Hà Nội

Giúp trẻ bỏ tật cắn móng tay

13-09-2011 09:59 | Tin nóng y tế
google news

Móng tay có nhiệm vụ bảo vệ những ngón tay khỏi bị vi khuẩn xâm nhập, giúp ta gãi, cào hoặc thuận tiện khi gắp những vật nhỏ.

Con trai tôi được 4 tuổi, gần đây, tôi thấy cháu rất hay đưa tay lên miệng, lúc đầu là cắn những vết xước da xung quanh đầu ngón tay, bây giờ là cắn móng tay. Xin hỏi quý báo có thể giúp trẻ bỏ thói quen xấu này thế nào?

Nguyễn Xuân Tâm (Quảng Ninh)

Móng tay có nhiệm vụ bảo vệ những ngón tay khỏi bị vi khuẩn xâm nhập, giúp ta gãi, cào hoặc thuận tiện khi gắp những vật nhỏ. Những người có thói quen cắn móng tay thường là những người muốn thực hiện mọi việc một cách hoàn hảo, muốn làm hài lòng mọi người xung quanh và thói quen vô thức này không chỉ xảy ra ở trẻ em. Trẻ cắn móng tay thường có thể là anh lớn, chị lớn hoặc là con một trong gia đình, phải chịu áp lực về giáo dục, hình phạt… Trẻ cắn móng tay có thể gặp phải những vấn đề về hệ tiêu hóa, nhiễm giun sán hoặc làm hại các răng cửa, ảnh hưởng sức nhai, phát âm… Cắn móng tay lâu dài còn làm ảnh hưởng đến sự phát triển móng và làm xấu móng tay. Để giúp trẻ bỏ tật cắn móng tay, cha mẹ nên để mắt nhiều tới trẻ, đặc biệt khi trẻ sắp cắn móng tay, chẳng hạn đang xem tivi, trên ôtô…, những lúc này thử đánh lạc hướng trẻ bằng những hoạt động nào đó như đưa cho trẻ cầm một quả bóng nén, một con rối hay đồ chơi có chất liệu dẻo để trẻ quên đi việc làm này. Cắt móng tay thường xuyên để trẻ không còn gì để cắn. Có thể sử dụng nước sơn móng tay trong suốt và đắng để sửa tật cắn móng tay cho trẻ, khuyên trẻ nên chơi thể thao và những hoạt động thủ công, khen thưởng và đề cao mỗi khi trẻ cố gắng không đụng đến móng tay, hãy làm gương cho trẻ vì trẻ thường có khuynh hướng bắt chước các hoạt động của người lớn. Điều quan trọng nữa là không nên đe dọa trẻ vì sẽ làm cho trẻ cảm thấy bất an và có thể dẫn đến hậu quả nặng nề hơn.    

       BS. Nguyễn Đức Nam


Ý kiến của bạn