Giúp trẻ khỏe, vui khi vào lớp 1

18-09-2014 07:37 | Đời sống
google news

SKĐS - Khi trẻ vào lớp 1 là thời điểm có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý ở trẻ. không khí học tập với những người bạn mới lạ

Khi trẻ vào lớp 1 là thời điểm có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý ở trẻ. không khí học tập với những người bạn mới lạ có thể gây cho trẻ những căng thẳng về tâm lý, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ.

Những lưu ý cần thiết trong bài viết này sẽ giúp quý phụ huynh có thể chuẩn bị tốt cho trẻ mọi mặt để bước vào lớp 1.

Sang chấn tâm lý khi trẻ vào lớp 1 và biện pháp khắc phục

Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã nói đến sự cần thiết và vai trò của trường mầm non trong việc phát triển cũng như chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1. Để vào lớp 1, trẻ cần được chuẩn bị tâm lý “sẵn sàng đi học” - hay còn gọi là “độ chín muồi”. Vì thế một trong những yêu cầu quan trọng để giúp trẻ vào học tốt chương trình tiểu học là cần chuẩn bị cho trẻ các mặt về thể chất, trí tuệ, tình cảm - xã hội, ngôn ngữ và một số kỹ năng cần thiết cho hoạt động học tập của trẻ.

Theo phân tích của các nhà khoa học, khi chuyển tiếp giữa mầm non và tiểu học phải đảm bảo sự kế thừa, tính khoa học, những kiến thức đã được hình thành ở lứa tuổi mầm non cần phải được củng cố và mở rộng, hoàn thiện ở mức độ cao hơn giúp trẻ không bị những thay đổi đột ngột khi chuyển hoạt động chủ đạo từ vui chơi sang học tập trong nhà trường phổ thông. Chính vì thế việc chuẩn bị tốt cho trẻ về thể chất, tâm lý từ tuổi mẫu giáo là yêu cầu quan trọng giúp trẻ thích ứng tốt với việc học tập ở bậc học phổ thông.

Vào lớp 1 cũng đồng nghĩa với việc trẻ thay đổi môi trường học tập, không ít trẻ chịu sang chấn tâm lý tác động, trên thực tế thì sau thời gian khai giảng nhiều trẻ rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, hoảng sợ…Việc này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như kết quả học tập của trẻ sau này. Để tránh hiện tượng này, phụ huynh phải thực hiện những hoạt động sau đây:

Cho trẻ biết lịch hằng ngày cụ thể của trẻ là như thế nào, đến trường và về nhà lúc mấy giờ.

Cho trẻ biết là đến trường sẽ rất vui và sẽ có thêm nhiều bạn mới, có nhiều trò chơi mới.

Phụ huynh nên dắt trẻ đến thăm trường, cho trẻ làm quen với khung cảnh lớp học để trẻ bớt bỡ ngỡ, căng thẳng tâm lý… Phụ huynh đừng quên nói với trẻ rằng tất cả những đứa trẻ khác đều lo sợ khi ngày đầu tiên đến trường.

Cố gắng sắp xếp sao cho trẻ có thể gặp các bạn cùng lớp trước khi bắt đầu đi học, như vậy trẻ sẽ có bạn ngay từ ngày đầu đến trường. Hãy thu xếp sao cho trẻ có thể đến trường cùng với các bạn hàng xóm khác.

Phụ huynh có thể để một đồ vật “yêu thích” của trẻ vào trong cặp để trẻ biết rằng cha mẹ luôn luôn bên cạnh khi mình đang ở trường. Phụ huynh cam đoan với trẻ rằng dù cho có bất kỳ vấn đề nào xảy ra ở trường thì cha mẹ sẽ đến đó ngay để giúp trẻ giải quyết khó khăn.

Cho trẻ làm quen với cặp sách, đồ dùng học tập, cái bút, quyển sách của mình. Có thể hướng dẫn trẻ biết chiếc bút mở nắp rất nguy hiểm, nên khi viết xong cần đậy lại. Dạy trẻ cách giở sách, cách ghi nhớ, cách xếp sách vở vào ngăn cặp, cách đeo cặp trên vai.

