ không chia sẻ hết thông tin.

Sau đó, cha mẹ hỏi con về khả năng nhận thức vấn đề và xem xét xem trong chuyện này thì con có thể làm gì để ứng phó, giúp con nhận thức được có nguyên nhân gì đến từ con (việc này rất quan trọng, cần khéo léo tránh tâm lý đổ lỗi cho con, nên để con tự nhận thức và chia sẻ vấn đề của mình, đây cũng là cơ hội tốt để dạy và giúp con hoàn thiện mình).

Cùng con trao đổi về những giải pháp con có thể ứng phó: ví dụ như việc thay đổi mình để đương đầu, nhìn nhận sự việc khác đi và tích cực hơn trong cách xử lý vấn đề của mình. Sau đó theo dõi hiệu quả.

Tại sao lại cần làm bước này đầu tiên, bởi để giải quyết một vấn đề thì thay vì né tránh hãy đương đầu để giải quyết. Né tránh sẽ làm vấn đề trở lên phức tạp hơn và thay vì bị động hãy chủ động giải quyết vấn đề bởi chúng ta khó có thể thay đổi người khác mà chỉ có thể kiểm soát và thay đổi những suy nghĩ, nhận thức và hành vi của bản thân mình. Do đó không ai giúp con tốt nhất bằng chính con tìm ra cách giúp chính mình.

Nếu bước 1 đã làm tốt nhưng chưa hiệu quả thì việc tìm đến sự trợ giúp của một nhà tâm lý cho con là điều cần thiết bởi lẽ rất có thể cách hỗ trợ của cha mẹ trong bước này làm chưa hiệu quả, sau đó ta có thể thực hiện tiếp bước 2.

Bước 2: Xác định nguyên nhân bên ngoài

Cha mẹ cần thu thập và xác định những nguyên nhân đến từ học sinh hay nhóm học sinh bắt nạt con mình. Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng bắt nạt học đường xuất phát từ học sinh gây ra hành vi bắt nạt đó là:

Yếu tố gia đình của học sinh gây ra hành vi bắt nạt: Cha mẹ lạm dụng chất kích thích hoặc rượu bia, bỏ bê chăm sóc, thiếu tình cảm và sự gắn bó với con, cha mẹ quá khắc nghiệt hoặc quá dễ dãi, các vấn đề trong mối quan hệ của cha mẹ, hoặc cha mẹ mắc các rối loạn tâm lý, môi trường gia đình xung đột, mâu thuẫn, có những hành vi giáo dục không phù hợp… là những nguyên nhân có thể gây ra hành vi bắt nạt của đối tượng đối.

Một số nguyên nhân đến từ nhà trường và xã hội gây ra hành vi bắt nạt học đường: Cách xử lý những vấn đề kỷ luật, hạnh kiểm chưa thực sự thỏa đáng, học sinh có những tổn thương tinh thần tại trường như bị dè bỉu, cô lập, không được bạn bè chấp nhận hay chơi cùng, mô hình giáo dục chưa đúng cách.

Ngoài ra có một số nguyên nhân xã hội như việc học sinh có hành vi bắt nạt là những trường hợp ít tham gia vào các hoạt động tổ chức như câu lạc bộ thể thao, kết giao với những đối tượng phạm tội, hoặc có tiếp xúc với những thông tin truyền thông, phim ảnh mang tính bạo lực…

Bước 3: Phối hợp xây dựng thêm giải pháp

Khi xác định rõ các nguyên nhân bên ngoài, cha mẹ học sinh bị bắt nạt cần phối hợp với cha mẹ của học sinh bắt nạt và nhà trường để hỗ trợ cho học sinh đang có hành vi bắt nạt, sau đó cùng thống nhất và trao đổi về giải pháp ví dụ như: Sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý cho học sinh đi bắt nạt là điều cần thiết. Hay cha mẹ của học sinh bắt nạt cần vào cuộc để phối hợp với nhà trường nhằm đưa ra giải pháp, chế tài và cách thức hỗ trợ phù hợp dựa trên những nguyên nhân đã xác định từ bước 2. Từ đó giúp đỡ cho cả học sinh bị bắt nạt và học sinh có hành vi bắt nạt.

Những vụ việc đau lòng mới đây

Ngày 25/3, Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết đang điều tra, làm rõ vụ việc một học sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não tại sân đình Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Theo phản ánh của chị L., chiều 17/3, con trai chị là cháu N.H.Đ. (14 tuổi, đang học lớp 8) chơi bóng rổ tại sân đình Lệ Mật. Trong khi chơi bóng Đ. xích mích với cháu K. (12 tuổi). K. đã gọi anh trai (16 tuổi) và bố tới. Sau đó, K. và anh trai đánh cháu Đ. khiến cháu bất tỉnh tại chỗ. Ngay sau đó, Đ. được đưa đi cấp cứu và trải qua 2 lần phẫu thuật. "Cháu bị chấn thương sọ não nặng, tiên lượng tử vong. Do bị tổn thương quá nặng nên sự sống gần như không còn. Gia đình và các bác sĩ cố gắng duy trì sự sống cho cháu từng ngày bằng máy thở", chị L. thông tin.

Trước đó, ngày 24/3, mạng xã hội xôn xao, phẫn nộ với clip một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) bị nhóm bạn đánh hội đồng dã man. Theo nội dung chia sẻ, một nữ sinh mặc áo đồng phục bị nhóm người đánh hội đồng. Đứng quanh nữ sinh này có một số nam và nữ mặc áo đồng phục chứng kiến. Người quay clip vừa quay vừa bình luận, hoàn toàn không can thiệp. Nữ sinh liên tục bị hai người dùng tay tát, dùng chân và đầu gối thúc vào bụng và mặt. Chỉ khi nữ sinh nói: "Em xin lỗi hai chị, lần sau em không thế nữa", hai người kia mới tạm dừng tay, tuy nhiên vẫn tiếp tục mắng chửi nữ sinh.

Cũng trong gày 24/3, mạng xã hội chia sẻ thông tin, hình ảnh về việc hai nữ sinh lớp 7 và lớp 9 Trường THCS An Thượng (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) xích mích trên đường. Sau đó, người nhà của nữ sinh lớp 9 dùng tay tát liên tiếp vào mặt nữ sinh lớp 7 khiến dư luận bức xúc. Thời điểm này, nhiều người dân và học sinh chứng kiến vụ việc nhưng không ai can ngăn. Hiện, sự việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.


Giúp con thoát khỏi bạo lực học đường- Ảnh 1.

Nam sinh Đ. (quận Long Biên, Hà Nội) bị đánh chấn thương sọ não đang điều trị tại bệnh viện.


Giúp con thoát khỏi bạo lực học đường- Ảnh 2.

Một nữ sinh lớp 8 Trường THCS Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) bị nhóm bạn đánh hội đồng.


Giúp con thoát khỏi bạo lực học đường- Ảnh 3.

Do mâu thuẫn, nữ sinh lớp 7 Trường THCS An Thượng (TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị người nhà của một học sinh lớp 9 cùng trường tát liên tiếp vào mặt.

Thông tin mới vụ học sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổThông tin mới vụ học sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ

SKĐS - Liên quan đến vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não tại đình Lệ Mật, ngày 25/3, trả lời PV Báo Sức khỏe và Đời sống, lãnh đạo Công an quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đơn vị đang điều tra, làm rõ vụ việc.

Chuyên gia tâm lý Vũ Trường Giang
Giám đốc Trung tâm tham vấn và trị liệu tâm lý Mindful Care
Ý kiến của bạn