Trước khi bơi:
Trước khi đến hồ bơi, cha mẹ cần chuẩn bị một số vật dụng thông thường: khăn lông, dầu gội, xà phòng tắm, thuốc nhỏ mắt, dầu nóng, quần áo bơi, kính và mũ bơi, phao...
Trước khi xuống hồ bơi, cần cho trẻ tắm trước bằng nước sạch để theo dõi phản ứng của trẻ với nước. Nếu trẻ có biểu hiện chóng mặt, loạng choạng thì tuyệt đối không cho bơi vì lúc này, cơ thể trẻ không thích ứng với môi trường nước
Tuyệt đối không để trẻ nhảy xuống nước tắm hoặc bơi lội khi cơ thể đang ra mồ hôi, khi vừa tắm nắng hoặc ăn no. Nhảy ngay xuống nước mát lúc này, trẻ rất dễ bị cảm lạnh đột ngột.
Để tránh rủi ro như chuột rút, cần tập cho trẻ thói quen làm nóng cơ thể trước khi bơi bằng các động tác thể dục
Nên cho trẻ đến những hồ bơi dành cho thiếu nhi. Trong lần đầu tiên, nên cho trẻ tiếp xúc dần với nước hồ. Nếu đẩy mạnh trẻ xuống, trẻ sẽ có tâm lý sợ nước và không dám đi bơi nữa
Nếu trẻ đang bị đau mắt, viêm tai, mũi, họng, tắc mũi, sổ mũi... tạm thời không nên bơi lội.
Trong khi bơi:
Không để trẻ ở dưới nước quá lâu vì trẻ có thể bị nhiễm lạnh và nước ở bể bơi luôn có hóa chất, việc bơi quá lâu và không tắm rửa kỹ càng sau khi bơi có thể làm ảnh hưởng đến da trẻ.
Chú ý bảo vệ mắt, tai, mũi, họng: dặn trẻ không nên uống nước bể bơi, đặc biệt tránh nước ở bể bơi xâm nhập vào miệng.Không nên bơi lội, lặn ngụp dưới nước quá lâu, dù là ở bể bơi hoặc ở sông, hồ sạch. Đối với các em mới tập bơi, thời gian ở dưới nước trong mùa hè không nên kéo dài quá 30 phút. Vào cuối hè, đầu thu chỉ nên ở dưới nước khoảng 15-20 phút.
Trong khi bơi cần quan sát để ý trẻ, không được để trẻ tắm, ngụp, bơi lội ở những chỗ nước quá sâu, nước chảy xiết, có nhiều rong rêu mọc ngầm. Đối với những em mới tập bơi, phải có tổ chức, có người hướng dẫn, thực hiện nội quy, giờ giấc, kỷ luật tốt. Không để trẻ tự do bơi một mình, không tập bơi khi không có người hướng dẫn hoặc tranh thủ bơi trước và sau giờ quy định. Những em đã biết bơi cũng phải bơi có điều độ, vừa sức. Tai nạn chết đuối không chỉ xảy ra với người không biết bơi.
Sau khi bơi:
Khi trẻ bơi xong, cần choàng ngay khăn để tránh nhiễm gió lạnh. Ngay lập tức nên cho trẻ dùng nước sạch hoặc nước súc miệng để làm sạch khoang miệng. Điều này giúp kịp thời loại bỏ các vi khuẩn còn đang “lưu lại” trên bề mặt khoang miệng, tránh không để các vi khuẩn này xâm nhập sâu hơn, gây viêm nhiễm. Lưu ý không cho trẻ ăn uống bất kì thứ gì trước khi súc miệng.
Nên nhỏ argyrol 1-2% vào hai lỗ mũi của trẻ và cho trẻ xì mũi thật sạch. Bạn cần hướng dẫn trẻ xì mũi nhẹ cho nước trong mũi ra sạch. Hãy xì mũi đúng theo cách sau: bịt một lỗ mũi này và xì nhẹ lỗ mũi kia rồi làm ngược lại. Không nên bịt cả hai lỗ cùng một lúc để xì mũi để tránh gây ù tai hoặc làm nguồn viêm nhiễm từ mũi họng qua vòi nhĩ vào tai gây viêm tai giữa cấp.
Sau đó đẩy nước ra khỏi tai (dạy trẻ nghiêng tai có nước xuống phía dưới, nhảy vài lần, làm cả 2 bên). Lau sạch ống tai bằng một que bông sạch. Sau đó, làm khô tai nhẹ nhàng bằng cách quấn một góc nhỏ khăn giấy hoặc khăn vải để lau tai. Không nên làm sạch tai bằng bông ráy tai hoặc bất kỳ vật gì khác.
Tắm kỹ bằng nước sạch để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ bơi.
Xoa đều dầu nóng lên các huyệt, lau khô tai cho trẻ, nhỏ mắt, mũi và tai bằng nước muối sinh lý hay thuốc sát trùng nhẹ.
Vũ Đức Anh
Các nguyên tắc an toàn khi cho trẻ đi bơi
Trước khi xuống bơi phải tập kĩ những động tác khởi động.
Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn.
Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối đi kèm.
Không bơi khi trời đã tối, có sấm, chớp, mưa.
Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
Không ăn, uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
Không dùng các phao bơi bơm hơi.
Không bơi khi vừa đi ngoài nắng về.
Trẻ em vùng lũ không được tự ý đi lại, nghịch nước, bơi và bắt cá... khi nước lũ đang lên cao.
Đối với trẻ lớn, cần dạy trẻ biết xử trí khi có đuối nước xảy ra (kêu cứu, kĩ thuật tự cứu và cứu đuối).
(Theo TL Phòng tránh TNTT cho trẻ em)