Các chuyên gia thuộc Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) dựa trên những báo cáo gần đây đặt dấu hỏi về độ an toàn của việc sử dụng các thuốc giảm đau OTC (không cần ghi toa) trong thời kỳ mang thai. Vì vậy, họ đã tiến hành đánh giá các nghiên cứu được đăng trong các y văn và khuyến cáo về việc sử dụng thuốc giảm đau trong thời kỳ mang thai nên được cân nhắc cẩn thận. Thai phụ được khuyên rằng phải báo cho nhân viên y tế chuyên khoa biết khi định dùng bất cứ thuốc gì.
Thai phụ dùng thuốc giảm đau không đúng chỉ định sẽ bất lợi cho cả mẹ và con.
Nếu các cơn đau nặng và dai dẳng không được chữa trị tốt trong thời kỳ mang thai sẽ khiến thai phụ dễ bị trầm cảm, lo âu và tăng huyết áp. Các thuốc được dùng để chữa trị cơn đau nặng và kéo dài là các loại thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAID), các dẫn chất thuốc phiện opioid và acetaminophen (hay còn gọi là paracetamol). Tuy nhiên phải cân nhắc kỹ giữa lợi ích và tác hại của việc dùng thuốc giảm đau trên trong thời kỳ mang thai.
Xem xét các nghiên cứu đã được phổ biến về ba loại thuốc giảm đau được dùng trong thời kỳ thai nghén, các chuyên gia của FDA cho biết:
Sử dụng các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid (NSAID) có nguy cơ gây sẩy thai trong nửa đầu thời kỳ thai nghén. Đó là các thuốc: ibuprofen, naproxen, diclofenac, celecoxib.
Các dẫn chất thuốc phiện opioid liên quan đến khuyết tật của trẻ sơ sinh ở các cơ quan: não, cột sống, tủy sống khi thai phụ dùng opioid trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Các opioid đó là: oxycodone, hydrocodone, hydromorphone, morphin và codein.
Nếu mẹ dùng acetaminophen (paracetamol) trong bất kỳ thời điểm nào của quá trình mang thai thì trẻ sinh ra sẽ bị chứng tăng động giảm chú ý (ADHD). Acetaminophen là một loại thuốc giảm đau hạ sốt có trong hàng trăm loại thuốc khác nhau như các sản phẩm trị ho, cảm cúm, giảm đau...
Vì vậy, đối với phụ nữ mang thai khi dùng thuốc nói chung và thuốc giảm đau nói riêng cần phải có ý kiến của thầy thuốc để tránh các nguy cơ bất lợi cho cả mẹ và con.