Sự đồng hành của phụ huynh và nhà trường

Đối với trẻ lớp 1, việc học chữ chưa gây được hứng thú, việc phải làm bài tập ở nhà là một gánh nặng hay “cực hình” đối với trẻ, do vậy trẻ thường tìm cách lảng tránh. Người lớn phải làm sao để trẻ dần quen với sự thay đổi hình thức học tập, với môi trường mầm non “chơi là chính”, trong khi ở tiểu học “học là quan trọng hơn”. Tìm cách động viên trẻ, không yêu cầu làm quá nhiều bài tập. Cần xen kẽ những hình thức vận động, những trò chơi. Khi đã quen thì trẻ sẽ tự nguyện học và vui học chứ không sợ học, chán học…

Ảnh minh họa: thanhnien.com.vn
Ảnh minh họa: thanhnien.com.vn

Về phía nhà trường, ngoài việc dạy chữ theo chương trình, cần chú ý dạy xen lẫn các trò chơi để trẻ tiếp thu nhẹ nhàng thoải mái, sao cho “học mà chơi, chơi mà học”. Nên đưa nhiều trò chơi vào các môn học như: trò chơi âm nhạc, trò chơi toán học, kể chuyện sáng tạo, học múa, học vẽ, học hát trong các tiết tự chọn... giúp trẻ thư giãn và học tập đạt kết quả tốt hơn trong những năm đầu tiên cắp sách đến trường.

Vào lớp 1 là bước ngoặt quan trọng đối với trẻ, nhưng không vì thế mà các bậc cha mẹ quá lo lắng việc con mình tiếp thu được hay không, để đến mức phải cho con “đi học trước”… Tất nhiên, cha mẹ cũng phải để ý xem con mình tiếp thu có chậm hơn các bạn cùng lứa tuổi không, nhưng không có nghĩa là nhồi nhét cho trẻ học quá nhiều. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng sụn cổ tay của trẻ 5 tuổi chưa sẵn sàng để viết và học chữ. Đây là lứa tuổi trẻ vẫn cần chơi hơn là học. Một đứa trẻ học sớm sẽ rất vất vả. Một buổi học của trẻ học non tuổi sẽ vất vả bằng trẻ đúng tuổi học cả tháng trời. Trẻ chưa vào lớp 1 nếu đã biết đọc, biết viết trước, đến lớp ít phải động não. Điều này rất có hại cho trẻ vì vào học lớp 1 mà ít động não, thì lên lớp 2 và các lớp khác rất khó bắt kịp chương trình. Học sinh đến lớp không động não thì tư duy chậm phát triển hơn các em khác.

Tăng cường việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ

Khi còn học mẫu giáo, thời gian chủ yếu của trẻ vẫn là ăn, chơi và ngủ. Nhưng khi bước vào lớp 1 việc học tập sẽ chiếm nhiều thời gian hơn, trẻ phải dành nhiều thời gian cũng như trí tuệ cho việc học tập tại môi trường tiểu học. Sức khỏe chính là yếu tố quan trọng giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ mới còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn này, phụ huynh cần giúp trẻ có một sức khỏe thật tốt bằng những phương pháp rất khoa học và dễ áp dụng, cụ thể như:

- Cân bằng thời gian sinh hoạt, học tập, vui chơi cho trẻ thật hợp lý nhằm đảm bảo cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Trẻ nên được cân bằng giữa học tập và vui chơi

- Chú trọng việc rèn luyện thể lực ngoài trời “vừa sức” với trẻ như cho trẻ chơi bóng, đá bóng, bơi lội dịp cuối tuần, chạy bộ nhẹ nhàng cùng với cha, mẹ… giúp trẻ dẻo dai và có một sức đề kháng tốt.

- Đặc biệt, cần tăng cường dưỡng chất cho bé từ thực phẩm. Luôn luôn đảm bảo cung cấp cho trẻ đầy đủ 4 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, nên dự trữ sẵn trong nhà các món ăn nhanh, giàu dinh dưỡng để trẻ tiện dùng trong các bữa phụ như: sữa, các chế phẩm từ sữa (sữa chua, váng sữa, phô mai...), bánh bông lan, bánh mì ngọt, trái cây tươi. Nên hạn chế dự trữ các món ăn quá ngọt như sữa có đường, bánh ngọt, nước ngọt các loại… sẽ khiến trẻ bị no ngang và không ăn đủ bữa chính gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ.

- Giúp trẻ giữ thói quen tốt trong cuộc sống cụ thể là thói quen rửa tay thường xuyên sạch sẽ hàng ngày vào các thời điểm khuyến cáo: “trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi chơi đùa”. Cần giúp trẻ tuân thủ việc đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc trong ngày, hạn chế tối đa việc xem ti vi và chơi điện tử.

ThS.BS. Đinh Thạc

(Bệnh viện Nhi đồng 1)

 


Ý kiến của bạn